Căng sức, đồng lòng giảm bớt hậu quả thiên tai

Các địa phương đang tập trung mọi nguồn lực, huy động nhân lực, bằng mọi cách phải bảo đảm an toàn cho người dân sau bão số 3 - Yagi. Các cuộc họp đột xuất ứng phó lũ lụt, công điện, kiểm tra thực tế, lãnh đạo các cấp chỉ đạo với tinh thần đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe người dân lên trên hết, không để ai bị đói, bị rét, bị khát, không có chỗ ở. Cùng với đó, giữa những thử thách và khó khăn do thiên tai, tinh thần đoàn kết và lòng nhân ái của người dân khắp nơi đã tỏa sáng, thể hiện qua hàng loạt hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa.
Chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm vào vùng ngập lũ.
Chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm vào vùng ngập lũ.

Bất ngờ, hoang mang, đau thương trong lũ dữ

Nhiều gia đình ở Túc Duyên, phường ven sông Cầu thuộc TP Thái Nguyên dù đã quen với lũ, nhưng bất ngờ vì lũ lên nhanh từ đêm 8/9, không kịp trở tay, sáng ra mới bắt gà bám trú trên mái, lùa đàn lợn đang co cụm, lóp ngóp nước đến nơi khô ráo. Còn tại Phú Thọ, Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, những ngày qua, nước từ thượng nguồn sông Hồng, sông Lô đổ về rất lớn, khiến người dân sinh sống hai ven bờ phải căng mình chống chọi.

Tính đến hết ngày 11/9, tại Phú Thọ đã có 10 người chết và mất tích, trong đó, huyện Hạ Hòa có 2 người chết và mất tích; 8 người mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu; 5 người bị thương; 280 ngôi nhà bị hư hỏng do cây đổ, tốc mái. Mưa lũ còn khiến hàng nghìn ha lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; nhiều hệ thống kênh mương thủy lợi, giao thông, đê điều bị hư hỏng… Tình trạng ngập lụt còn bủa vây nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều khu dân cư bị cô lập hoàn toàn, nước ngập sâu từ 2-3 m. Tính đến nay, toàn tỉnh đã phải di dời hơn 7.000 hộ dân đến nơi an toàn. Ông Phùng Ngọc Được, khu 8, thị trấn Hạ Hòa cho biết, gia đình ông ở đây gần 60 năm nhưng chưa từng chứng kiến trận ngập nào lớn như này. Mặc dù hạ tầng giao thông, đê điều, nhà cửa đã được nâng cao so với đỉnh lũ lịch sử năm 1971 mà cả thị trấn vẫn ngập nặng.

Cũng trong những ngày qua, hàng trăm hộ dân sinh sống ngoài ven đê xã Bình Phú, huyện Phù Ninh bị ngập lụt. Nước ngập đã cô lập hoàn toàn khu 5, khu Long Châu và khu Trung Dầu khiến 200 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Cũng như sông Thao, sông Lô những ngày qua mực nước liên tục dâng uy hiếp tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân sinh sống ven sông. Người dân đang sinh sống tại nhiều xã của các huyện Đoan Hùng, Phù Ninh, TP Việt Trì phải trắng đêm chạy lũ.

Còn ở tỉnh Bắc Kạn, bốn ngày qua, mưa không dứt. Nhiều năm rồi mới có trận mưa lớn, kéo dài và gây ngập úng, sạt lở nhiều đến như vậy. Con số thiệt hại tăng lên từng ngày. Đến ngày 11/9, mưa đã tạm ngớt nhưng vẫn còn hàng nghìn hộ dân vật lộn khắc phục hậu quả sạt lở và chạy lũ.

Trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác cứu trợ tại xã Nam Cường, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh đã đến thăm nhiều hộ dân, trường học, trạm Y tế xã… Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ đạo, cố gắng cứu hộ, đưa người dân đến những vị trí an toàn; bảo đảm chăm lo đời sống cho những hộ phải di dời khỏi nhà; chuẩn bị đầy đủ thuốc men để cấp cho người dân, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh.

