Nguy hiểm luôn rình rập

Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) Audrey Azoulay nêu rõ: “Thật không thể chấp nhận khi các nhà báo phải trả giá bằng mạng sống cho công việc của mình. Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia hành động, bảo vệ những người làm công tác truyền thông theo luật pháp quốc tế”.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: ALFREDO MARTIRENA
Biếm họa: ALFREDO MARTIRENA

Bà Audrey Azoulay phát biểu ý kiến sau khi UNESCO công bố báo cáo cho thấy, 2024 tiếp tục là “năm nguy hiểm” với các nhà báo và nhân viên truyền thông, với ​​ít nhất 68 người thiệt mạng khi tác nghiệp. Trong đó, hơn 60% số vụ xảy ra ở các nước có xung đột và đây là tỷ lệ cao nhất trong hơn một thập niên.

Theo báo cáo, các vùng lãnh thổ Palestine là nơi ghi nhận số nhà báo thiệt mạng cao nhất, với 18 trong số 42 người thiệt mạng tại các khu vực xung đột. Các nước khác như Ukraine, Colombia, Iraq, Lebanon và Sudan cũng chứng kiến ​​nhiều trường hợp thiệt mạng. Thực tế trên càng làm nổi bật mối nguy hiểm với nhà báo ở những khu vực có tình trạng bạo lực và bất ổn.

Ngoài những mối đe dọa về thể chất, các nhà báo còn phải đối mặt những thách thức mới, nhất là áp lực về tài chính và pháp lý. Theo báo cáo của UNESCO, số vụ tấn công các nhà báo đưa tin về vấn đề môi trường đã tăng 42% trong giai đoạn 2019-2024. Con số này cho thấy rõ sự thay đổi của những rủi ro mà giới truyền thông phải đối mặt.

UNESCO khẳng định, báo cáo được xây dựng trên cơ sở dữ liệu từ các tổ chức báo chí và truyền thông hàng đầu thế giới, được xác minh và bảo đảm tính khách quan. Nhiệm vụ của UNESCO không chỉ dừng lại ở việc theo dõi các trường hợp thiệt mạng, mà nỗ lực bảo vệ giới truyền thông, trong khuôn khổ các sáng kiến ​​của LHQ, như Kế hoạch hành động về an toàn cho nhà báo.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nêu rõ, thông tin đáng tin cậy đóng vai trò rất quan trọng trong những tình huống bạo lực và xung đột, nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng, đồng thời nâng cao hiểu biết của thế giới. Các nhà báo thiệt mạng vì sứ mệnh này là điều không thể chấp nhận.

Nhấn mạnh về rủi ro và nguy hiểm luôn rình rập, UNESCO kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường bảo vệ nhà báo và người làm truyền thông, không để công việc tìm kiếm và thông tin về sự thật phải trả giá đắt.