Dự án "Gánh hát lưu diễn muôn phương"

Người trẻ luôn khát khao lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc

Một nhóm bạn trẻ 9X vừa cho ra đời cuốn sách artbook (sách nghệ thuật) song ngữ "Gánh hát lưu diễn muôn phương" (Comicola, NXB Dân trí phối hợp xuất bản) giới thiệu 36 loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội tiêu biểu của Việt Nam. Cuốn sách đã gây chú ý cho công chúng đặc biệt là với những người trẻ. Trò chuyện với bạn Ngô Mỹ Triều Giang, một thành viên trong nhóm, người phụ trách biên tập, dịch nội dung tác phẩm ra tiếng Anh, chúng tôi hiểu hơn về những tâm tư, ước mơ và tình yêu của những người trẻ đối với các loại hình nghệ thuật dân tộc.

Người trẻ luôn khát khao lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc

Cùng vượt qua nhiều thử thách

- Bạn có thể chia sẻ, cuốn sách artbook "Gánh hát lưu diễn muôn phương" của nhóm được bắt đầu như thế nào?

- Đây là ý tưởng của bạn Hồ Phương Thảo (Thảo Hồ). Tuy nhiên, ban đầu Thảo không có ý định viết sách, mà chỉ tập trung thực hiện board game (trò chơi cờ bàn) gánh hát lưu diễn. Đây là mơ ước từ lâu của Thảo khi muốn giới thiệu các loại hình nghệ thuật dân tộc Việt Nam thông qua trò chơi do chính người Việt thực hiện. Trong quá trình thực hiện, Thảo nảy ra ý nghĩ, muốn có cuốn sách mang tính tổng hợp, có nhiều hình ảnh minh họa, mang thông tin cơ bản nhất về các loại hình này. Thảo cho tôi biết ý tưởng cũng như những hình ảnh phác thảo ban đầu của họa sĩ trẻ Hoàng Tấn (Tấn Nguyễn). Tôi rất thích những tấm hình cũng như ý tưởng dự án, nên khi Thảo mời tôi tham gia với vai trò biên dịch, biên tập, tôi đồng ý ngay. Tôi cũng đưa Thảo đi nghe hát bội ở đình, xem múa bóng rỗi, để có thêm nhiều chất liệu trong quá trình thực hiện cuốn sách này.

- Trong quá trình thực hiện, các bạn có gặp nhiều trở ngại hay khó khăn gì không?

- Chúng tôi gặp không ít khó khăn. Giữa tôi và Thảo, hay giữa Thảo với họa sĩ Hoàng Tấn thường có những tranh luận khi chưa thống nhất với nhau một vấn đề nào đó. Có những nội dung Thảo muốn đưa vào nhưng tôi thấy không cần thiết thì chúng tôi trao đổi nhiều lần, hay xin ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa để có được quyết định đúng nhất. Nhóm cũng gặp đôi chút khó khăn khi viết về các loại hình nghệ thuật diễn xướng ngoài bắc. Vì chúng tôi đều là người sinh ra ở đất Nam Bộ nên tìm tư liệu, người cố vấn cho các loại hình nghệ thuật phía bắc cũng có phần vất vả hơn. Bên cạnh đó, nhiều loại hình gần giống nhau nên chúng tôi phải nghiên cứu thật kỹ, tìm ra điểm đặc trưng của từng loại hình để vẽ thật chính xác. Có lẽ, họa sĩ Hoàng Tấn là người "khổ" nhất trong nhóm. Bạn ấy chăm chút từng chi tiết cho mỗi bức tranh. Tôi nhớ Hoàng Tấn phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần cây đàn, trống trong nghệ thuật ca trù khi được nhiều người góp ý là chưa chính xác. Đáng nhớ nhất là khi chuẩn bị đi in, chúng tôi được góp ý hình ảnh múa Lâm Thôn nhưng lại giống múa Chăm Pa, thế là chúng tôi phải dừng lại tiếp tục sửa cho đúng.

Người trẻ luôn khát khao lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc -0
Dù mới ra mắt, cuốn sách đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Ảnh: NVCC 

- Riêng với Triều Giang, đảm nhận phần dịch nội dung sang tiếng Anh, bạn có gặp nhiều khó khăn không?