Mới tuần trước, xã Nam Cường (Chợ Đồn, Bắc Kạn) còn tưng bừng khai trương chợ đêm Cốc Lùng, nơi có cây đa to cổ thụ trăm năm tuổi. Chỉ mấy hôm sau, cả khu vực Cốc Lùng đã chìm trong biển nước. Hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp. Xã có cánh đồng canh tác lúa rộng 100 ha. Hàng trăm hộ dân sinh sống bên mạn tả cánh đồng. Bên mạn hữu là lối lên các thôn Bản Chảy, Bản Quá, Lũng Noong bằng con đường độc đạo chạy xuyên qua giữa cánh đồng. Phía cuối cánh đồng về phía huyện Ba Bể có cửa hang Pác Chản, là nơi tiêu thoát và dẫn nước tự nhiên vào hồ Ba Bể. Hằng năm, việc ngập úng tại cánh đồng này vẫn diễn ra nên cánh đồng này còn được ví von là “rốn lũ”. Tuy nhiên, thường thì nước chỉ ngập lúa chứ ít khi lên tới nhà dân. Nhưng nay, cả cánh đồng chìm trong nước lũ và còn hơn thế khi nước lũ đã ngập đến nóc nhà dân.

Căng sức, đồng lòng giảm bớt hậu quả thiên tai ảnh 1

Phương tiện chưa tiếp cận được hiện trường gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn các điểm sạt lở đất ở tỉnh Cao Bằng.

Tại tỉnh Cao Bằng, cũng xảy ra mưa lũ, sạt lở đất kinh hoàng. Thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, ở huyện Nguyên Bình, sạt lở đất gây ra rất nhiều đau thương, mất mát về người. Từ sáng ngày 9/9, liên tiếp những thông tin về vụ sạt lở đất làm vùi lấp, cuốn trôi xe khách, ô-tô, xe máy, sập đổ nhà, vùi lấp người dân ở huyện Nguyên Bình đã gây xôn xao trong dư luận. Tin dữ liên tiếp bay về tỉnh, số liệu thống kê về số người bị chết, bị thương, mất tích tăng lên. Là một trong những nạn nhân vụ sạt lở đất ở xóm Khuổi Ngọa, anh Nông Văn Ngọc, công tác ở Điện lực huyện Bảo Lạc bị đa chấn thương, tụ máu não, vỡ đốt sống xương cổ, dập phổi, gãy tay trái, chân trái, phải chuyển tuyến từ Bệnh viện Cao Bằng lên tuyến trung ương để điều trị. Người nhà anh Ngọc cho biết, anh đi xe máy từ TP Cao Bằng về huyện Bảo Lạc, đến xóm Khuổi Ngọa, mưa to quá, phía trước đường tắc, nên anh đã dừng nghỉ và lên xe khách nghỉ nhờ. Sau đó, chiếc xe bị đất đá sạt lở vùi lấp, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy anh Ngọc đang hôn mê.

Hai vụ sạt lở khác cũng gây thiệt hại lớn về người, tài sản của người dân là tại xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc và xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành. Tại vị trí khác trong huyện Nguyên Bình cũng xảy ra sạt lở đất, làm chết người. Mưa to, sạt lở đất, nền đất ngấm nước, bão hòa dễ sạt lở khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Phương tiện, thiết bị không tiếp cận được vị trí sạt lở để ứng cứu; chỉ dùng sức người khắc phục hậu quả. Có mặt tại huyện Nguyên Bình từ ngày đầu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND dân tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết, có đoạn đường hơn 100 m mà có đến hàng chục điểm sạt lở. Tại ba huyện miền tây tỉnh Cao Bằng gồm Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, đường giao thông bị sạt lở, ách tắc, huyện này sang huyện kia không được, xã này, sang xã kia không được.

