Nghiên cứu giải pháp sử dụng cát biển

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng 9.014 km đường cao tốc từ nay đến năm 2030, nhiều chuyên gia cho rằng khai thác cát biển làm vật liệu đắp nền cao tốc là một giải pháp khả thi trong bối cảnh khan hiếm vật liệu.
0:00 / 0:00
0:00
Cần sớm có hướng dẫn về việc sử dụng cát biển thi công đường cao tốc.
Cần sớm có hướng dẫn về việc sử dụng cát biển thi công đường cao tốc.

Kết quả khả quan

Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng): Từ năm 2000 đến nay, nhu cầu cát xây dựng (cả cát bê-tông và cát san lấp) tăng trưởng 15%/năm nhưng trung bình công suất cấp phép khai thác cát sông hằng năm chỉ đáp ứng được 30 - 40%. Tình trạng khan hiếm nguồn cát từ lâu đã cản trở lớn, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các tuyến cao tốc bắc - nam.

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - nơi đang triển khai tám dự án đường cao tốc, với tổng cộng 463 km chạy qua 10 tỉnh, thành phố cần khoảng 53,7 triệu m3 cát san lấp nền. Ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết: Khu vực ĐBSCL cát sử dụng được cho san lấp làm nền đường chủ yếu tập trung ở Đồng Tháp và An Giang. Tuy nhiên thời gian qua mỗi tỉnh mới chỉ cấp phép được tổng khối lượng khoảng 10 - 14 triệu m3/năm, đáp ứng được 50% nhu cầu thi công dự án mỗi năm. Trong năm 2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các địa phương khởi công thêm hai dự án cao tốc lớn với tổng nhu cầu cát khoảng 40 triệu m3 nhưng đến giờ mới làm xong thủ tục được khoảng hơn 5 triệu m3.

Để giải bài toán vật liệu cát đắp nền cho các dự án đường cao tốc bắc - nam, thời gian qua, ngành GTVT đã tích cực thí điểm sử dụng nguồn cát biển thay thế cát sông. Tại hội thảo khoa học công nghệ đánh giá kết quả thực hiện thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng, đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin: Vị trí được lựa chọn thí điểm là đoạn đường hoàn trả ĐT978 thuộc dự án Cao tốc bắc - nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Đây là vị trí nhạy cảm về môi trường với ruộng lúa và ao nuôi tôm ở hai bên, đặc biệt phải bảo đảm thông xe ngay sau khi thi công. Tuy nhiên, kết quả thí nghiệm trong phòng cho thấy, cát biển được lựa chọn thí nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng đắp nền đường. Thực tiễn thi công đến nay, kết quả quan trắc môi trường, độ chặt nền đường cũng chưa có dấu hiệu bất thường.

“Chúng tôi mong muốn vật liệu cát biển sẽ sớm được chấp thuận, cho phép sử dụng trong thi công nền đường cao tốc, đưa dự án về đích đúng kỳ vọng. Để làm được điều này, quan trọng nhất là tính pháp lý. Hiện nay, khu B1 được Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) quy hoạch chủ yếu cách bờ 20 km nhưng cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, khu vực Sóc Trăng cũng chưa có quy hoạch sử dụng cát ven biển”, ông Lê Đức Tuân nhấn mạnh.

Ứng dụng từng phần

Ông Nguyễn Văn Thành, quyền Viện trưởng Khoa học công nghệ GTVT cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường đã cho ra một số kết quả tương đối khả quan, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, môi trường. Có thể lu lèn đạt được độ chặt K95 theo yêu cầu với lu thông thường. Kết cấu quan trắc độ lún, biến dạng qua thời gian đầu cho thấy nền đường ổn định. Với dữ liệu có được, thời gian tới, Viện dự kiến báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép giai đoạn trước mắt sử dụng cát biển ở những nơi đã bị nhiễm mặn. Giai đoạn đầu, chỉ sử dụng cát biển cho phần cào bóc hữu cơ, đắp phần nền đường với chiều cao nhất định chứ không đắp hết. Quá trình sử dụng cát biển cũng cần nghiên cứu dùng vải địa kỹ thuật, màng chống thấm hạn chế nhiễm mặn ra môi trường chung quanh…

Đồng tình quan điểm trên, ông Lê Trung Thành, Viện trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết thêm: Muốn sử dụng được cát biển, nếu cát mặn nhiều thì có giải pháp rửa bớt. Thành phần hạt khác nhau thì có giải pháp bổ sung. Trong khi chưa rõ cơ sở, chúng ta nên theo hướng thay thế dần dần, tỷ lệ sử dụng trong thi công từ 30 - 50% tiến dần tới 70% để tạo nên độ tự tin cho người làm. Như bên ngành xây dựng, để không còn sợ cát biển ăn mòn cốt thép, chúng tôi đã nghiên cứu để tỷ lệ sử dụng sao cho tỷ lệ muối của vật liệu không ảnh hưởng đến cốt thép. Tương tự, ngành GTVT cũng phải nghiên cứu tìm tỷ lệ muối trong cát biển phù hợp để đưa vào sử dụng thi công nền bảo đảm an toàn.

Ngày 15/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1626/QĐ-TTg Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, Bộ Xây dựng được giao xây dựng phương án thăm dò, khai thác và sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng. Ông Lương Văn Hùng, đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Trong bối cảnh khan hiếm cát sông, việc sử dụng cát biển thay thế trong các công trình xây dựng là hoàn toàn khả thi. Tới đây, trên cơ sở tài liệu điều tra Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng sẽ có quy hoạch, sắp xếp lại từng vùng cát biển, xây dựng phương án quy hoạch khai thác cát không chỉ trong 6 hay 12 hải lý mà còn là cát ngoài khơi, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trong tương lai.