Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Khánh:

Nghệ thuật nhiếp ảnh là sự chắt lọc phi thường

Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Khánh là một người tự học về nhiếp ảnh. Ông đã dành rất nhiều thời gian và chi phí cho bộ môn nghệ thuật mà ở đó, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật thể hiện và tâm tư của tác giả hòa quyện làm một. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện cùng ông.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ thuật nhiếp ảnh là sự chắt lọc phi thường

Hành trình dài hiện thực hóa giấc mơ

- Thưa ông, để có hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh, chắc hẳn có nguyên do sâu xa nào khiến ông không muốn hoặc không thể rời xa chiếc máy ảnh?

- Hồi nhỏ, tôi thấy bố mẹ nuôi của mình treo nhiều ảnh họ đi thăm các công trình văn hóa, du lịch đẹp trên thế giới. Chúng khiến tôi không chỉ ngạc nhiên mà còn rất tò mò về một thời của các cụ. Nhưng lớn hơn một chút, tôi được nghe kể là, các bức ảnh chỉ là sự thể hiện mong ước được đi đây đó của bố mẹ mà thôi. Hồi đó, các cụ đã chọn ảnh lịch đẹp, cắt lại khuôn hình bản thân họ chụp lưu niệm trong các studio ảnh rồi dán lên các ảnh lịch ấy, lại lấy máy ảnh tự chụp lại bản cắt dán, rồi đi phóng thành ảnh mới, treo lên… Mong ước đẹp và cách thể hiện mong ước ấy của các cụ khiến tôi không thể nào quên. Tôi bắt đầu nghịch ngợm, tự chụp ảnh với chính chiếc máy ảnh của các cụ.

- Nhưng tại sao ông không chọn đi học chuyên ngành về nhiếp ảnh, mà tự học?

- Do hoàn cảnh riêng, tôi được gửi sang Campuchia ở cùng gia đình bác gái ruột, cũng là bố mẹ nuôi của tôi, cho đến năm 1970. Về nước, tôi theo học bậc cử nhân văn chương Pháp tại Trường đại học Văn khoa Sài Gòn (sau năm 1975, hợp thành Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh và nay thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - PV). Thời điểm ấy, tôi tìm hiểu và đăng ký học hàm thụ hai năm về nhiếp ảnh với một trường nghệ thuật ở bên Pháp, mọi tài liệu giảng bài của giáo viên và trả bài của học viên như tôi đều được gửi qua bưu điện. Sau ngày thống nhất đất nước, tôi mải đi làm (cười), đến nỗi việc quay lại trường đại học để học bổ sung nốt và lấy bằng tốt nghiệp, tôi cũng không màng. Với lại, ở Việt Nam mình hồi đó chưa có nơi giảng dạy, đào tạo chuyên nghiệp về nhiếp ảnh trong khi tôi lại có thể chủ động đọc được sách (tiếng Pháp) giới thiệu chuyên sâu về lĩnh vực này, thế là cứ học qua đó và qua chính công việc của mình, theo thời gian.

- Trong cuộc trò chuyện gần đây về nhiếp ảnh với khán giả trẻ ở Hà Nội, ông có đề cập đến dự án Angkor trong giấc mơ. Ông đã chụp ảnh ở Angkor đến cả 10 năm rồi mới chắc chắn triển khai thành một "dự án" (năm 2010) và đến nay, hơn 10 năm sau, ông vẫn chưa cảm thấy yên tâm dừng lại, coi như hoàn thành. Vì sao lại lâu đến như vậy, thưa ông?

- 10 năm đầu, tôi qua Angkor chụp nhiều lần nhưng tôi nhận thấy, sau cùng, ảnh của mình cũng chẳng khác ảnh của người khác là bao, tức là tôi bị đi vào lối mòn, đi theo người khác. Tôi suy ngẫm nhiều và quyết định tập trung vào hai khía cạnh: thứ nhất, trong ảnh của tôi, nếu có người thì chỉ là người Campuchia; thứ hai, tôi dùng công nghệ để hỗ trợ chuyển hóa hình ảnh Angkor trong tâm trí riêng của tôi thành bức ảnh vật lý. Chính vì vậy, ảnh đen trắng là một lựa chọn phù hợp. Bạn biết đấy, việc chụp bức ảnh là công đoạn thứ nhất, nhưng từ khuôn hình ấy đến tấm ảnh bạn cầm trên tay lại là công đoạn phức tạp không kém với rất nhiều trải nghiệm kỹ thuật mà nếu người chụp ảnh không làm chủ được, khó có thể đạt ý nguyện.