Tất cả quyết liệt chạy đua với thiên tai

Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Đào Nguyên Phong cho biết, lực lượng “4 tại chỗ” và lực lượng chi viện đã tham gia cứu nạn, cứu hộ với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, tích cực cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích. Đồng thời, hỗ trợ dân trong diện nguy cơ sạt lở nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn; thường xuyên cảnh báo các vị trí nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất mới xuất hiện để di chuyển, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Đó cũng là tinh thần chung của các lực lượng tại các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ. Trong lũ lịch sử ở Thái Nguyên, bộ đội, công an đã trầm mình trong nước suốt ngày để cứu trợ người dân. Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên Nguyễn Linh cho biết: “Chúng tôi huy động tối đa lực lượng, phương tiện để di dời toàn bộ người dân ở vùng ngập sâu, nguy hiểm đến nơi an toàn với tổng cộng gần 2.000 hộ; bộ đội, công an suốt ngày đêm gia cố đê sông Cầu”. Hơn 1.000 cán bộ, công an, bộ đội đã lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin tình huống đột xuất. Khi lũ dâng cao, tại đầu cầu Bến Tượng, công an và bộ đội thay nhau trầm mình trong lũ, dùng xuồng đưa người dân phường Đồng Bẩm đến nơi an toàn.

Căng sức, đồng lòng giảm bớt hậu quả thiên tai ảnh 2

Công an, bộ đội tỉnh Thái Nguyên giúp dân di dời đến nơi an toàn.

Tại tỉnh Cao Bằng, chính quyền huy động hơn 4.700 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, lực lượng dân sự tại chỗ thực hiện nhiệm vụ trong mưa lũ, sạt lở đất. Quân khu 1 cũng cử lực lượng hỗ trợ tỉnh tìm kiếm, cứu nạn. Với huyện Nguyên Bình, các lực lượng đã điều 12 máy xúc, nhiều xe ô-tô, phương tiện để thông đường giao thông, ứng cứu người bị nạn trong vụ sạt lở đất. “Chúng tôi đang khảo sát, quyết tâm sớm thông tuyến giao thông từ huyện Nguyên Bình đến 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm phục vụ công tác cứu trợ”, đồng chí Hoàng Xuân Ánh cho biết.

Cao Bằng đã hỗ trợ nhu yếu phẩm cho hơn 1.000 gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai; hỗ trợ gia đình ở khu vực có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn. Tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng/gia đình cho 22 gia đình nhà ở bị sập đổ, hư hỏng hoàn toàn. Trước mắt, tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng/người cho gia đình có người chết; 5 triệu đồng/người, cho người bị thương. Sau khi UBND tỉnh - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng đăng tải lời kêu gọi ủng hộ, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã ủng hộ, hỗ trợ tiền, hiện vật. Có doanh nghiệp ủng hộ 200 triệu đồng; có cá nhân ủng hộ 500 triệu đồng, 100 triệu đồng.

Đã hai ngày nay, Công an xã Nam Cường (Bắc Kạn) trắng đêm giúp bà con di dời tài sản. Anh Triệu Tùng, cán bộ Công an xã cho biết, mới đây đã có thêm lực lượng của Công an huyện và tỉnh vào giúp đỡ. Chủ tịch UBND xã La Tiến Phóng vừa đốc thúc anh em vừa cho biết, trên địa bàn xã đã mất điện. Dự kiến sẽ có khoảng 200 hộ phải di dời tránh lũ. Cái thiếu nhất lúc này là thuyền, xuồng máy để hỗ trợ dân và chở nhu yếu phẩm. Người dân đã tự ghép nhiều bè tre nhưng chỉ đủ để chở người chứ không chở được những vật dụng, nhu yếu phẩm.