- Có nhiều chứ. Tôi làm một nghề không liên quan gì đến nghệ thuật, nhất là các loại hình diễn xướng có trong cuốn sách này. Nên khi dịch sang tiếng Anh tôi có chút lo lắng. Cái khó đầu tiên chính là có rất nhiều từ ngữ mình hiểu ngay nhưng khi dịch sang tiếng Anh thì không tìm được từ tương đồng. Có những từ dịch sai nhưng nay đã phổ biến, tôi lại băn khoăn không biết nên giữ hay là tìm một từ mới thay thế cho chính xác. Có những từ tôi buộc phải giữ nguyên tiếng Việt. Mặt khác, chúng tôi xác định làm cuốn sách nghệ thuật này như một cẩm nang về các loại hình diễn xướng của Việt Nam nên khi dịch sang tiếng Anh, tôi phải chú ý để bản dịch vừa chính xác nhưng nhẹ nhàng, không quá nặng tính học thuật để người nước ngoài có thể hiểu dễ dàng hơn. Tên nhạc cụ cũng khiến tôi đau đầu khi dịch.

- Xuất bản cuốn sách bằng hình thức song ngữ, có lẽ các bạn không chỉ muốn giới thiệu "gánh hát" của mình với độc giả trong nước?

- Đúng vậy. Dù mới ra mắt, nhưng chúng tôi đã nhận được phản hồi tích cực từ độc giả trong nước lẫn độc giả nước ngoài. Mong muốn của chúng tôi là, thông qua cuốn cẩm nang nghệ thuật này, độc giả nước ngoài hiểu hơn về các loại hình nghệ thuật diễn xướng Việt Nam, thấy được giá trị và vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình. Tất nhiên để đạt được điều đó chúng tôi còn phải có thêm những bước đi dài hơi, cụ thể hơn để nhiều người biết đến các loại hình nghệ thuật này, nhất là khi nước ta bắt đầu đón khách quốc tế trở lại. Trong những lần tái bản sau, tôi có thể dịch lại vài chỗ chưa ưng ý lắm, cũng như chúng tôi sẽ sử dụng mã QR Code trong cuốn sách để giúp độc giả tham khảo được nhiều nội dung về các loại hình diễn xướng. Ngoài ra, chúng tôi cũng có ý tưởng 3D hóa cuốn sách.

Ðể người trẻ không... đi lạc

- Qua dự án này, bạn cảm nhận tình yêu của người trẻ với nghệ thuật truyền thống như thế nào?

- Là một người trẻ đam mê lịch sử, văn hóa nước nhà, tôi nghĩ các bạn trẻ không xa rời với những giá trị truyền thống của dân tộc. Có nhiều người trẻ học ngành nghề khác nhau nhưng vẫn yêu thích nghệ thuật truyền thống theo cách riêng của mình, các bạn vẫn khát khao làm một điều gì đó để giá trị truyền thống của dân tộc tiếp tục được phát huy, điển hình như trào lưu cổ phục của nhiều bạn trẻ trong thời gian qua. Theo tôi, điều quan trọng là phải có người thế hệ đi trước khởi đầu, định hướng cho người trẻ. Trên thực tế, nhiều bạn trẻ muốn tìm hiểu về một loại hình nghệ thuật truyền thống nào đó của dân tộc nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu, không biết tham khảo từ cuốn sách nào, hay địa chỉ nào. Còn nếu chỉ người trẻ dẫn dắt nhau đi thì rất dễ… đi lạc.

- Dự định sắp tới của các bạn là gì? Có thể sẽ là một dự án khác về nghệ thuật dân tộc?

- Bản thân tôi, Thảo Hồ, Hoàng Tấn đều ấp ủ nhiều dự án về văn hóa trong thời gian tới. Chúng tôi là những người làm việc không liên quan gì đến nghệ thuật, nhưng có chung niềm đam mê với lịch sử, văn hóa của dân tộc. Từ cuốn sách này, tình yêu đó càng lớn thêm trong mỗi người. Khi bắt tay vào thực hiện cuốn sách "Gánh hát lưu diễn muôn phương", bạn bè đều gọi chúng tôi là nhóm "liều". Dù chưa có kinh nghiệm gì nhưng với đam mê của mình, cộng với sự hỗ trợ nhiệt tình của các chuyên gia, nghệ sĩ, nghệ nhân đi trước đã giúp chúng tôi vượt qua những thử thách để hoàn thành tác phẩm này. Với tình yêu, niềm đam mê ấy, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều dự án tương tự giới thiệu đến công chúng, qua đó góp phần nào lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến mọi người, nhất là bạn bè quốc tế.

- Xin cảm ơn bạn.