Nghệ thuật nhiếp ảnh là sự chắt lọc phi thường ảnh 1
Một tác phẩm trong dự án "Angkor trong giấc mơ" của nghệ sĩ Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: NVCC

Người chụp ảnh cần nhìn sâu vào mong muốn của mình

- Ông có thể nói thêm về tác động của công nghệ tới chất lượng nhiếp ảnh? Làm thế nào để phân định được sự làm chủ công nghệ và sự phụ thuộc vào nó, thưa ông?

- Tôi có một thí dụ: khi chụp ảnh gương mặt mỉm cười của bốn vị thần cạnh nhau ở đền Bayon, sự phản chiếu ánh sáng từ đá, lên đá khiến cho trong khuôn hình ta chụp khó mà bật được lên khối tượng nếu ta không có chủ ý. Vậy trong hoàn cảnh này, có cần sự can thiệp của công nghệ không? Tôi nghĩ là có, nhưng công nghệ can thiệp tới mức độ nào để nâng cao giá trị của bức ảnh, đấy là câu hỏi mà tùy nhận thức của người chụp ảnh, ta sẽ có câu trả lời. Để phân định được sự làm chủ và sự lệ thuộc vào công nghệ trong nhiếp ảnh, tôi nghĩ người chụp ảnh cần nhìn sâu vào mong muốn của cá nhân mình khi chụp ảnh: bức ảnh để thỏa mãn điều gì trong mình, điều thuộc về tâm trí hay đơn thuần chỉ để "khoe" máy móc xịn, công nghệ tân thời… Câu trả lời sẽ quyết định cách lựa chọn kỹ thuật, công nghệ.

- Được biết, từ năm 1998 đến năm 2010, ông giảng dạy về nhiếp ảnh tại Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Tôi tin rằng những chia sẻ nói trên của ông cũng là điều ông gửi gắm tới sinh viên của mình. Cách mà người trẻ tiếp nhận những suy ngẫm có phần "cổ điển" đó của ông như thế nào, có điều gì khiến ông vui?

- Trong số sáu sinh viên khóa đầu tiên mà tôi tin tưởng giới thiệu đi làm phóng viên ảnh ở các báo như Thanh Niên, Tuổi trẻ, đến nay, còn ba em vẫn tiếp tục công việc. Khóa thứ hai, có hai em và một trong đó triển lãm cùng tôi dịp này tại Photo Hanoi’23. Học trò của tôi lại chính là giám tuyển của triển lãm này nữa, đó là một niềm vui của tôi, không phải vì trò mời thầy mà là vì tôi thấy trò trưởng thành trên con đường mà em theo đuổi.

Đúng là giới trẻ bây giờ, kể cả nhiều năm trước vẫn có khác với tuổi trẻ của tôi khi xưa. Các em đến với nhiếp ảnh nhanh quá, tranh thủ công nghệ mới trong nhiếp ảnh cũng rất nhanh. Người Việt Nam mình vốn bén nhạy về kỹ thuật. Nhưng nhiếp ảnh là bộ môn nghệ thuật, nên ta phải tạo cho bản thân một nền móng vững vàng hơn với kiến thức, tình cảm và ý tưởng, để xây dựng một hiện thực song hành với hiện thực hiện hữu thông qua nghệ thuật. Chắt lọc được cái đẹp từ thực tại hiện hữu là sự chắt lọc phi thường.

- Nhưng nhiếp ảnh cũng là lĩnh vực nghệ thuật cần nhiều đầu tư tài chính trong khi thị trường của nghệ thuật nhiếp ảnh ở Việt Nam nói riêng chưa phát triển. Trong bối cảnh này, để đi được lâu dài như ông cùng nghệ thuật nhiếp ảnh, ông có thể có một lời khuyên nào gửi đến thế hệ trẻ?

- Tôi nghĩ rằng, đầu tư cho phát triển tư duy của mỗi cá nhân là quan trọng nhất. Đó là nền móng cho nghệ thuật của mình và sẽ giúp cho nghệ thuật của mình có giá trị. Còn khi ta đã lựa chọn một nghệ thuật, thì ta phải biết ta muốn gì và có trách nhiệm với điều ta muốn.

- Xin cảm ơn ông về một cuộc trò chuyện cởi mở, ấm áp!

Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Khánh, sinh năm 1948, là một trong những nhiếp ảnh gia được mời tham gia sự kiện Photo Hanoi’23, với phần trưng bày tại triển lãm Ði tìm thời gian đã mất thời gian đi tìm (Mơ Art Space, từ ngày 5 đến 31/5/2023). Ông đã tình nguyện dành nhiều năm tháng chia sẻ, hỗ trợ kiến thức về nhiếp ảnh cho mạng lưới Yêu nhiếp ảnh (giai đoạn 2000-2006). Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã dành thời gian và tài chính cá nhân thực hiện dự án ảnh về chợ phiên của đồng bào thiểu số vùng Đông Bắc và Tây Bắc, triển lãm phục vụ miễn phí công chúng TP Hồ Chí Minh.