Tăng cường hợp tác hàng hải
Hội nghị diễn ra tại thành phố Wilmington, bang Delawe của Mỹ và đây là lần đầu Tổng thống Joe Biden tiếp đón các lãnh đạo nhóm “Bộ tứ” tại thành phố nơi có nhà riêng của ông. Điều này thể hiện sự coi trọng và quan hệ cá nhân sâu sắc của đương kim Tổng thống Mỹ với Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo “Bộ tứ” nhất trí mở rộng hợp tác về an ninh hàng hải, tập trung vào việc nâng cao khả năng tương tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước thành viên. Một loạt dự án hợp tác đã được thông qua, cả sáng kiến mới và các chương trình đang triển khai, trong các lĩnh vực an ninh, hàng hải, ứng phó thảm họa thiên nhiên và công nghệ tiên tiến.
Nổi bật trong đó là sáng kiến mở rộng quan hệ đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong lĩnh vực hàng hải, cũng như tăng cường hợp tác về hậu cần quân sự. Tổng thống Biden tuyên bố sáng kiến nhằm mang lại “tác động tích cực thực sự” cho khu vực thông qua việc cung cấp các công nghệ hàng hải mới cho các đối tác.
Theo đó, “Bộ tứ” lên kế hoạch tổ chức tập trận chung của lực lượng bảo vệ bờ biển, bắt đầu từ năm 2025, đồng thời mở rộng chương trình đào tạo cho các đối tác trong khu vực nhằm nâng cao năng lực giám sát, thực thi pháp luật trên biển và ngăn chặn các hành vi trái phép. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí về chia sẻ không gian vận chuyển hàng hóa qua đường biển và hàng không nhằm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
“Bộ tứ” cũng thống nhất về một số dự án hợp tác khác, trong đó có xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thông mới mang tên “Mạng truy cập vô tuyến mở cho các đảo Thái Bình Dương và khu vực Đông Nam Á”, hay tăng cường nỗ lực phòng chống ung thư, dựa trên kinh nghiệm hợp tác trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Thúc đẩy cải tổ LHQ
Các nhà lãnh đạo “Bộ tứ” cũng khẳng định ủng hộ và kêu gọi đẩy nhanh cải tổ Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ theo hướng mở rộng số lượng ủy viên thường trực. Tuyên bố chung nêu rõ: “Chúng tôi nhận thấy yêu cầu cấp thiết phải cải tổ HĐBA LHQ, làm cho cơ quan này toàn diện, minh bạch, hiệu quả, dân chủ và có trách nhiệm hơn, thông qua việc mở rộng các thành viên, cả thường trực và không thường trực”. Nhóm “Bộ tứ kim cương” nhấn mạnh, việc mở rộng số ghế ủy viên thường trực, theo đó HĐBA được cải tổ nên bao gồm đại diện các quốc gia mới nổi tại châu Phi, châu Á, khu vực Mỹ latin và Caribe.
Về vấn đề an ninh và hòa bình quốc tế, tuyên bố chung cũng đề cập những diễn biến mới trong các cuộc xung đột hiện nay. Các nhà lãnh đạo “Bộ tứ” nhấn mạnh tầm quan trọng phải thiết lập hòa bình lâu dài ở Ukraine. Tuyên bố chung có đoạn: “Chúng tôi nhắc lại yêu cầu về một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài, phù hợp luật pháp quốc tế, phù hợp các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ”.
Cuộc họp tại Wilmington là Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4, nhưng là cuộc gặp thứ 6 giữa các lãnh đạo “Bộ tứ” kể từ khi cơ chế đối thoại an ninh bốn bên này được khởi xướng năm 2007. Hội nghị lần này được xem là một phần trong nỗ lực của Tổng thống đương nhiệm Mỹ nhằm thể chế hóa cơ chế “Bộ tứ”, trước khi Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida rời nhiệm sở trong thời gian tới. Ông Biden đã rút khỏi cuộc đua vào Nhà trắng nhiệm kỳ tới, ông Kishida cũng tuyên bố không tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản sắp tới.