Nâng tầm giá trị cho cá trích

Nơi mình sống là vùng biển Nam Ô có làng nghề truyền thống về đánh bắt và làm mắm cá. Chị Võ Thị Hạnh Dung (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), đã mạnh dạn tạo ra dòng sản phẩm độc quyền về cá trích góp phần giúp bà con tiêu thụ được nguồn lợi thủy sản.
Chị Dung giới thiệu với khách hàng nước mắm làm từ cá trích.
Chị Dung giới thiệu với khách hàng nước mắm làm từ cá trích.

Tạo ra sản phẩm riêng

Vào mùa, cá trích được ngư dân đánh bắt nhiều nhưng bán với giá rẻ hoặc bán cho các cơ sở làm thức ăn chăn nuôi. Cách chế biến món ăn từ cá cũng đơn giản, thường là chiên giòn bởi có nhiều xương dăm. Là một người mẹ, có học qua về dinh dưỡng, chị Dung thường xuyên chế biến, đổi mới những món ăn ngon để hấp dẫn con. Trong đó, món chà bông (hay còn gọi là ruốc) cá trích được các con hào hứng đón nhận.

Chà bông sử dụng phần thịt ở lưng cá, sau khi hấp lên sẽ trộn thêm gia vị và sấy khô. Lên mạng tìm công thức nhưng không có nên chị Dung dựa vào cách làm chà bông từ sản phẩm khác, áp dụng thử vào cá trích rồi dần dần điều chỉnh cho phù hợp. Sau khi cho nhiều người dùng thử và nhận được phản hồi tốt, chị mạnh dạn đưa ra thị trường bán thăm dò.

Nhận thấy làm chà bông cá trích chỉ sử dụng được một ít thịt do cá nhiều xương, cứ 10 kg cá trích thì cho ra được khoảng 400 gram chà bông, phần nguyên liệu còn lại bán cho các đơn vị chế biến thức ăn gia súc nhưng giá không cao nên chị Dung nghĩ ra cách làm để tiếp tục dùng đến các phần thịt khác của cá. Chị sử dụng phần thịt có xương kết hợp cùng một số loại nấm và rau củ quả để làm hạt nêm cá trích rau củ. Phần nguyên liệu dư còn lại chị lại ủ làm nước mắm.

Lúc đầu các công đoạn đều được chị Dung làm thủ công. Sau này, khi gặp gỡ chị Minh Hồng khởi nghiệp về công nghệ vi sinh, chị đã kết hợp để sử dụng cách bảo quản sản phẩm bằng vi sinh. Nước mắm cũng dùng công nghệ nuôi cấy vi sinh để thay thế cho cách ủ muối truyền thống, vừa giúp rút ngắn thời gian tạo ra nước mắm vừa không gây mùi hôi, ảnh hưởng đến cộng đồng.

Hiện chị Dung đã đăng ký sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu 43Foods cho ba dòng sản phẩm. Bên cạnh đó chị cũng phát triển thêm mặt hàng gỏi cá trích đóng gói và cá trích ngâm dầu.

Giữ môi trường bền vững

Vốn có đam mê về kinh doanh, những đồng tiền tiết kiệm đầu tiên chị đã sử dụng để khởi nghiệp với trang trại rau sạch nhưng rồi thất bại. Vì vậy, khi quyết tâm thử nghiệm với cá trích chị Dung lại tiếp tục vay mượn, bắt đầu từ con số âm.

Sau một thời gian vừa khởi nghiệp vừa bán hàng, chà bông, hạt nêm, nước mắm cá trích mang tên hộ kinh doanh 43Foods đã được nhiều người đón nhận. Sản phẩm tạo được độ tin cậy cao về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi năm, 43Foods tiêu thụ 150 tấn cá của ngư dân để làm ra các sản phẩm. Hiện nay chị đã có khoảng 200 kênh phân phối trên toàn quốc, với ba sản phẩm hạt nêm, dăm bông, nước mắm mỗi năm bán ra thị trường khoảng 11.000 hũ.

Là một người trẻ, hiểu được khởi nghiệp cần phát triển theo hướng kinh tế xanh thì mới bền vững, vì vậy, chị Dung luôn chú trọng đến bảo vệ môi trường. 43Foods đang bao tiêu cho 27 hộ dân đánh bắt thủy hải sản chuyên về cá trích. Cá chỉ thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 7 dương lịch, những tháng còn lại là mùa cá sinh sản. Vì vậy chị Dung cũng cam kết cùng ngư dân không thu mua và không đánh bắt, tránh tình trạng tận thu nguồn thủy sản, bảo đảm môi trường an toàn cho cá sinh sản. Đồng thời, với nguồn nước thải sau khi chế biến cá, chị cũng dùng công nghệ vi sinh để biến nước thải thành phân bón, sử dụng để trồng rau tại trang trại nhỏ, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa có thực phẩm sạch.

Chị Dung cũng tham gia nhiều khóa tập huấn, cuộc thi về khởi nghiệp cấp thành phố, cấp khu vực để nâng cao năng lực cũng như học hỏi kinh nghiệm từ những chị em khởi nghiệp khác. Hiện nay chị đã hoàn thiện các giấy tờ để thành lập Hợp tác xã thực phẩm sạch 43Foods. Sắp tới, sẽ đầu tư thêm máy móc, kho lạnh để có thể trữ được cá nhiều hơn, đủ dùng trong 4 tháng cuối năm. “Từ đầu, tôi đã xác định sẽ khởi nghiệp với mô hình phát triển bền vững, để có thể nâng giá trị từ sản phẩm cá trích Nam Ô hướng đến cá trích Việt Nam. Con đường đi vẫn còn dài nhưng tôi mong rằng với sự kiên trì của bản thân và chất lượng sản phẩm, tôi có thể góp phần phát huy được tài nguyên bản địa”, chị Dung tâm sự.