Ôn lại trang sử vàng

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Thường vụ Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình giao lưu truyền thống với chủ đề “Từ Điện Biên khói lửa đến phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Gia Định”. Tại đây, đông đảo bạn trẻ đã được nghe các nhân chứng lịch sử kể về sự anh dũng, kiên trung của thế hệ cha ông đi trước trong những tháng ngày chiến đấu quyết liệt, tạo nên một “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu phát biểu ý kiến tại chương trình giao lưu.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại chương trình giao lưu.

Chương trình diễn ra tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi được xem là điểm nóng kể từ trước, trong và sau chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là nơi cao trào của phong trào đấu tranh cách mạng, trung tâm của “Vùng lõm chính trị - Căn cứ cách mạng Bảy Hiền”, cũng là nơi đóng quân của Sư đoàn 367 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân anh hùng, đơn vị góp công lớn với phiên hiệu Trung đoàn Pháo cao xạ 367, góp phần ngăn chặn chi viện đường không của thực dân Pháp tại mặt trận Điện Biên Phủ. Năm nay 93 tuổi, bằng chất giọng khỏe khoắn, Đại tá Trần Thịnh Tần (Trưởng ban Liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần, Quân đội nhân dân Việt Nam) kể cho các bạn trẻ có mặt tại chương trình giao lưu về những giai đoạn cam go nhất trong quá trình ông trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 20 tuổi, có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ, chàng trai trẻ Trần Thịnh Tần ngày ấy được phân công làm nhiệm vụ hậu cần, vừa chiến đấu, vừa bảo đảm lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược cho cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu ngoài trận tuyến. “Tuổi trẻ hồi đó ai cũng thích đi lên phía trước, không muốn làm hậu cần nhưng Đảng giao nhiệm vụ thì chúng tôi luôn tìm mọi cách hoàn thành thật tốt. Vậy nên ai cũng nỗ lực hết mình. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phía trước quân số của 5 đại đoàn khoảng 5 vạn người thì phía sau hậu cần nhiều gấp ba lần như thế. Mọi thứ không hề đơn giản”, ông Tần nhắc nhớ chuyện cũ và kể lại giây phút cùng các chiến sĩ Điện Biên trở về Thủ đô Hà Nội sau chiến thắng vang lừng.

Xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, từ khi còn trẻ, bà Phạm Thị Hồng Thắm (Ủy viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến quận Tân Bình) đã cùng đồng đội tham gia các cuộc đấu tranh cách mạng tại Sài Gòn - Gia Định cho đến ngày chiến tranh kết thúc, thắng lợi thuộc về ta. Từng trực tiếp tham gia chiến đấu, làm du kích ở “Vùng lõm chính trị - Căn cứ cách mạng Bảy Hiền”, bà Thắm luôn xúc động khi chứng kiến tinh thần chiến đấu bất khuất của thế hệ đi trước cũng như các đồng đội trẻ cùng đồng hành với mình ngày ấy.

Bà Thắm kể, thời điểm đó xuất hiện bao tấm gương sáng về sự anh dũng, kiên trung để thế hệ trẻ noi theo. Bà nhớ như in hình ảnh những cô chú, anh chị bị thương nặng khi đang làm nhiệm vụ mà vẫn không hề nao núng, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có người bị bắt, bị tra tấn dã man, dọa giết trước mặt đồng đội vẫn hiên ngang đến cùng. Bà biết ơn những người đi trước và cả nhân dân ngày đó, bất chấp hiểm nguy nuôi giấu cán bộ, cùng hợp sức chiến đấu với quân thù. Tự nguyện tham gia chiến đấu, những người trẻ như bà Thắm lúc bấy giờ dù bị bắt vẫn không lo sợ. Chấp nhận những đau đớn do thương tật gây ra, thậm chí là sự hy sinh, mất mát, ai cũng mong chờ ngày chiến thắng, đất nước vui trong hòa bình.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức còn khai mạc không gian triển lãm trực tuyến “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” và Lễ xuất quân của tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh niên cụm Miền Đông Nam Bộ tham gia hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”. Còn trên không gian mạng, từ nay đến giữa tháng 5, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai tuyên truyền chuyên đề “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” thông qua nhiều hoạt động trải nghiệm, giáo dục lịch sử dành cho đoàn viên, thanh thiếu nhi. Bạn trẻ được tham gia các chương trình bằng cách chụp ảnh cùng các kỷ vật trong không gian triển lãm trực tuyến và chia sẻ, tương tác trên các nền tảng xã hội. Trong khi đó, chuyên mục “Nhớ về Điện Biên” sẽ tuyên truyền các hoạt động gắn với Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” và các nội dung hoạt động hưởng ứng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của các cơ sở đoàn trực thuộc.