KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 - 10/10/2024) BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Nhà báo, NSNA Trịnh Hải với Hà Nội những năm 60, 70

Tác nghiệp trong hoàn cảnh miền bắc vừa được giải phóng và bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, hướng về miền nam ruột thịt, những bức ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải giờ trở thành kho tư liệu quý giá về Thủ đô Hà Nội anh hùng, hăng say lao động sản xuất, chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Nhà báo, NSNA Trịnh Hải bên một số tác phẩm vừa trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Nhà báo, NSNA Trịnh Hải bên một số tác phẩm vừa trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

1/Nhà báo, NSNA Trịnh Hải là một trong những phóng viên ảnh đầu tiên của Báo Nhân Dân. Ông không chỉ nổi tiếng với những bức ảnh chụp các nguyên thủ quốc gia trong nhiều sự kiện chính trị-ngoại giao mà còn là người chụp được nhiều bức ảnh bình dị, đời thường.

Mới đây, những tác phẩm ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải và đồng nghiệp cùng thế hệ được giới thiệu tại triển lãm “Hà Nội trong tôi”, trong đó một phần là những bức ảnh đen trắng, tái hiện hình ảnh Thủ đô Hà Nội nói riêng, miền bắc nói chung trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

2/Khi đang là học sinh lớp đệ tam Trường Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) - thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chàng thanh niên Trịnh Hải đã tự tìm hiểu và học làm thợ phụ ở hiệu ảnh gần trường. Từng là một thợ ảnh chắc tay ở Việt Bắc, ông đã làm được mọi việc, từ chụp ảnh đến làm buồng tối, chấm sửa ảnh bằng bút lông trong hoàn cảnh hoạt động trên rừng không có điện... và làm chủ một hiệu ảnh nhỏ do người cha giúp đỡ.

Tháng 12/1954 chàng thanh niên Trịnh Hải về Hà Nội. Từ năm 1955, ông công tác ở Báo Nhân Dân. Tháng 12/1972, khi nghe tin quân và dân Hải Phòng chuẩn bị chiến đấu chống cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ, ông đã về các trận địa tên lửa, pháo cao xạ và một số xã, chụp được nhiều bức ảnh tư liệu quý. Khi tới đơn vị bộ đội tên lửa bảo vệ Hà Nội, ông mới biết Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm và động viên mà không báo trước. Bằng sự nhạy bén của một nhà báo, trong khoảnh khắc ấy, Trịnh Hải đã chụp liên tục 4-5 bức ảnh, sau đó về chọn ra một bức ưng ý nhất, đặt tên là “Trận sau chúng con sẽ đánh tốt hơn”, sau đổi lại là “Hai thế hệ, một ý chí”.

NSNA Trịnh Hải cũng là tác giả bức ảnh “Khu phố Khâm Thiên bị bom B52 tàn phá năm 1972”, chụp một cậu bé cõng em nhỏ, đứng trước bức tường đổ có dòng chữ “Ních-xơn hủy diệt khối nhà/Giết người phá của lòng ta không sờn”, lên án tội ác của đế quốc Mỹ, phá hủy nhiều phố xã, làng mạc, giết chết biết bao người dân thường, đặc biệt tại khu phố Khâm Thiên, nơi có mật độ dân số đông tại Hà Nội.

Không chỉ ghi lại những hình ảnh bom Mỹ đánh phá miền bắc, với những trận ném bom rải thảm dữ dội, nhà báo, NSNA Trịnh Hải còn chụp được những hình ảnh tái hiện không khí làm việc, lao động sản xuất hăng say của nhân dân miền bắc trong điều kiện khó khăn về mọi mặt. Trong thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958-1960), một số khu công nghiệp được xây dựng như Thượng Đình, Thái Nguyên, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Riêng khu Thượng Đình (Hà Nội) có 3 nhà máy: Cao-su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long và Xà-phòng Hà Nội… cùng với nhà máy sợi Hà Nội, nhà máy dệt 8/3, nhà máy cơ khí Hà Nội. Thời điểm đó, Hà Nội tiêu biểu cho tinh thần quyết tâm và sức mạnh của cả nước. Trong không khí ấy, nhà báo Trịnh Hải cùng các đồng nghiệp của mình đã có mặt ở nhiều nơi, ghi lại không khí ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc và chi viện sức người, sức của cho miền nam với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Bức ảnh “Công nhân nhà máy sợi Hà Nội mắc ống sợi thành phẩm” tuy bình dị nhưng toát lên sự điềm tĩnh với tinh thần làm việc trách nhiệm của một nữ công nhân. Bức ảnh cân đối, hài hòa về khung hình và ánh sáng, đã trở thành một trong những tác phẩm ảnh đẹp nhất, tái hiện không khí lao động tại Thủ đô trong những năm tháng chống Mỹ.

