Nguyên mẫu
Năm 1974, tôi được nghe vở kịch 'Ðại đội trưởng của tôi' trên Ðài Tiếng nói Việt Nam. Chúng tôi cũng như công chúng bấy giờ rất khâm phục 'Ðại đội trưởng của tôi'. Xung đột kịch xảy ra từ vấn đề rút quân khỏi chốt cao điểm của mặt trận. Ðứng trước sự lựa chọn ở lại tiếp tục chiến đấu hay rút lui, giữa sự dao động nhất thời với quyết tâm sắt đá, giữa ranh giới cái chết và giành giật sự sống. Tất cả được bộc lộ rõ nhất về bản lĩnh và phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Sau này, trong một lần tôi may mắn được trò chuyện cùng nguyên mẫu, vị đại đội trưởng - nhân vật chính trong vở kịch. Ðó là Ðại tá Trần Văn Thà, và được nghe ông kể về những năm tháng sống, chiến đấu, chỉ huy chiến đấu tại đảo Cồn Cỏ (1965-1967) và mặt trận Quảng Trị xuân 1968. Năm ấy ông là Ðại úy, Tiểu đoàn trưởng mới tròn 39 tuổi.
Ông sinh năm 1929, quê ở xã Ninh Hưng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Người đảng viên với 60 năm tuổi đảng, thương binh loại 3/4 này đã có hơn 39 năm cầm súng chiến đấu. Chỉ huy từ cấp tiểu đội trưởng đến trung đoàn trưởng, đã cùng đồng đội đánh 380 trận lớn nhỏ. Ðặc biệt, ông có 930 ngày đêm làm Chỉ huy trưởng đảo Cồn Cỏ với biệt danh 'con cọp đen'. Ông và 129 cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã đi vào những thước phim và tác phẩm nổi tiếng 'Họ sống và chiến đấu' của nhà văn Nguyễn Khải. Ðêm 25-12-1967, ông được điều về đất liền. 'Vừa đặt chân lên Vĩnh Linh, nghe tiếng trẻ khóc từ dưới hầm vọng ra, tôi không sao cầm được nước mắt. Thật kỳ diệu, giữa chảo lửa Vĩnh Linh, nơi kho bom, túi đạn của giặc Mỹ trút xuống mà sự sống vẫn đâm chồi nảy lộc, bất giác lòng tôi cồn cào nỗi nhớ vợ, con' - ông bồi hồi kể lại. Ngày 14 -1-1968, ông được giao chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 47. Suốt 108 ngày đêm chiến đấu quyết tử bên sông Cửa Việt. Trong trận đánh ngày 21-1-1968, bên ta tổn thất không nhỏ: 33 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 71 người bị thương. Cấp ủy Tiểu đoàn họp, biểu quyết 5/6 người đồng ý rút ra. Riêng ông không đồng ý vì cho rằng, ta tuy có thiệt hại nhưng trận địa vẫn còn, địch là kẻ bị động và thiệt hại nhiều hơn, sao ta không củng cố lực lượng để tiếp tục chiến đấu? Thấy đoàn quân rút ra, ông chạy lên trước đội hình và kêu lớn: 'Tôi kêu gọi anh em ở lại cùng tôi đánh giặc, giữ vững bờ sông Cửa Việt, dù phải hy sinh. Tôi không ra lệnh mà kêu gọi ai đồng tình thì ở lại cùng tôi'. Có hơn 100 người ở lại, ông hỏi 'những ai là đảng viên cộng sản thì giơ tay?'. Dưới ánh pháo sáng địch, 39 cánh tay giơ cao. Sau đó, lần lượt Ban chỉ huy Tiểu đoàn cũng ở lại, đơn vị đã củng cố trận địa, tổ chức chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mặt trận giao cho.
Còn khỏe thì còn đi tìm đồng đội
Sau những năm tháng trong quân ngũ, ông thật xứng đáng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Năm 1983, ông trở về đời thường với bao lo toan cho cuộc sống. Ðất nước trải qua chiến tranh nhưng khó khăn về xã hội, thiếu thốn về kinh tế thì vẫn chồng chất. Hai vợ chồng với ba người con trông đợi những đồng lương hưu ít ỏi. Trong chiến tranh, cái chết ông không sợ, nhưng làm gì để kiếm ra tiền nuôi gia đình? Ông tìm tòi, học hỏi làm kinh tế bằng nhiều cách, từ làm xà phòng cục 62% bán ở thị trường đến làm dầu gan cá nổi danh trên nhiều vùng quê, rồi làm thuốc chống nhức mỏi chế biến từ rắn biển...Với đam mê làm lương y chữa bệnh và đã từng cứu chữa nhiều đồng đội bằng thuốc nam trong chiến tranh, ông vào TP Hồ Chí Minh học thêm kiến thức về y học dân tộc. Nhờ chịu khó nghiên cứu, học hỏi và sưu tầm các bài thuốc gia truyền của các lương y xa gần, ông có nhiều bài thuốc quý và đã chữa trị thành công cho nhiều bệnh nhân, trong đó có nhiều đồng đội cũ.
Ðiều đáng quý ở ông là chữa bệnh từ thiện. Nhiều bệnh nhân được ông chữa khỏi đã gửi thư cảm ơn, coi ông như ân nhân của mình như Chị Nguyễn Thị Thoa bị xơ gan cổ chướng, đang cận kề với tử thần. Sau sáu tháng uống bài thuốc ông cho, cuộc sống đã trở lại với chị. Cháu Nguyễn Thanh Thủy ở Dã Tượng, Vĩnh Nguyên (Khánh Hòa) được ông chữa khỏi bệnh ho hen; cháu Thảo Vy bị bệnh bạch cầu cấp, chị Lê Thị Nhung (Diên Lân, Diên Khánh, Khánh Hòa) bị 'thận ứ dịch viêm bàng quang và sỏi thận' đều đã khỏi bệnh nhờ những bài thuốc ông cho.
