Phát biểu ý kiến tại hội nghị, nêu bật bối cảnh quốc tế hiện nay khi trật tự thế giới suy yếu bởi chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa dân tộc kinh tế gia tăng, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh, đây là thời điểm mà các đối tác chia sẻ các giá trị chung phải đẩy mạnh hợp tác. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, EU ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và pháp quyền.
Hai bên đã thảo luận về quan hệ song phương, tập trung vào cách thức thúc đẩy hợp tác về thương mại và đầu tư, chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, an ninh và quốc phòng, năng lượng, nghiên cứu và phát triển, nguyên liệu thô quan trọng, giáo dục… Các vấn đề toàn cầu và khu vực, như cuộc xung đột Ukraine, tình hình Trung Đông, CHDC Congo, Sudan... cũng được các lãnh đạo hai bên đề cập. EC thông báo kế hoạch huy động gói đầu tư trị giá 4,7 tỷ euro (khoảng 5 tỷ USD) hỗ trợ tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, cũng như sản xuất vaccine tại Nam Phi.
Với diện tích lớn, nguồn lao động dồi dào, tài nguyên, khoáng sản khổng lồ, châu Phi từ lâu là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc. Cả EU, Mỹ, Nga, Trung Quốc đều nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở khu vực này. Là quốc gia nhỏ, nhưng Nam Phi có vai trò đặc biệt quan trọng ở châu Phi. Chia sẻ nhiều giá trị chung, EU xác định Nam Phi là đối tác trụ cột tại “lục địa đen”.
Sau khi Hiệp định Thương mại, phát triển và hợp tác (TDCA) giữa EU và Nam Phi được ký kết năm 1999, quan hệ giữa hai bên dần phát triển và lên tầm Đối tác chiến lược vào năm 2007. Đặc biệt, mối quan hệ song phương được củng cố mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh tế. Nam Phi hiện là đối tác thương mại lớn nhất của EU tại khu vực phía nam sa mạc Sahara. EU là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu của Nam Phi.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, bất đồng giữa hai bên nảy sinh trong một loạt vấn đề về chính sách kinh tế và đối ngoại, dấy lên lo ngại quan hệ đối tác EU-Nam Phi xuống dốc. Cơ chế Hội nghị thượng đỉnh EU-Nam Phi vốn được tổ chức định kỳ 5 năm một lần và hội nghị gần đây nhất diễn ra năm 2018.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 được tổ chức sau hai năm trì hoãn, vì thế được cả hai bên đánh giá là cơ hội lớn để “làm ấm lại” quan hệ Đối tác chiến lược EU-Nam Phi, đặc biệt trong bối cảnh các giá trị mà hai bên đề cao về chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế có nguy cơ bị đe dọa bởi những chính sách đơn phương về kinh tế và bảo hộ thương mại.