Ngân hàng Nhà nước bơm hơn 1.060 tỷ đồng vào thị trường

Theo số liệu mới công bố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã bơm ròng gần 1.065 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng trong tuần giao dịch vừa qua thông qua kênh thị trường mở (OMO). 

Ngân hàng Nhà nước bơm hơn 1.060 tỷ đồng vào thị trường

Hoạt động bơm thanh khoản của nhà điều hành diễn ra khi thị trường bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán cận Tết Nguyên đán.

Cụ thể, trong ngày 21/1, NHNN đấu thầu mua thành công 376 tỷ đồng giấy tờ có giá từ một thành viên tham gia, với kỳ hạn 28 ngày và lãi suất 2,5%/năm.

Trước đó, liên tiếp trong các ngày 18/1 và 19/11, nhà điều hành cũng đã bơm ròng lần lượt hơn 479 và 210 tỷ đồng vào hệ thống qua kênh OMO với lãi suất và kỳ hạn tương tự.

Đây là tuần bơm thanh khoản đầu tiên kể từ đầu năm 2022. Trước đó, NHNN bơm gần 10.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng trong phiên giao dịch cuối cùng năm 2021.

Nhu cầu vay tiền trên kênh OMO bắt đầu xuất hiện trở lại trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu ‘’căng’’ trở lại khi thị trường bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán cuối năm. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng tích cực trong những tháng cuối năm 2021 cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản các ngân hàng không còn dôi dư như trước.

Thu thuế dịch vụ trên không gian mạng vượt 1.000 tỷ đồng/năm

Ngành thuế đang thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) với số thu trung bình hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Từ năm 2018 đến hết tháng 10/2021 các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền 4.263,82 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như: Facebook là 1.641,75 tỷ đồng; Google là 1.573,24 tỷ đồng; Microsoft là 560,67 tỷ đồng. Năm 2020 số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 1.143,8 tỷ đồng. 10 tháng năm 2021, số thu đạt hơn 1.181 tỷ đồng, bằng 103,3% năm 2020.

Để quản lý thuế đối với các dịch vụ xuyên biên giới, Tổng cục Thuế đã xây dựng các chương trình xúc tiến hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm về quản lý thuế quốc tế đối với hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới bao gồm: xây dựng kế hoạch hợp tác chống gian lận thuế quốc tế thông qua việc trao đổi thông tin về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới; xây dựng kế hoạch tham gia đàm phán, ký kết hiệp định song phương hoặc đa phương về phân bổ lợi nhuận đối với hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới; xây dựng chương trình, dự án đề nghị hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý thuế tại Việt Nam thông qua kinh nghiệm quốc tế.

Năm 2022, ngành thuế sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ, đánh giá kỹ lưỡng đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh dựa trên nền tảng số để có những đề xuất xây dựng chính sách phù hợp về tỷ lệ thu, về quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp; đồng thời, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đối với hoạt động này.