Bài toán khôi phục kinh tế Sri Lanka

Tổng thống đắc cử Anura Kumara Dissanayake vừa tuyên thệ nhậm chức, trở thành nguyên thủ thứ 9 của Sri Lanka kể từ khi nước này độc lập vào năm 1948. Giới phân tích nhận định rằng, tân Tổng thống Dissanayake sẽ đối mặt nhiệm vụ nặng nề là giải bài toán khủng hoảng kinh tế - xã hội đang hoành hành ở quốc gia vốn được mệnh danh “Hòn ngọc Ấn Độ Dương”.
Tổng thống Anura Kumara Dissanayake tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Anura Kumara Dissanayake tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: REUTERS

Quyết tâm khôi phục vị thế đất nước

Phát biểu ý kiến tại lễ nhậm chức được tổ chức ở Thủ đô Colombo, Tổng thống Dissanayake cho biết, chính quyền của ông sẽ phải đối mặt nhiều thách thức và nhiệm vụ chính là tạo ra “nền văn hóa chính trị mới”. Ông Dissanayake cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia và đưa ra những quyết định có lợi nhất cho đất nước. Tân Tổng thống Sri Lanka cam kết khôi phục vị thế và uy tín của đất nước, đồng thời khẳng định, sẽ xây dựng quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước và cộng đồng quốc tế.

Trước đó, Ủy ban Bầu cử Sri Lanka tuyên bố, ông Dissanayake, sinh năm 1968, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân quốc gia (NPP) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra ngày 21/9, với 42,31% số phiếu ủng hộ. Lãnh đạo phe đối lập Sajith Premadasa giành được số phiếu bầu cao thứ hai với tỷ lệ ủng hộ 32,76% và Tổng thống sắp mãn nhiệm Ranil Wickremesinghe đứng thứ ba với 17,27% phiếu bầu. Cuộc bầu cử thu hút gần 8.000 quan sát viên trong và ngoài nước, bao gồm 116 quan sát viên quốc tế. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi nền kinh tế Sri Lanka sụp đổ năm 2022 do tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng, khiến quốc đảo Ấn Độ Dương này không thể chi trả cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thuốc men và khí đốt.

Ngay sau khi Tổng thống Dissanayake nhậm chức, Thủ tướng Sri Lanka Dinesh Gunawardena thông báo quyết định từ chức, giải thích rằng, quyết định của ông dựa theo một điều khoản trong Hiến pháp Sri Lanka, trong đó nêu rõ việc từ chức là một phần của quá trình chuyển giao quyền lực sau kết quả bầu cử Tổng thống vừa qua. Sau khi người dân Sri Lanka tham gia bầu cử Tổng thống, chính quyền quốc gia Nam Á này đã ban hành lệnh giới nghiêm qua đêm áp dụng trên toàn quốc để bảo đảm an ninh trong quá trình kiểm phiếu.

Vật lộn với khủng hoảng kinh tế - xã hội

Cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra trong bối cảnh Sri Lanka đang phải áp dụng các biện pháp tăng thuế, “thắt lưng buộc bụng” để đáp ứng những điều kiện của gói cứu trợ trị giá 2,9 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Giới quan sát nhận định, cuộc bầu cử lần này tại Sri Lanka giống như là một đợt trưng cầu ý dân đối với kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” mà chính phủ áp dụng để nhận được gói cứu trợ từ IMF, giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng tài chính trầm trọng.

Tuy nhiên, các biện pháp tăng thuế, “thắt lưng buộc bụng” được áp dụng thời gian qua để đáp ứng các điều kiện hưởng gói cứu trợ của IMF, đã khiến hàng triệu người dân Sri Lanka phải vật lộn để kiếm sống. Các chuyên gia cảnh báo rằng, nền kinh tế Sri Lanka vẫn còn mong manh khi hoạt động thanh toán khoản nợ nước ngoài trị giá 46 tỷ USD của “Hòn ngọc Ấn Độ Dương” vẫn chưa được nối lại kể từ vụ vỡ nợ của chính phủ vào năm 2022.

Tổng thống mãn nhiệm Ranil Wickremesinghe, người trực tiếp chỉ đạo thực hiện các biện pháp kể trên, cũng ra tranh cử nhiệm kỳ mới sau hai năm lãnh đạo đất nước. Dù được tín nhiệm vì nỗ lực ổn định nền kinh tế, chấm dứt tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men nhiều tháng qua, xoa dịu tình trạng bất ổn do tác động của suy thoái kinh tế năm 2022, nhưng ông Wickremesinghe vẫn không thể khôi phục được lòng tin của cử tri Sri Lanka khi họ vẫn phải vật lộn với cuộc sống thường nhật, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính chưa tìm được lối thoát.

Cử tri Sri Lanka đã quyết định lựa chọn vị Tổng thống mới với niềm hy vọng nhà lãnh đạo mới sẽ đưa ra các quyết sách phù hợp để giải bài toán khủng hoảng kinh tế kéo dài ở quốc gia Nam Á này.