AP cho hay, thỏa thuận được ký kết ngày 10/2 tại thành phố Ramallah, tập trung vào nhiều hoạt động then chốt như đánh giá mức độ thiệt hại, dọn dẹp đống đổ nát tại các khu vực trọng điểm và rà phá bom, mìn còn sót lại sau xung đột. Việc thiết lập các trung tâm trú ẩn tạm thời với cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu cho người dân Gaza cũng là một nội dung trọng tâm của dự án. Thủ tướng Palestine, ông Mohammad Mustafa, nhấn mạnh tầm quan trọng của MoU trong việc hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu cứu trợ khẩn cấp tại Gaza.
Cùng nhiệm vụ tái thiết Gaza, LHQ cũng đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng di dời các cộng đồng người Palestine tại khu vực phía bắc khu Bờ Tây bị Israel chiếm đóng. Theo báo cáo mới nhất từ Cơ quan Hỗ trợ người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA), làn sóng di dời đang diễn ra với tốc độ đáng báo động.
Kể từ khi Israel phát động chiến dịch mang tên “Bức tường sắt” nhằm vào Jenin, thành phố được xem như thành trì của Hamas tại Bờ Tây, ngày 21/1, nhiều trại tị nạn ở đây gần như hoàn toàn vắng bóng người sinh sống. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump - trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News - tuyên bố người dân Palestine sẽ tái định cư vĩnh viễn ở một nơi khác với điều kiện sống tốt hơn thay vì quay trở lại Gaza.
Tuy nhiên, LHQ nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự trong mọi tình huống. Tổng Thư ký LHQ A.Guterres bày tỏ phản đối mọi kế hoạch di dời người Palestine khỏi quê hương của mình, nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng các quyền hợp pháp của người dân Palestine. Ông lưu ý rằng, các ưu tiên chính hiện nay là đẩy nhanh việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine và tái thiết Dải Gaza. Còn theo giới phân tích, nếu Mỹ vẫn giữ quan điểm “có lợi” cho Israel như hiện nay, việc tái thiết và lập lại hòa bình tại Gaza sẽ vẫn có nguy cơ rơi vào ngõ cụt.