Theo Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) Triệu Huy Chung, huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, cùng xã tập trung mọi nguồn lực, tiếp cận những nơi bị cô lập, bảo đảm tất cả các hộ dân đều có nhu yếu phẩm cấp thiết. Mưa đã ngớt dần, nước lũ trên các sông, suối cũng đã giảm, Bắc Kạn bước vào giai đoạn khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, sau khi nước rút, vẫn còn bộn bề khối lượng công việc khổng lồ cần phải triển khai. Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn Triệu Tiến Trình cho biết, đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn ở các huyện, thành phố thành lập 40 đội hình xung kích. Mỗi đội hình từ 10-12 thành viên là các thanh niên tại chỗ có sức khỏe để tham gia hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Trên địa bàn tỉnh, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh) đã được huy động cùng với các trang, thiết bị chuyên dụng như xuồng hơi cứu nạn cứu hộ; phao tròn, áo phao… di chuyển đến các vùng ngập úng phối hợp với lực lượng quân đội, đoàn viên thanh niên, các tình nguyện viên, các nhà hảo tâm và quần chúng nhân dân vận chuyển người, hàng hóa, nhu yếu phẩm tiếp tế cho người dân. Trong ngày 11/9, tỉnh Bắc Kạn đã phát động ủng hộ cho đồng bào chịu ảnh hưởng do cơn bão số 3 trên địa bàn. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, hơn lúc nào hết người dân vùng bị thiên tai, lũ lụt đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trước diễn biến phức tạp của thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang đã yêu cầu các đơn vị, địa phương kiên quyết sơ tán, di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, có phương án hỗ trợ nơi ăn chốn ở, ổn định đời sống cho nhân dân. Việc di dời tài sản và sơ tán dân là yêu cầu bắt buộc, cùng với vận động, tuyên truyền, nếu ai không tự nguyện di dời phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu cũng yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương khẩn cấp, tập trung cứu người, tài sản của người dân, trong đó tập trung vào các khu vực trọng yếu. Huyện Phù Ninh đã huy động gần 150 đồng chí gồm lực lượng thường trực, công an, dân quân và Tiểu đoàn 19/Bộ Tham mưu Quân khu 2 phối hợp lực lượng tại chỗ ứng cứu người dân.

Thiếu tá Trần Trọng Hiếu, Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 19 cho biết: Đơn vị chúng tôi huy động gần 40 cán bộ, chiến sĩ, cùng 1 xe tải, 10 xuồng cứu hộ, 2 xe cải tiến, 10 phao bơi để hỗ trợ người dân. Với phương châm “cứu người trước, tài sản sau”, vì vậy, ngay trong đêm hơn 200 hộ dân của khu Long Châu (xã Bình Phú, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) đã được di dời đến nơi an toàn.

Tại huyện Cẩm Khê, nước sông Thao dâng cao cũng gây ngập úng hàng loạt nhà dân thuộc các xã ven sông như Phượng Vĩ, Tuy Lộc, Minh Tân, Ngô Xá, thị trấn Cẩm Khê. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện và các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, người dân địa phương đã tập trung mọi nguồn lực tổ chức hỗ trợ người dân di dời người, tài sản; đắp đê bao, đê bối trong thời gian sớm nhất để hạn chế thiệt hại...

Còn với huyện Đoan Hùng, đêm 10/9 do vỡ đê ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, khu vực đê vỡ là cống qua đê giáp ranh giữa xã Hợp Nhất của Đoan Hùng và xã Quyết Thắng của Sơn Dương, do vậy, huyện Đoan Hùng huy động nhân lực cùng với các địa phương của huyện Sơn Dương tập trung khắc phục hậu quả. Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng Nguyễn Văn Vấn cho biết, hàng trăm người dân và các lực lượng chức năng của hai địa phương đã khẩn trương chuyển các bao đất tới vị trí vỡ đê. Nhiều xe tải chở đá và máy xúc cũng đã được huy động tới hiện trường để ứng phó sự cố.

