Nguy cơ, vẫn chờ… hướng dẫn

Nhiều cảng cá, mặt nước biển quanh cảng, khu neo đậu đang bị ô nhiễm ngày càng nặng nề, bởi cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân, môi trường còn là một trong những tiêu chí mà Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá để quyết định gỡ "thẻ vàng" thủy sản. Bởi vậy, cùng với những nỗ lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, các biện pháp bảo đảm an toàn môi trường khu vực cảng cá cũng cần được tiến hành đồng bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Rác thải bủa vây cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: Phan Hiếu
Rác thải bủa vây cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: Phan Hiếu

Nhìn từ Quảng Ngãi

Biển khơi cho nguồn lợi, nhưng lại cũng gánh chịu sự ô nhiễm do chính các hoạt động của con người. Quan sát tại cảng cá Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), mầu nước lờ nhờ, ngoài rác thải nhựa gồm túi nylon, vỏ chai nhựa, ngư cụ cũ… nổi trên mặt biển, nơi đây cũng tồn tại 22 con tàu cũ mục nát, chưa được thu dọn. Ông Ngô Văn Hiền, Thuyền trưởng tàu cá QNg 90629-TS bức xúc: "Tàu lớn không có chỗ đỗ, trong khi tàu mục nát chiếm diện tích!".Theo tìm hiểu, xác những con tàu này là của ngư dân làm ăn thua lỗ, dừng đi biển, bỏ lại. Ban Quản lý cảng cá Sa Huỳnh đã nhiều lần làm việc với địa phương, yêu cầu người dân đưa các con tàu cũ này đi nơi khác, nhưng địa phương chưa có biện pháp xử lý dứt điểm và mới chỉ trục vớt, đưa đi được một số tàu thuyền. Ông Nguyễn Văn Lượng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ cho biết, địa phương đã nhiều lần kiến nghị đến cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm cảng cá, nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Điều đáng nói, tình trạng ô nhiễm môi trường không chỉ diễn ra ở cảng cá Sa Huỳnh. Nhiều cảng cá ở Quảng Ngãi cũng chung tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không chỉ đến hoạt động khai thác nghề cá, mà đến cả đời sống người dân chung quanh. Năm 2017, tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với 12 cảng cá, khu neo đậu kết hợp cảng cá. Để bảo đảm dịch vụ hậu cần và khu neo đậu hoạt động hiệu quả, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa cảng cá Sa Huỳnh, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Tịnh Kỳ, cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, khu neo đậu tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Lý Sơn và cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á với tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh tập trung đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại các cảng cá. Tuy nhiên, sau khi nghiệm thu và đưa vào sử dụng, đến nay hệ thống xử lý nước thải vẫn chưa hoạt động.

Năm 2022, cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, thuộc thành phố Quảng Ngãi được đầu tư hệ thống xử lý nước thải trị giá hơn 3,7 tỷ đồng. Sau một năm thi công, tháng 9/2023, công trình được bàn giao, nhưng cho đến nay vẫn… đóng cửa. Do hệ thống xử lý nước thải chưa hoạt động nên tình trạng ô nhiễm tiếp tục kéo dài. Ông Bùi Văn Khôi, Trưởng Ban quản lý cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa cho biết, đơn vị vẫn chưa tiếp nhận bàn giao công trình để vận hành. "Ở đây cán bộ, nhân viên không có chuyên môn vận hành hệ thống xử lý nước thải. Sau này bàn giao thì phải kiêm nhiệm", ông Khôi lo lắng.