Vốn là người thích tìm hiểu, nhà báo Trịnh Hải đã từng chụp nhà máy cơ khí Hà Nội sơ tán, với những chiếc máy được đắp đất “ngụy trang” trông giống như những bức tường dày, bảo vệ máy móc khỏi “bom rơi, đạn lạc”. Hay như bức ảnh “Bán hàng lưu động trong 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” về chị bán hàng tên là Tính, phục vụ người dân trong những ngày “Thủ đô ta cùng nhau đánh Mỹ”. NSNA Trịnh Hải kể: Nhân vật chính trong ảnh trước là đồng nghiệp của vợ ông ở công ty bách hóa tổng hợp. Trong khi phụ nữ, trẻ em và người già tạm rời Thủ đô đi sơ tán những ngày giặc Mỹ đánh phá ác liệt thì cô ấy là một trong những người ở lại Hà Nội. Từ Kim Liên cô Tính đẩy xe ra phố Yết Kiêu, hễ có còi báo động thì cô xuống hầm trú ẩn, hết còi báo động thì lại đẩy xe hàng đi bán, phục vụ những người còn ở lại Thủ đô. “Phải nói rằng người Việt Nam là thế. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng trả lời báo chí nước ngoài, đại ý là nếu chỉ mang hai quân đội đánh nhau thì sự chênh lệch giữa ta và địch rất lớn. Nhưng đế quốc Mỹ không ngờ được rằng, họ đang đánh nhau với cả dân tộc Việt Nam”, nhà báo Trịnh Hải xúc động nói.

Giờ đây, khi đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe ngày càng kém đi, trong khi khối tư liệu ảnh của ông còn rất nhiều và cần thời gian để phân loại. Điều đó khiến ông đau đáu muốn được gửi lại toàn bộ tư liệu của mình cho một cơ quan, đơn vị Nhà nước để mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ biết đến nhiều hơn.

3/Nhà báo, NSNA Trịnh Hải còn là tác giả nhiều bức ảnh chân dung, đặc biệt là chụp Bác Hồ trong những hoàn cảnh đặc biệt: “Bác Hồ về thăm quê” (1961), “Bác Hồ tại hội nghị phụ nữ miền bắc tham gia công tác chính quyền” (1960), “Bác Hồ tặng hoa nữ nhà báo Madeleine Riffaud, phóng viên Báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp”… Có nhiều bức ảnh đẹp, bình dị của ông nay đã trở thành tư liệu quý. Ông nhớ lại: “Trong chiến tranh, chúng tôi không thiếu đề tài là vì các sự kiện phong phú, những người chụp ảnh luôn phải có mặt ở hiện trường, đi về nhiều địa phương để khai thác tư liệu. Với hành trang là một ít gạo, tiền, những phóng viên như tôi di chuyển chủ yếu bằng xe đạp, thỉnh thoảng đi xe ô-tô hàng hoặc tàu hỏa. Ngày ấy, các phóng viên thường động viên nhau bằng câu nói “đi chưa chắc bị nó đánh, nó đánh chưa chắc đã chết”. Nhiều khi cận kề cái chết và cũng chết hụt mấy lần nhưng đi tới đâu, các nhà báo đều được người dân quý trọng, giúp đỡ nhiệt tình”.

Ông nhớ lại, khi về huyện Thanh Hà, Hải Dương họp cùng đoàn thanh niên, lúc đang họp thì được tin Mỹ ném bom tại cầu Lai Vu cách đó khoảng 15 cây số. Nhưng chúng chưa kịp ném bom thì quân và dân ta đã bắn rơi 1 chiếc máy bay, bắt sống một giặc lái. Trịnh Hải xin phép bỏ dở cuộc họp và tức tốc đạp xe đến cầu Lai Vu, chụp ảnh máy bay rơi và phi công mới bị bắt. Buổi chiều, ông nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí công an địa phương, hỗ trợ phương tiện đi lại để về tòa soạn ở Hàng Trống (Hà Nội) để gửi tin, bài và ảnh, kịp cho số báo ra sáng hôm sau. Bài báo của ông có nhan đề “Quân và dân Hải Dương lần đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ” góp phần cổ vũ tinh thần cho đồng bào và chiến sĩ đánh giặc. Ông nói vui: Vừa là nhiệm vụ đi chụp ảnh nhưng cũng là do mình chịu khó “lần mò” đi chỗ này, chỗ khác nên mới chụp được nhiều ảnh quý như thế.

4/Hà Nội anh dũng đánh giặc, đập tan âm mưu “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá” của đế quốc Mỹ. Hà Nội với những người dân lao động hăng say không quản ngày đêm, vừa xây dựng cuộc sống mới, vừa hướng về đồng bào miền nam ruột thịt… Một Hà Nội hào hoa và anh dũng trong những khung hình đen trắng của nhà báo, NSNA Trịnh Hải giờ đã trở thành tư liệu quý của đất nước. Với những đóng góp trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhà báo, NSNA Trịnh Hải đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất (1984).