Tự tay làm bánh dẻo, đèn ông sao
Mở đầu chương trình, Manivong cùng hơn 60 sinh viên Lào, Campuchia và Ghana đang theo học tại Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh được thưởng thức chương trình văn nghệ chủ đề Trung thu. Đến hoạt cảnh nói về “Sự tích chú Cuội, chị Hằng”, Manivong chăm chú theo dõi phần trình diễn của các anh chị sinh viên người Việt trên sân khấu, vừa nghe một người bạn phiên dịch nội dung để hiểu rõ hơn. Kết thúc tiết mục hoạt cảnh, Manivong cùng các bạn sinh viên bên dưới vỗ tay thật to và hào hứng reo lên “Hay và đẹp quá!”.
Nội dung Manivong cùng bạn bè mong đợi nhất chương trình là tự tay làm lồng đèn ông sao giấy kiếng và bánh trung thu. Khi đăng ký tham gia tranh tài làm lồng đèn và bánh cùng nhóm, Manivong cũng lo lắm. Vậy mà chỉ sau vài phút nghe đội tình nguyện viên của ban tổ chức hướng dẫn, cô bạn đã tự tin nhào bột, ịn khuôn làm bánh dẻo và cắt giấy kiếng trang trí lồng đèn ông sao. Một, hai chiếc bánh đầu tiên bị méo, chưa rõ hoa văn, các bạn rủ nhau làm lại đến khi nào đẹp mắt mới thôi. “Đây là lần đầu em được trải nghiệm một Tết Trung thu trọn vẹn như thế này. Việc tự tay làm bánh cùng các bạn sinh viên Việt Nam thật sự là một kỷ niệm đáng nhớ. Chương trình không chỉ giúp em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Tết Trung thu ở Việt Nam mà còn tạo cơ hội để giao lưu, kết bạn với nhiều sinh viên khác”, Manivong phấn khởi cho hay.
Chưa đầy một giờ đồng hồ, nhóm của Manivong đã hoàn thành gần 10 cái bánh cùng vài chiếc lồng đèn đủ sắc mầu. Vừa làm bánh, Manivong và các bạn sinh viên quốc tế vừa nghe các tình nguyện viên là sinh viên người Việt kể về Tết Trung thu cùng nhiều sự tích thú vị xoay quanh chủ đề này. Chương trình khép lại bằng tiết mục phá cỗ, xem múa lân và rước đèn ông sao trong tiếng trống rộn ràng.
TS Lê Nguyễn Quốc Khang, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc tạo những sân chơi văn hóa truyền thống như thế này là điều vô cùng cần thiết vì thông qua hoạt động giao lưu, kết nối, người học đến từ các quốc gia hiểu rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam.
Trải nghiệm đặc biệt
Đang có chuyến du lịch cùng bạn bè tại Việt Nam, vô tình đọc thông tin về chương trình “Mùa trăng đoàn viên - Cùng ngoạn Trung thu Việt”, anh Raymond (29 tuổi, người Mỹ) thử đăng ký tham gia. Bước vào không gian được bày trí đẹp mắt với rất nhiều đèn lồng và mặt nạ giấy bồi, anh Raymond quay sang hỏi một người trong đơn vị tổ chức: “Tết Trung thu ở Việt Nam vì sao có nhiều lồng đèn quá vậy?”.
Cùng tham gia với Raymond hôm ấy còn có gần 20 du khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Rất nhiều câu hỏi liên quan đến Tết Trung thu được mọi người nêu ra. Thấy du khách tò mò, chị Trần Ngọc Nguyệt Quế (Giám đốc Công ty Truyền thông sự kiện Santani, đại diện Ban tổ chức) liền giới thiệu, giọng xen lẫn tự hào: “Trung thu là dịp để người dân Việt Nam sum vầy cùng gia đình, đây cũng là dịp người lớn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho trẻ con. Lồng đèn các bạn thấy ở đây là lồng đèn truyền thống, tất cả đều được làm thủ công”.
Chương trình “Cùng ngoạn Trung thu Việt” kéo dài gần hai giờ với ba hoạt động chính: tìm hiểu Tết Trung thu tại Việt Nam, học cách làm bánh Trung thu, tự tay làm lồng đèn giấy kiếng hình ông sao. Cùng bạn chăm chú nghe hướng dẫn thế nhưng, đến lúc bắt tay vào việc, phải 25 phút sau Raymond mới tạo được chiếc bánh dẻo với họa tiết hoa sen. Hoàn thành những chiếc bánh trung thu đầu tiên trong đời, du khách thích thú chụp hình lưu niệm và không quên thử bánh với tách trà nóng.
Tiếp đó, tất cả di chuyển đến khu vực làm lồng đèn. Nghe hướng dẫn xong, từng du khách phết keo và khéo léo dán giấy kiếng hình tam giác lên các cạnh của chiếc lồng đèn hình ngôi sao. Không lâu sau đó, từng chiếc lồng đèn giấy kiếng được thắp sáng kèm những tiếng cười rộn ràng, ánh mắt vừa ngạc nhiên vừa thích thú của các du khách. Anh RayMond cho hay: “Đây là trải nghiệm rất thú vị vì chúng tôi không chỉ làm đồ thủ công, làm bánh mà còn được nghe kể các câu chuyện về Tết Trung thu ở Việt Nam. Toàn những điều mới mẻ”.