Căng sức, đồng lòng giảm bớt hậu quả thiên tai ảnh 3

Lực lượng quân đội giúp người dân xã Bình Phú, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) di dời tài sản.

Cháy lên ngọn lửa tình nghĩa đồng bào

Trong lũ lịch sử, tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của người dân lại sáng lên để vượt qua nguy hiểm, khó khăn. Thiên tai có thể mang đến nhiều đau thương và mất mát, nhưng qua những việc làm nhân ái này, ta càng nhận thấy rõ hơn sức mạnh của lòng đoàn kết. Từ những người dân thường cho đến các tổ chức, doanh nghiệp, tất cả đều chung tay vì mục tiêu duy nhất: giúp đồng bào nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và tiếp tục phát triển. Tại Thái Nguyên, đã có nhiều tấn hàng hóa cứu trợ, gồm mì ăn liền, nước, sữa, hơn 2.500 áo phao được tiếp nhận tại trụ sở Công an tỉnh, phân loại và đóng thành từng gói để chuyển đến cứu trợ người dân các vùng ngập lụt. Kiểm tra phòng chống, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh sáng 10/9, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc biểu dương tỉnh Thái Nguyên đã chủ động phòng, chống bão số 3 và mưa lũ sau bão với kế hoạch thống nhất, nhịp nhàng, khẩn trương nên dù lũ lụt lịch sử nhưng thiệt hại ở mức thấp nhất, bảo đảm an ninh trật tự, được nhân dân tin tưởng.

Những ngày qua, xã Nam Cường (Bắc Kạn) vẫn thiếu trầm trọng xuồng máy để cứu hộ và chở nhu yếu phẩm. Khu vực trường học trong xã nằm trên cao được chuyển thành nơi tạm trú cho người dân và cất chứa tài sản tránh lũ. Anh Hứa Ngọc Hân, thành viên nhóm thiện nguyện “Chợ Đồn mến yêu” cho biết, anh vừa vào đến “rốn lũ” Nam Cường để đi tiền trạm. Nhóm sẽ thống nhất với xã về nhu cầu nhu yếu phẩm và cách thức vận chuyển, đưa tới cho người dân. Còn trên mạng xã hội, các nhà hảo tâm trong tỉnh Bắc Kạn đã tập hợp nhau, tổ chức kêu gọi ủng hộ và vận chuyển các nhu yếu phẩm tới giúp người dân xã Nam Cường. Nhiều chuyến hàng chở nhu yếu phẩm đã tới nơi.

Tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, người dân đã cùng chung tay thực hiện các hoạt động hỗ trợ, từ việc đóng gói bánh chưng trong đêm cho đến quyên góp nhu yếu phẩm cần thiết để gửi đến vùng lũ. Các tiểu thương tại chợ Minh Thọ (Nông Cống, Thanh Hóa) nhanh chóng kêu gọi quyên góp. Chị Lê Thị Tuyến, tiểu thương tại chợ chia sẻ, công việc kinh doanh đã tạm gác lại để dành toàn bộ thời gian và sức lực cho việc chuẩn bị và tập kết nhu yếu phẩm. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục tấn hàng như nước khoáng, sữa, bánh kẹo đã được vận chuyển lên đường hướng về vùng lũ.

Căng sức, đồng lòng giảm bớt hậu quả thiên tai ảnh 4

Người dân Nông Cống (Thanh Hóa) đóng gói hàng gửi đồng bào vùng lũ.

