Ngăn chặn khủng hoảng

Những bất đồng khó hóa giải trong nhiều lĩnh vực đã được thu hẹp, nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng leo thang giữa các nước.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa công bố những thay đổi trong chính phủ.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa công bố những thay đổi trong chính phủ.

1. Nhật Bản hoan nghênh Hàn Quốc đề xuất phương án giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến. Theo kế hoạch của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, việc bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến sẽ thông qua một quỹ công do Seoul hậu thuẫn, thay vì trực tiếp từ các công ty Nhật Bản liên quan. Chính phủ Nhật Bản cho phép các công ty nước này đóng góp tiền cho quỹ công do Hàn Quốc hậu thuẫn.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố nước này sẽ giữ nguyên lời xin lỗi trước đây đối với Hàn Quốc về các hành động trong quá khứ. Hai nước đã thống nhất thành lập một "Quỹ Thanh niên tương lai" để tài trợ học bổng cho sinh viên, như một phần của thỏa thuận giải quyết vấn đề bồi thường cho các công dân Hàn Quốc bị cưỡng ép làm việc cho các công ty Nhật Bản trong thời gian chiến tranh. Hiện hai bên đang xúc tiến chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vào trung tuần tháng 3, nhằm hàn gắn quan hệ song phương. Để tạo thuận lợi cho chuyến thăm, Hàn Quốc tuyên bố dừng tiến trình khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) việc Tokyo kiểm soát xuất khẩu các vật liệu công nghiệp quan trọng sang Seoul.

2. Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp tới toàn dân, Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết mục đích của những thay đổi mới nhất trong bộ máy nhà nước là nhằm bảo đảm rằng chính phủ có đủ năng lực để thực hiện các cam kết, ngăn chặn khủng hoảng, tạo nền tảng cho sự phục hồi bền vững trong tương lai.

Tổng thống Nam Phi cam kết chính phủ sẽ tập trung giải quyết những vấn đề mà người dân quan tâm nhất: tình trạng cắt điện để giảm tải cho hệ thống điện lực đã quá cũ kỹ, tình trạng thất nghiệp, nghèo đói và chi phí sinh hoạt gia tăng, tội phạm và tham nhũng. Chính phủ Nam Phi quyết định thành lập hai bộ mới là Bộ Điện lực để đối phó với cuộc khủng hoảng mất điện đang diễn ra và Bộ Kế hoạch, Giám sát và Đánh giá để chính phủ hoạt động hiệu quả hơn.

3. Tại Hội nghị lần thứ 5 của Liên hợp quốc về các nước kém phát triển diễn ra tại Doha (Qatar) từ ngày 5-9/3, lãnh đạo các nước kém phát triển đã kêu gọi việc sửa đổi các quy định phân bổ hàng tỷ USD tiền viện trợ và cho vay, trong bối cảnh đối mặt với gánh nặng nợ nần và hàng loạt cuộc khủng hoảng diễn ra chồng chéo. Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng thúc giục cộng đồng quốc tế có các biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ 52 nước đang đối mặt khủng hoảng nợ. Nợ nước ngoài của các nước nghèo đã tăng rất mạnh trong thập niên qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt, cũng như khủng hoảng tài chính. Một số nước đã rơi vào tình trạng vỡ nợ, trong đó, một số nước châu Phi như Nigeria, Mali và Burkina Faso đã mất tới 20 năm phát triển.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: Hệ thống tài chính toàn cầu hiện nay chưa phục vụ lợi ích tập thể. Nhiều nước kêu gọi các chủ nợ giãn nợ khẩn cấp hoặc xóa nợ cho các nước đang đối mặt khủng hoảng.

Ngăn chặn khủng hoảng ảnh 1
Bất bình đẳng giới về việc làm hầu như không được cải thiện trong hai thập niên qua.

4. Nhân Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo khả năng tiếp cận việc làm, điều kiện làm việc và chênh lệch lương của phụ nữ hầu như không được cải thiện trong 20 năm qua. Báo cáo của ILO nêu rõ, khoảng cách về việc làm đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển, nơi tỷ lệ phụ nữ không thể tìm được việc làm lên tới 24,9% ở các nước có thu nhập thấp, trong khi tỷ lệ tương ứng của nam giới là 16,6%.

Theo nghiên cứu của công ty xếp hạng tín nhiệm Moody’s, thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ trong lực lượng lao động có thể giúp kinh tế thế giới tăng thêm khoảng 7%, tương đương 7.000 tỷ USD. Tuy nhiên, với tốc độ hiện nay, thế giới có thể mất tới 132 năm mới có thể xóa bỏ hoàn toàn mức chênh lệch về lương theo giới tính. Báo cáo của Moody’s khuyến nghị các chính phủ triển khai một số giải pháp như thực hiện điều kiện làm việc linh hoạt, cung cấp chi phí chăm sóc trẻ với giá phải chăng và chế độ người lao động nghỉ thai sản được hưởng lương.