Từ năm 2008 lại đây, ông làm việc ở Phòng khám đa khoa của Hội Cựu chiến binh tỉnh và Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Mỗi tuần ông dành ba ngày khám, cho thuốc miễn phí với tất cả các cựu chiến binh không có chế độ và thân nhân của họ cùng các hộ nghèo có giấy chứng nhận của địa phương. Ngày đông nhất có 100 người, ngày ít nhất cũng hơn 50 người tới khám, chữa bệnh. Nhiều người trong số họ đã khỏi hoặc bệnh thuyên giảm, họ vô cùng biết ơn tấm lòng của một ông già ngoài 80 tuổi, một lương y - cựu chiến binh đức độ, hiền lành, vui vẻ, luôn làm việc hết mình.
Ông luôn đau đáu những nỗi niềm về những người đồng đội đã ngã xuống mà người thân của họ chưa tìm được hài cốt. Từ năm 1994, ông đi tìm đồng đội bằng nghĩa tình, sức lực và bằng chính đồng lương ít ỏi của mình. Liệt sĩ - nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu là liệt sĩ thứ 125 mà ông tìm được vào năm 2005. Trong cuộc chiến 108 ngày đêm bên sông Cửa Việt, có hai phóng viên báo Quân đội nhân dân đi cùng đơn vị, họ đã cầm súng chiến đấu như những người lính và đã anh dũng hy sinh. Vào những ngày tháng 7 năm 1999, ông trở lại Gio Linh sau hơn 30 năm, không chỉ là cuộc thăm viếng chiến trường xưa, lần này ông về có cả vợ con của nhà báo, liệt sĩ Lê Ðình Dư là bà Hồ Thị Kim và con gái Lê Hồ Hương từ TP Hồ Chí Minh ra, để giao lại phần mộ liệt sĩ mà ông là người trực tiếp chôn cất. Cảnh xưa, chốn cũ đã không còn, tất cả thay đổi đến không ngờ! Những ngôi mộ liệt sĩ chôn vội trong chiến tranh, bây giờ hầu hết bị mất dấu, hoặc đã được di dời về nghĩa trang liệt sĩ. Với trí nhớ của người lính từng trải đã qua công tác tham mưu, trinh sát và có lẽ, nhờ hương hồn của liệt sĩ Lê Ðình Dư phù hộ, cuối cùng ông và các cán bộ địa phương xã Gio Mai đã tìm đúng vị trí nơi yên nghỉ của liệt sĩ Lê Ðình Dư. Ông đã cùng vợ con của liệt sĩ lập bia thờ trong nghĩa trang Dốc Miếu (Gio Linh, Quảng Trị). Hơn 30 năm trước, khi tự tay ông bỏ chiếc máy ảnh vào phần mộ, ông đã tự hứa với lòng mình, sau này sẽ cố tìm thân nhân của liệt sĩ để giao lại cho dù một chút hình hài. Bây giờ, điều đó coi như đã toại nguyện.
Nhưng ông vẫn chưa nguôi ngoai về tấm gương của một con người đã chiến đấu hy sinh anh dũng, sự hy sinh của họ đã tiếp sức đơn vị ông trụ vững suốt 108 ngày đêm khốc liệt bên bờ sông Cửa Việt, lẽ ra phải được truy tặng anh hùng, tiếc rằng điều đó đến nay chưa được thực hiện. Lời nói cuối cùng của nhà báo - chiến sĩ Lê Ðình Dư bên chiến hào khét lẹt khói súng vẫn văng vẳng bên tai ông: 'Anh Thà ạ! Người chiến sĩ có thể đứng bắn, quỳ bắn hoặc nằm bắn, còn các phóng viên chúng tôi chỉ có quyền đứng thẳng trên chiến hào, dùng vũ khí là máy ảnh và cây bút máy của mình để ghi lại chiến công của đồng đội, tội ác của quân thù. Vị trí của tôi là ở đây!'. Lời nói cuối cùng của Lê Ðình Dư không chỉ thể hiện phẩm chất, bản lĩnh của người phóng viên - chiến sĩ mà còn là tấm gương động viên, cổ vũ kịp thời ông và đồng đội chiến đấu và chiến thắng kẻ thù trong những lúc cam go nhất.
Riêng liệt sĩ - nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu do chính trị viên Nguyễn Quang Khanh trực tiếp mai táng, tấm tôn chôn theo hài cốt ghi là Nguyễn Ngọc Du - theo anh Khanh giải thích sau này - tiếng địa phương quê anh (Quảng Bình) phát âm chữ Du và Nhu gần giống nhau nên anh Khanh mới ghi như vậy. Ông đã vất vả xuôi ngược, khổ vì chữ Du và Nhu. Mãi đến tháng 7-2007, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống, Tổng biên tập và Cơ quan Chính trị báo Quân đội nhân dân và gia đình vào nghĩa trang Gio Thành (huyện Gio Linh) nhận phần mộ và trân trọng gắn tấm bia: 'Liệt sĩ - nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu, Phóng viên báo Quân đội nhân dân. Hy sinh ngày 20-01-1968' thì ông mới yên tâm. Lúc ấy, ông đang điều trị tim bị ngoại thu tâm thất ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Ông bảo, nếu trời cho còn sức khỏe, ông còn đi tìm đồng đội, còn đi khám chữa bệnh cho mọi người. Vì ông là đảng viên, là người lính Cụ Hồ, là người con của xứ trầm hương.