Nhiều đề xuất hướng đến người lao động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa kết thúc việc lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cho Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Nhiều đề xuất mang tính đột phá đã được nhiều cơ quan, tổ chức nêu ra đang được người lao động cả nước quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Chú trọng đào tạo, phát triển nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Ảnh: HẢI NAM
Chú trọng đào tạo, phát triển nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Ảnh: HẢI NAM

Điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

“Công ty chúng tôi xảy ra tình trạng nhiều người lao động (NLĐ) đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) gần đủ hoặc đủ thời gian hưởng mức tối đa (12 tháng) thì xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Thực trạng này khiến doanh nghiệp mất đi những công nhân có tay nghề, trong khi việc tuyển dụng rất khó khăn”, đại diện một công ty tại Khu công nghiệp Minh Quang (Hưng Yên) cho biết. Theo đó, lý do NLĐ xin nghỉ việc là do quy định về giải quyết hưởng chế độ BHTN hiện nay khiến họ cảm thấy bất lợi. Cụ thể, các trường hợp đóng BHTN hơn 144 tháng (12 năm) nhưng chỉ được hưởng tối đa 12 tháng, không được bảo lưu thời gian đóng dư. Quy định này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH. Trong khi đó, Luật Việc làm hiện hành không quy định việc bảo lưu hay không bảo lưu thời gian đóng BHTN dư.

Chị Nguyễn Thị H có thời gian tham gia BHTN hơn 15 năm, nay thấy công việc không phù hợp nên thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo khoản 1, Điều 35 của Bộ luật Lao động năm 2019. Khi người sử dụng lao động giải quyết cho nghỉ việc và chị vẫn chưa tìm được việc làm khác trong vòng 2-3 năm, trong khi chị H chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp đủ 12 tháng thì chấm dứt là chưa phù hợp.

Chị H chia sẻ, với NLĐ có thời gian tham gia BHTN hơn 12 năm, khi nghỉ việc họ rất khó tìm việc làm mới, hay đủ điều kiện nghỉ hưu ngay sau khi hết 12 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, những NLĐ như chị H đề xuất Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) không nên khống chế thời gian hưởng tối đa là 12 tháng, mà nên quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp cho tới khi tìm được việc làm mới.

Để khắc phục tình trạng này, tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề nghị điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% nhằm bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người lao động khi không có việc làm. Đây là một đề xuất rất thiết thực, kịp thời trong bối cảnh số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp còn khá nhiều.

Dù mới chỉ là đề xuất trong Luật Việc làm (sửa đổi) nhưng thông tin này nhanh chóng được NLĐ, đặc biệt những người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp quan tâm, ủng hộ. Nhiều người cho rằng, nếu được điều chỉnh, mức trợ cấp thất nghiệp mới sẽ là “phao cứu sinh” cho NLĐ và cả đơn vị sử dụng lao động khi xảy ra biến cố.

Theo phân tích của ông Vũ Phạm Dũng Hà, Trưởng phòng Chính sách việc làm, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), sau 10 năm thực hiện, Luật Việc làm 2013 bộc lộ nhiều hạn chế:

Một là, chưa có quy định về việc đăng ký lao động nên việc quản lý lao động còn hạn chế, nhất là đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động.

Hai là, quy định cho vay giải quyết việc làm về nguồn vốn, đối tượng và điều kiện vay không còn phù hợp với thực tiễn. Chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ tập trung 5 nhóm đối tượng, trong khi một số đối tượng khác cũng cần được nghiên cứu, xem xét, bổ sung. Chưa có các quy định về chính sách hỗ trợ NLĐ trong già hóa dân số, chính sách thúc đẩy chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức. Một số chính sách hỗ trợ thanh niên cần được nghiên cứu, bổ sung để bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành.

Ba là, chưa có quy định về việc công bố chỉ số phát triển thị trường lao động, chỉ số phát triển kỹ năng nghề, báo cáo định kỳ về tình hình, triển vọng việc làm, nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề nhằm đánh giá sự phát triển thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, vùng, toàn quốc.

Bốn là, chưa có các quy định liên quan phát triển kỹ năng nghề, quy định về tham chiếu, kết nối giữa khung trình độ quốc gia và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia.

Năm là, chưa có quy định liên quan về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với nhân viên tư vấn, giới thiệu việc làm trong tổ chức dịch vụ việc làm.

Sáu là, đối tượng tham gia BHTN chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động; các chế độ còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp; quy định điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề khá chặt chẽ; chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học, chưa chú trọng đào tạo, phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề...

Nhiều đề xuất hướng đến người lao động ảnh 1

Cần bổ sung các quy định trong Luật Việc làm hướng đến nhóm lao động không chính thức. Ảnh: NGUYỆT ANH

Chú trọng nhóm lao động không chính thức

Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Việc làm, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh chủ trương xuyên suốt về mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực (một trong ba khâu đột phá chiến lược) và hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Cụ thể: “Tạo sinh kế, việc làm định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới”, “Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn. Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động”, “Tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước".

Như vậy, cần sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Việc làm, nhất là các quy định hướng đến nhóm lao động không chính thức. Trong dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, lao động tự do hiện đang chiếm tỷ lệ khá lớn, nhưng pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Cơ quan soạn thảo dự luật đề xuất bổ sung quy định xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động, bổ sung quy định về hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng, khu vực phi chính thức.

Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét quản lý lao động bằng “sổ lao động điện tử” gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở khác… để từ đó có chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc làm sáng tạo, trình độ cao như bảo hiểm, tài chính, YouTuber, Blogger đến việc làm phổ thông như giao hàng, bán hàng trực tuyến...