Giao thông xanh

Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố khoản đầu tư 422 triệu euro (454 triệu USD) để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng nhiên liệu thay thế trên khắp Liên minh châu Âu (EU).
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: GURKAN COSKUN
Biếm họa: GURKAN COSKUN

Khoản tiền này được phân bổ cho 39 dự án trong lĩnh vực vận tải đường bộ, hàng hải và hàng không, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh.

Nguồn vốn này, được trích từ Quỹ Cơ sở hạ tầng nhiên liệu thay thế (AFIF), sẽ hỗ trợ các dự án tập trung vào việc lắp đặt trạm sạc điện công cộng, trong đó có các bộ sạc công suất lớn cho xe tải hạng nặng. Ngoài ra, EU cũng đầu tư vào các trạm tiếp nhiên liệu hydro, hệ thống cung cấp điện tại các cảng, điện khí hóa sân bay, đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng cho các loại nhiên liệu thay thế như amoniac và methanol để phục vụ ngành vận tải biển.

Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhiên liệu thay thế không chỉ giúp giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính mà còn góp phần cải thiện chất lượng không khí và nâng cao sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp châu Âu. Đây là một phần trong nỗ lực của EU nhằm đạt được các mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050 theo Thỏa thuận Xanh châu Âu.

Ủy viên châu Âu phụ trách giao thông bền vững và du lịch, ông Apostolos Tzitzikostas nhấn mạnh, chương trình này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng sạc điện và tiếp nhiên liệu cho các phương tiện giao thông không phát thải. Ông Tzitzikostas cho biết, EU đang hỗ trợ 39 dự án nhằm đẩy nhanh quá trình này, đồng thời bổ sung gần 5.000 trạm sạc mới. Theo quan chức EU, những nỗ lực này sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng phương tiện không phát thải, góp phần bảo vệ môi trường.

AFIF đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mở rộng hạ tầng nhiên liệu thay thế trên toàn bộ mạng lưới giao thông đường bộ xuyên châu Âu, đồng thời phù hợp các quy định ReFuelEU Aviation và FuelEU Maritime, hướng tới mục tiêu giảm phát thải trong ngành hàng không và hàng hải. Với những bước đi táo bạo và sự đầu tư mạnh mẽ từ EU, hệ thống giao thông xanh tại châu Âu đang được định hình rõ ràng, góp phần xây dựng một tương lai bền vững, thân thiện môi trường và đáp ứng nhu cầu vận tải hiện đại.