Theo Ban quản lý các cảng cá, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, hệ thống thu gom xử lý nước thải tại các cảng cá còn nhiều bất cập, tắc nghẽn dòng chảy, nước mưa và nước thải tràn xuống tuyến mương thu gom gây quá tải, tràn ngập khu vực cảng. Một số nơi đã đầu tư hạ tầng xử lý nước thải nhưng không có nhân sự đủ chuyên môn vận hành, khiến các đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Cần giải pháp quyết liệt

Tình trạng ô nhiễm còn diễn ra tại cảng cá An Thới, phường An Thới, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang); cảng cá La Gi, thị xã La Gi (Bình Thuận); cảng cá Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam); cảng cá Cửa Tùng và cảng cá Cửa Việt (Quảng Trị)… Hay tại Bình Định, cảng cá Quy Nhơn cũng đang trong tình trạng ô nhiễm. Năm 2018, cảng này đã được đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải từ nguồn vốn của Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát biển bền vững Bình Định, nhưng kết quả phân tích nước thải sau xử lý vẫn không đạt Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Hiện nay, nước thải từ các hoạt động ở cảng được thu gom, xử lý sơ bộ và thải ra khu vực mặt nước trước cảng, không bảo đảm tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, tần suất thu gom rác thải ở khu vực mặt nước trước cảng cá quá thấp (hai lần/tuần) khiến rác thải tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường ngày càng nặng. Trước tình trạng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định chỉ đạo Ban quản lý cảng cá Bình Định khẩn trương xử lý ô nhiễm môi trường xong trong năm 2023.

Môi trường là một trong những tiêu chí đánh giá của EC để quyết định gỡ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam. Vì vậy, cùng với việc tập trung rà soát, đánh giá thực trạng của các cảng cá, các địa phương cần đầu tư kinh phí cải thiện môi trường cảng cá. Từ khu vực bến bãi tập kết đến các tuyến đường quanh khu vực cảng cá cần thường xuyên được dọn vệ sinh môi trường, bảo đảm mỹ quan khu vực. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết: Khó khăn lớn nhất với các cảng cá là phải kiểm soát ô nhiễm trong khu vực rộng lớn, với nhiều nguồn thải đan xen, nhiều cơ quan cùng quản lý. Để bảo đảm hiệu quả công tác bảo vệ môi trường đòi hỏi sự chủ động phối hợp thường xuyên, liên tục giữa các cơ quan, đơn vị và huy động nhân dân tham gia...

Ngoài đầu tư nguồn lực cải tạo, nâng cấp, xử lý ô nhiễm môi trường, các tỉnh cũng cần nhân rộng các mô hình thí điểm xử lý ô nhiễm, thu gom rác thải nhựa. Mới đây, Chi cục Thủy sản Bình Định triển khai thí điểm mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ với 200 tàu tại cảng cá Quy Nhơn. Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Thủy sản Bình Định cho biết, dự án hướng đến từng bước thúc đẩy ngư dân thay đổi thói quen vứt rác xuống biển, tiến đến phân loại và thu gom rác thải mang về bờ. Từ việc thực hiện mô hình thí điểm thu gom rác thải trên tàu cá, ngành thủy sản Bình Định sẽ đề xuất các cấp bổ sung chính sách quản lý rác thải nhựa trong ngành thủy sản cho phù hợp thực tế.

Một thí dụ khác, tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam" đã giúp cải thiện môi trường cảng cá tại đây. Hay cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), cùng với những nỗ lực quyết liệt thực hiện các dự án cải thiện môi trường, cơ quan chức năng cũng tích cực vận động người dân, chủ tàu thuyền chung tay bảo vệ môi trường. Nhờ đó, môi trường cảng cá Thọ Quang đã được cải thiện đáng kể.

Song, để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại các cảng cá, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm xây dựng và ban hành thông tư riêng về quản lý môi trường đối với loại hình cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền. Trong đó, cần quy định chi tiết về trách nhiệm của từng sở, ban, ngành trong quản lý hạ tầng, môi trường cảng cá. Đồng thời, cần cụ thể hóa các quy định về thu gom, xử lý chất thải (nước thải, rác thải) trên tàu thuyền và của đơn vị dịch vụ cảng, đi kèm chế tài xử lý nghiêm.