Nhiều cách hay “cứu” những dòng kênh bẩn

Sau loạt bài “Sống khổ bên dòng kênh bẩn” trên Thời Nay số 1510 và 1511 (tháng 7/2024), các chuyên gia tiếp tục đề xuất những giải pháp khả thi nhằm giải quyết tình trạng cả kênh, mương lẫn sông ngòi ô nhiễm. Mong các ý kiến trên cơ sở khoa học và nguyện vọng người dân sẽ được cơ quan chức năng của Thủ đô tiếp thu và áp dụng hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Bán hàng, làm thịt gà, vịt, cá... ngay bên mép kênh rồi xả xuống tại khu chợ cạnh nhà máy A34, đường Hoàng Công Chất, phường Phú Diễn, (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Bán hàng, làm thịt gà, vịt, cá... ngay bên mép kênh rồi xả xuống tại khu chợ cạnh nhà máy A34, đường Hoàng Công Chất, phường Phú Diễn, (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Thu gom xử lý, giảm thiểu nước thải phát sinh

Một trong những mong muốn của nhiều người dân khi được hỏi về giải pháp cho tình trạng ô nhiễm kênh, mương bẩn lâu nay là việc cống hóa các hệ thống thoát nước thải. Tham khảo một số ý kiến chuyên gia, có rất nhiều biện pháp được đề ra. GS, TS, NGND Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, cống hóa kênh mương ô nhiễm là biện pháp khả thi và cần thiết để bảo vệ môi trường Hà Nội. Các giải pháp từ xây dựng hệ thống thu gom nước thải, giảm thiểu nước thải, kiểm soát xả rác đến cung cấp oxy cho ao, hồ đều hướng tới mục tiêu giữ cho Thủ đô luôn xanh - sạch - đẹp. Việc kết hợp giữa chính sách, quy hoạch và sự tham gia của cộng đồng sẽ biến những dòng sông “chết” được hồi sinh trở lại, góp phần xây dựng một môi trường sống bền vững cho Hà Nội.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, cần giảm thiểu lượng nước thải phát sinh. Mỗi cá nhân, tổ chức không lãng phí nguồn nước để giảm lượng nước thải ra môi trường. Mặt khác, cải tạo chất lượng nước trong kênh, mương, hồ cần phải từ đầu nguồn. Nơi nào không thu về được mà vẫn xả ra thì cần có hệ thống xử lý nước thải quy mô nhỏ, đơn giản để ngăn chặn không cho nước bẩn vào nguồn chung. Theo các chuyên gia, tại những khu vực chưa có hệ thống cống ngầm, việc xây dựng các trạm xử lý nước thải quy mô nhỏ là cần thiết.

Giám sát nước xả ra sông, cải tạo cảnh quan

Bên cạnh đó, cần có các đơn vị giám sát chất lượng nước xả vào sông. Khu vực vi phạm sẽ bị cảnh cáo, phạt và yêu cầu ngừng xả thải. Đồng thời, việc đầu tư vào các trạm xử lý nước thải để ngăn ngừa ô nhiễm là điều cần thiết. Ngoài ra, việc kiểm soát xả rác thải hai bên bờ sông là rất quan trọng: cần xây dựng các hệ thống thu gom rác và cải tạo hai bên bờ sông thành khu vui chơi, giải trí có kiểm soát. Việc này ngăn chặn tình trạng xả rác bừa bãi và giữ cho dòng sông sạch đẹp. Việc đặt camera giám sát, tuyên truyền và thực hiện các biện pháp đi kèm để hạn chế tình trạng xả thải trái phép cũng là cần thiết. Ứng dụng khoa học công nghệ trong việc đánh giá và xử lý ô nhiễm môi trường sẽ giúp cải thiện hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ môi trường.

Hiểu được nỗi niềm của nhiều người dân, GS, TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đưa ra rất nhiều lời khuyên. Theo ông, những con sông như sông Hồng, sông Đà và sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ đều chảy qua các quận, huyện của Hà Nội, mang lại nguồn nước và môi trường sống cho nhiều sinh vật. Tuy nhiên, dòng chảy không liên tục, nước đọng ở nhiều nơi tạo điều kiện cho ô nhiễm phát triển. Việc thu gom và xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường cần được thực hiện nghiêm ngặt theo Luật Bảo vệ Môi trường. Cộng đồng cần ý thức rõ về vai trò của môi trường và thực hiện các hành động bảo vệ môi trường hàng ngày. Từ việc vứt rác đúng nơi quy định đến việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. GS nhấn mạnh: “Môi trường có khỏe mạnh thì con người mới khỏe mạnh được. Những việc làm này với phương châm của dân - do dân - vì dân, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ”.

Giải quyết vướng mắc từ khâu quản lý

Về phía kỹ sư Nguyễn Trường Duy, Tổng Thư ký Hội Cơ học Hà Nội, nguyên Trưởng phòng Quản lý xây dựng - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, ông Duy đề xuất: “Trong khu đô thị nên cống hóa, đây là phương pháp tốt. Nhưng trục chính thì cần căn cứ vào lưu lượng dòng chảy, không nên cống hóa, bởi trục chính tạo ra chỗ dự trữ nước, ngoài ra còn thẩm thấu vào lòng đất cung cấp cho cây cối”.

Nguyên nhân sâu xa nhất của ô nhiễm kênh mương là do công tác quản lý và xử lý nước thải còn nhiều bất cập. Ông Duy chỉ ra rằng, việc phân công trách nhiệm quản lý nước và dòng chảy chưa rõ ràng giữa các bộ, ngành gây ra mâu thuẫn và thiếu hiệu quả. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về xả thải và quản lý nước, trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại quản lý dòng chảy. Điều này dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý và làm giảm hiệu quả công tác. Ông cũng đề nghị, cần điều chỉnh Luật về quản lý nước, quản lý sông, công trình trên sông về một đầu mối, cơ chế phạt thưởng công khai.

Được biết, mực nước sông Hồng giảm cũng là một yếu tố gây ô nhiễm. Từ năm 2000, mực nước sông Hồng liên tục giảm và đáy sông bị hạ thấp, khiến nước không đủ dâng vào các kênh mương. Chế độ dòng chảy không ổn định, lúc nhanh, lúc chậm, cũng làm cho nước không lưu thông liên tục, góp phần làm ô nhiễm thêm nghiêm trọng. Các chuyên gia đề xuất, ngoài việc xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường, Hà Nội cần có quy hoạch khu dân cư hợp lý, bảo đảm nước thải và nước mưa không chảy chung để giảm áp lực lên nhà máy xử lý nước thải. Cùng với đó, điều chỉnh và nghiên cứu lại công tác quản lý, học tập từ những nơi quản lý tốt và có chính sách cụ thể, rõ ràng.

Trách nhiệm người dân cũng cần được đề cao hơn. Theo đó, cần khuyến khích cộng đồng đóng góp kinh phí và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Các khu phố còn nước thải cần đóng góp để xây dựng hệ thống xử lý và duy trì môi trường sạch đẹp. Nên giảm mùi hôi và ô nhiễm, cung cấp oxy cho ao, hồ thông qua việc sục khí.