Mục tiêu chống biến đổi khí hậu của Ấn Độ

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Narendra Modi đã nêu lập trường chính thức của New Delhi về chương trình nghị sự hành động khí hậu. Theo đó, nền kinh tế nước này sẽ đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2070.

Ấn Độ cam kết thúc đẩy sử dụng năng lượng không hóa thạch. Ảnh: AFP
Ấn Độ cam kết thúc đẩy sử dụng năng lượng không hóa thạch. Ảnh: AFP

Theo AP, trước hơn 120 nhà lãnh đạo thế giới, Thủ tướng Modi cam kết: “Đến năm 2070, Ấn Độ sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0”. Hiện, Ấn Độ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ. Quốc gia Nam Á này cũng là nước phát thải carbon lớn cuối cùng trên thế giới công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ đạt được mục tiêu này vào năm 2060, còn Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là năm 2050. 

Mục tiêu trên là một trong năm cam kết mà Thủ tướng Modi đưa ra tại Hội nghị. Các cam kết còn lại bao gồm Ấn Độ sẽ nâng mục tiêu đến năm 2030 đạt công suất lắp đặt “năng lượng không hóa thạch” - chủ yếu là năng lượng mặt trời - từ 450 lên 500 gigawatt; 50% nhu cầu năng lượng của nước này sẽ được đáp ứng nhờ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030; Ấn Độ sẽ giảm tổng lượng phát thải carbon dự kiến một tỷ tấn từ nay đến năm 2030; đến năm 2030 Ấn Độ sẽ giảm 45% cường độ carbon của nền kinh tế (mục tiêu trước đó là 35%). 

Tuy nhiên, Thủ tướng Modi nhấn mạnh, các cam kết cắt giảm khí thải từ Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển khác sẽ đòi hỏi nguồn hỗ trợ tài chính từ các nước phát thải lâu đời và giàu có. Trước thềm Hội nghị COP26, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Bhupender Yadav tuyên bố nước này sẽ đấu tranh đòi công lý trong vấn đề biến đổi khí hậu. Theo đó, New Delhi sẽ yêu cầu các quốc gia phát triển phải thanh toán các chi phí cho việc hạn chế mức tăng của nhiệt độ Trái đất. 

Bộ trưởng Yadav cho biết, một trong những vấn đề quan trọng nhất tại Hội nghị lần này sẽ là vấn đề hỗ trợ tài chính cho các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của hành tinh xanh. Tuy nhiên, ông Yadav lưu ý các nước nghèo đang quan ngại về việc các quốc gia giàu hơn không thực hiện được những cam kết đã đưa ra tại các hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu, trong đó cam kết tài trợ hàng trăm tỷ USD cho các hoạt động hỗ trợ tài chính và phát triển công nghệ chống biến đổi khí hậu.

Lâu nay, Ấn Độ đã nhấn mạnh các quốc gia được hưởng lợi nhờ quá trình công nghiệp hóa thời gian trước, như các nước châu Âu và Bắc Mỹ, nên chi trả phần lớn chi phí giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Các số liệu của Bộ Môi trường Ấn Độ cho thấy, một người dân của Ấn Độ mỗi năm sản xuất ra khoảng 1,9 tấn carbon, thấp hơn so với mức 7,1 tấn của người dân ở EU, 8,4 tấn của người Trung Quốc và 18 tấn của người Mỹ.

Mục tiêu chống biến đổi khí hậu của Ấn Độ -0
IEA nhấn mạnh cần loại bỏ ô-tô sử dụng động cơ đốt trong. Ảnh: SHUTTERSTOCK 

Các nhà khoa học cho rằng, thế giới phải giảm một nửa lượng phát thải toàn cầu vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Hồi tháng 5 năm nay, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo, cơ hội để thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này đang ngày càng ít lại. 

Mặc dù số quốc gia đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 đã tăng lên, nhưng theo báo cáo mới nhất có tên “Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” của IEA, ngay cả khi các cam kết này được thực hiện đầy đủ, thế giới vẫn sẽ có 22 tỷ tấn CO2 vào năm 2050. Điều này sẽ dẫn đến nhiệt độ Trái đất tăng khoảng 2,1oC vào năm 2100.

Vì thế, báo cáo của IEA nhấn mạnh, để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, các quốc gia cần chấm dứt đầu tư vào các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới, loại bỏ hoàn toàn các loại xe hơi sử dụng động cơ đốt vào năm 2035, triển khai rộng rãi hơn năng lượng tái tạo, ngành điện toàn cầu phải đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040… 

Những mục tiêu trên không dễ đạt được trong thời gian ngắn, song nếu các quốc gia thay đổi hoàn toàn cách thức sản xuất, sử dụng và vận chuyển năng lượng, mức phát thải ròng bằng 0 có thể “cán đích” đúng hẹn.