Những hồi ức không thể ngủ yên
Họ là các thế hệ đã sống, chiến đấu vì hòa bình, thống nhất của dân tộc. Nhưng họ cũng là những người đã không thể cảm nhận được sự quý giá của hòa bình, của niềm vui thống nhất, dù chỉ một phút, một giây…
Chúng tôi đến thăm cựu chiến binh Bùi Như Tập, một “người lính Cụ Hồ” tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đúng lúc ông đang đi chăn bò ngoài cánh đồng. Một đồng chí của Ban Chỉ huy Quân sự xã đưa chúng tôi đi tìm ông. Ông Tập là lính thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12).
Đối với những người đã đi qua những cuộc trường chinh thần thánh của dân tộc, có lẽ, phần thưởng lớn nhất chỉ đơn giản là: Còn sống để trở về… Bởi vì trên đường đi tới chiến thắng, họ đã phải chứng kiến biết bao mất mát, hy sinh của đồng đội, mà đau xót hơn, có khi đó là những sự hy sinh chỉ ít giờ trước thời khắc lịch sử: 30/4/1975.
Trong ký ức của người cựu chiến binh đã dạn dày trận mạc Bùi Như Tập, có những khoảnh khắc vẫn còn lưu dấu mãi. Ông kể lại, ngày 29/4, khi đơn vị tiến đến cầu Sài Gòn, ông đã phải chứng kiến cảnh tượng bàng hoàng, đau xót: “Biết bao xác của anh em đặc công đã hy sinh, ngay dưới gầm cầu. Những thi thể cởi trần của những người lính đã anh dũng dùng cả sinh mạng của mình để bảo vệ cây cầu, để các binh đoàn chủ lực của ta tấn công vào nội thành…”.
Những con người đã mang chính máu, mồ hôi và sinh mệnh của mình để làm nên lịch sử ấy, hôm nay, có thể chỉ là một người nông dân mộc mạc, hay một bác chạy xe ôm công nghệ lẫn trong dòng người tấp nập của thành phố lớn. Chúng ta chỉ có thể nhận ra tầm vóc hiên ngang lồng lộng của họ, khi mỗi dịp kỷ niệm, họ mặc lại những bộ quân phục cũ được giữ gìn cẩn thận, quây quần với nhau, cùng nhớ lại ký ức vào sinh ra tử, nhất là về những đồng đội đã không bao giờ còn có thể góp mặt. Họ thuộc thế hệ “vĩ đại nhất của dân tộc này”, như lời cựu Trung tá Thủy quân lục chiến Mỹ James G. Zumwalt trong cuốn Chân trần, Chí thép (bản dịch do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành lần đầu năm 2011, tái bản nhiều lần). Chắc chắn, một trong những điều họ khao khát nhất, là được trải nghiệm những phút giây hòa bình, được thấy Tổ quốc ta vươn mình, giàu đẹp. Và cũng bởi vậy, nếu muốn tri ân những sự hy sinh vô giá ấy, các thế hệ tiếp nối có bổn phận thay họ viết tiếp những câu chuyện Việt Nam.
Những bước chân tiếp nối các thế hệ cha anh
Bước ra từ những cuộc trường chinh đẫm máu và nước mắt, dân tộc ta khao khát hòa bình, hơn bất cứ ai. Chúng ta thấm thía hơn ai hết cái giá của chiến tranh, và cũng khao khát hơn ai hết, lan tỏa giá trị của hòa bình.
Đó có lẽ cũng là một trong những điều được thể hiện rõ nét trong hành trình Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc. Hành trình ấy đã được mở ra từ nhiều năm trước bằng những bước chân âm thầm khảo sát tại châu Phi.
Không phải ai cũng biết, cách đây 12 năm, Tổng Bí thư Tô Lâm (khi đó là Trung tướng, Thứ trưởng Công an), Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang (khi đó là Thiếu tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam), đồng chí Lê Hoài Trung, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (khi đó là Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc), đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương (khi đó là Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam)... và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao đã “lặn lội” sang Cộng hòa Nam Sudan để khảo sát, mở đường cho lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Việt Nam. Thời điểm ấy, Cộng hòa Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất thế giới nhưng đang trong nội chiến và có một Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc đang thực hiện nhiệm vụ.
Để rồi, kể từ năm 2014, Việt Nam đã cử gần 1.100 lượt cán bộ, nhân viên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các Phái bộ Cộng hòa Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Mỹ). Lực lượng chiến sĩ Mũ nồi xanh ấy đã tiếp nối các thế hệ cha anh, khẳng định tính chính nghĩa của quân đội ta: một đội quân bảo vệ Tổ quốc, cũng là một đội quân bảo vệ Hòa bình.
![]() |
Lá cờ Tổ quốc chuyển tải thông điệp về Hòa bình trên những vùng đất, quốc gia đang phải gánh chịu bất ổn, xung đột. Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam |
“Quân đội Nhân dân Việt Nam”. Khi trực tiếp đặt chân tới những địa bàn xung đột và đói nghèo, nơi bộ đội ta thực hiện sứ mệnh Gìn giữ Hòa bình, tôi và các đồng nghiệp lại càng thấm thía đến tận tâm can niềm tự hào từ danh xưng ấy, từ đội quân ấy - một đội quân từ nhân dân mà ra, luôn luôn gắn bó với nhân dân, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ nhân dân bằng tinh thần tự nguyện và lòng nhân ái.
Đó là những bác sĩ của Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 đóng quân tại địa bàn Bentiu của Nam Sudan, có nhiệm vụ khám chữa bệnh cho lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc của các nước. Nhưng không chỉ vậy, họ tổ chức rất nhiều hoạt động thiện nguyện, thậm chí là… chẳng liên quan gì tới chuyên môn, thí dụ như tận dụng các thùng hàng gỗ để đóng bàn ghế cho trẻ em nghèo.
Hay những người lính công binh, có nhiệm vụ xây dựng các công trình cho lực lượng Gìn giữ Hòa bình tại khu vực Abyei, và họ đều tự nguyện trở thành “thầy cô giáo không chuyên”, dạy học cho trẻ em nước bạn. Bởi vì, họ chứng kiến những câu chuyện “cười ra nước mắt”, như việc các em nhỏ ở Abyei phải học tin học qua… tưởng tượng, học bằng… bảng đen, cùng những hình vẽ chiếc máy vi tính với các cửa sổ Windows. Hay chuyện các em phải tự mang ghế tới lớp học, rồi hết giờ học lại lễ mễ “cõng” những chiếc ghế đó về nhà, để dùng trong sinh hoạt gia đình…
Cứ thế, hơn 10 năm qua, hành trình của Bộ đội Cụ Hồ tại châu Phi để Gìn giữ Hòa bình, cũng là hành trình chạm tới trái tim mỗi người dân đang phải chịu nỗi thống khổ của chiến tranh, bất ổn, bằng chính lòng nhân ái của mình.