Các doanh nghiệp ở Thanh Hóa như Nhà xe Vân Anh Limousine cũng tích cực tham gia cứu trợ. Nhân viên nhà xe làm việc suốt đêm, chuẩn bị hàng nghìn thùng nước khoáng, chăn ấm, quần áo và thực phẩm để gửi tới những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt. Ông Nguyễn Tiến Dũng, đại diện nhà xe nhấn mạnh rằng đây chỉ là bước đầu của chuỗi hoạt động hỗ trợ mà công ty sẽ triển khai trong thời gian tới. Nhà xe còn cam kết tổ chức những chuyến xe 0 đồng, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa miễn phí đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Tại Đà Nẵng, UBND thành phố đã nhanh chóng cử đoàn công tác đến thăm hỏi và hỗ trợ người dân ở các tỉnh phía bắc. Thành phố đã quyết định hỗ trợ 25 tỷ đồng để góp phần khắc phục hậu quả bão lũ. Đà Nẵng còn cử các đội hỗ trợ dọn dẹp cây xanh tại Hà Nội và Hải Phòng. Ngành giáo dục Đà Nẵng cũng phát động quyên góp trong toàn hệ thống, từ cán bộ, nhân viên đến học sinh. Những hành động đẹp và phong trào quyên góp từ khắp nơi sẽ tiếp tục lan tỏa, hỗ trợ kịp thời cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Tại Hội An (Quảng Nam), nhiều tổ chức và cá nhân đã tham gia quyên góp hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía bắc chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 3. Tính đến ngày 11/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hội An đã nhận hơn 50 triệu đồng ủng hộ. Ngày 10/9, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã ủng hộ 10 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão số 3. Lãnh đạo tỉnh kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh cùng chung tay giúp đỡ đồng bào vùng bão lũ. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức sẽ đóng góp ít nhất một ngày lương để hỗ trợ.

Trong tình cảm miền trung hướng về đồng bào lũ lụt miền bắc, ông Nguyễn Văn Khương, 67 tuổi, ngụ xã Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, bộc bạch: “Mấy ngày qua, bão rồi lũ hoành hành phía bắc. Với tôi đó là những khoảnh khắc chập chờn, thao thức. Trong thâm tâm, nặng trĩu. Khi ăn chén cơm, khi uống nước cũng không thoát ra khỏi hình ảnh lũ lụt ngoài kia”.

Vào sáng 10/9, sau gần 10 tiếng di chuyển, anh Trần Xuân Vũ (TP Hà Tĩnh) cùng hai người bạn từ Nghệ An đã đến Thái Nguyên, mang theo ca-nô và các nhu yếu phẩm cứu trợ. Nhóm của anh Vũ đã cứu hàng chục người dân, ưu tiên những khu vực bị ngập sâu, từ sáng đến chiều 10/9. Sau đó, họ tiếp tục di chuyển tới Yên Bái để hỗ trợ thêm. Cùng với nhiều đoàn thiện nguyện khác, nhóm của anh Vũ đã vượt qua nhiều trở ngại như thời tiết xấu và đường sạt lở. Các đoàn thiện nguyện đã động viên nhau và quyết tâm giúp đỡ đồng bào vùng lũ. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân ở Hà Tĩnh cũng đang quyên góp và tập kết hàng hóa để hỗ trợ người dân miền bắc.

Sáng 11/9, Cơ quan Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Nghệ An đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa bị ảnh hưởng bởi bão số 3 - Yagi) và hoàn lưu sau bão. Đáp lại lời kêu gọi từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An, 24 cán bộ, công chức Cơ quan Đảng ủy Khối đã quyên góp được 13,8 triệu đồng để gửi hỗ trợ đồng bào vùng lũ. Đồng chí Hoàng Văn Nhiên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối đã nhấn mạnh tinh thần tương thân tương ái và mong muốn chia sẻ khó khăn với những người dân đang gặp thiên tai. Số tiền quyên góp sẽ được chuyển đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An để phân phát kịp thời.

Những hành động thiết thực từ người dân và doanh nghiệp khắp nơi không chỉ giúp đỡ về mặt vật chất mà còn mang lại nguồn động viên tinh thần to lớn cho người dân vùng bão lũ. Sự sẻ chia kịp thời này không chỉ làm ấm lòng những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tai, mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau của người Việt Nam trong mọi hoàn cảnh.