Đạo luật gây tổn hại việc làm
Các cuộc đàm phán của TTC đề cập các vấn đề như tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, vấn đề ép buộc kinh tế, nhưng tâm điểm vẫn là đạo luật IRA của Mỹ. Đạo luật này được soạn thảo nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Mỹ sang nền kinh tế carbon thấp, bao gồm khoảng 370 tỷ USD trợ cấp cho năng lượng xanh, cũng như cắt giảm thuế đối với ô-tô và pin điện do Mỹ sản xuất. Các nước EU cho rằng IRA gây tổn hại việc làm ở châu Âu, đặc biệt trong ngành năng lượng và ô-tô.
Phát biểu ý kiến với báo giới sau các cuộc đàm phán, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết, hai bên đã đạt được tiến bộ thiết thực và cụ thể trong các lĩnh vực then chốt. Ông nhận định, các cuộc đàm phán là một hướng đi rất tích cực, hiệu quả đối với cả Mỹ và EU. Hai bên ghi nhận những quan ngại của EU về IRA và nhấn mạnh cam kết giải quyết vấn đề này trên tinh thần xây dựng.
Trong khi đó, Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết, hai bên đạt được bước tiến trong các cuộc đàm phán nói chung, nhưng về IRA nói riêng lại ghi nhận bước thụt lùi. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết vấn đề này. Trước thềm cuộc đàm phán, Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis chỉ trích Mỹ không dành đủ không gian để giải quyết các vấn đề mà nhiều chính phủ và doanh nghiệp châu Âu quan tâm. EU đe dọa sẽ khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và xem xét các biện pháp trả đũa nếu Mỹ không đảo ngược các khoản trợ cấp của mình.
Kế hoạch này cũng là chủ đề thảo luận giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm cấp nhà nước vào tuần trước. Ông Biden cho biết, hai bên đã đồng ý thảo luận về các bước đi thực tế để phối hợp và điều chỉnh các cách tiếp cận, song khẳng định ông sẽ không xin lỗi về hành động mà ông cho là không nhằm gây bất lợi cho các đồng minh của Mỹ.
Nhiều nước lo ngại về đạo luật
IRA được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 8 năm nay. Đạo luật này trị giá 430 tỷ USD, bao gồm miễn trừ thuế đối với xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ; hỗ trợ chuỗi cung ứng pin của Mỹ; trợ cấp cho các công ty và người tiêu dùng để chuyển đổi sang công nghệ xanh và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, IRA quy định áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% đối với các công ty có doanh thu trên một tỷ USD/năm. EU lo ngại các rào cản thương mại mới này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, có thể ảnh hưởng tới các nhà sản xuất xe điện của châu Âu.
Không chỉ EU, nhiều quốc gia như Hàn Quốc cũng có mối lo tương tự. Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ cho rằng, những điều khoản trợ cấp cho thị trường trong nước như vậy không vi phạm các quy định của WTO vốn chỉ cấm chính phủ các nước trợ cấp cho xuất khẩu.
Hàn Quốc và EU nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ hơn để đưa ra phản ứng chung đối với Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ. Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun và Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis đã đạt được đồng thuận trên trong cuộc gặp gần đây tại Brussels (Bỉ). Với tư cách là các đối tác có cùng lập trường, EU và Hàn Quốc đã nhất trí nỗ lực chung thúc đẩy khôi phục sự công bằng.
Đối với Hàn Quốc, cả cấp chính phủ và doanh nghiệp đều đã chia sẻ những lo ngại với phía Mỹ, kêu gọi áp dụng ngoại lệ đối với xe điện do nước này sản xuất, đồng thời tìm kiếm sự đồng thuận từ các đối tác cùng quan điểm. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết, Seoul và Washington đã nhất trí tiếp tục tham vấn chặt chẽ nhằm tìm kiếm các giải pháp liên quan Đạo luật Giảm lạm phát. Thỏa thuận này đạt được trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ahn Duk-geun và Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai hồi tháng trước.