Nghệ sĩ Đào Tố Loan:

Mong muốn đưa opera Việt Nam ra thế giới

Bất cứ lúc nào, ở đâu, hễ nói về âm nhạc hay được cất tiếng hát là Tố Loan lại say mê đến quên hết mọi thứ chung quanh. Như chỉ có âm nhạc tồn tại. Ra nước ngoài tu nghiệp để trở về hát những bản opera Việt Nam, những bản tình ca Việt Nam nhiều màu sắc, đó là điều chị luôn ấp ủ trong hành trình âm nhạc của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Đào Tố Loan trong buổi hòa nhạc tưởng nhớ nhà soạn nhạc người Pháp Jacques Offenbach (1819-1880), năm 2021. Ảnh: NVCC
Đào Tố Loan trong buổi hòa nhạc tưởng nhớ nhà soạn nhạc người Pháp Jacques Offenbach (1819-1880), năm 2021. Ảnh: NVCC

Chỉ mong muốn được hát và hát thật nhiều

- Được biết 2023 là một năm rất bận rộn của chị. Có vẻ như bây giờ, những vai chính trong các vở opera lớn đều "gọi tên" Tố Loan?

- (cười) Năm nay, tôi gần như đồng thời tham gia ba vở opera. Một vở dành riêng phục vụ cho dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản mang tên Công nữ Anio, do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng soạn, tôi đảm nhận vai chính. Vở diễn được đầu tư rất lớn, với bốn đêm công diễn ở Việt Nam và tiếp theo là bốn đêm diễn ở Nhật Bản trong tháng 7 tới.

Tháng 4 này, tôi biểu diễn trong vở Cavalleria Rusticana, một chương trình hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và một số chỉ huy, ca sĩ chính cùng dàn hợp xướng đến từ Hồng Công (Trung Quốc). Đây cũng là cơ hội cho tôi cọ xát khi tập vở và biểu diễn cùng với những nghệ sĩ tên tuổi của châu Á. Ngoài ra, tôi còn tham gia vai nữ chính trong vở opera Huyền diệu biển do nhạc sĩ Ngô Quốc Tính soạn.

- Một điều đặc biệt tôi nhận thấy từ chia sẻ vừa rồi của chị - hai trong số ba vở opera mà chị tham gia trong năm nay là các vở opera Việt Nam, do nhạc sĩ Việt Nam soạn. Với chị, điều này có ý nghĩa thế nào?

- Trong cuộc đời và sự nghiệp ca hát của mình, tôi mong muốn được hát thật nhiều opera Việt Nam. Khi có cơ hội ra nước ngoài học tập, tôi vẫn đau đáu một điều rằng, làm thế nào để mang tinh hoa của thế giới về đất nước của mình, góp phần làm cho âm nhạc Việt Nam phát triển hơn và nhiều nước biết đến Việt Nam và opera Việt Nam.

Lần này, vở Công nữ Anio đem tới một cơ hội cho tôi. Những aria do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng viết tuy khó hát nhưng rất hay. Một chút luyến láy dân ca, điệu ru con Nam Bộ, rồi âm hưởng đàn bầu Việt Nam được anh tìm cách đưa vào rất "ngon lành" trong các kết cấu kỹ thuật chặt chẽ của nhạc cổ điển phương Tây. Anh Hùng đang đi con đường đúng: Kết hợp kỹ thuật hàn lâm của nhạc cổ điển phương Tây với âm nhạc dân gian dân tộc Việt Nam. Đó còn là một cách thức quảng bá nghệ thuật giàu bản sắc Việt Nam ra thế giới.

Tôi mong muốn thế giới sẽ biết đến Việt Nam không chỉ qua âm nhạc dân gian, truyền thống mà qua cả opera. Tôi nghĩ, Việt Nam có nhiều người tài nhưng chúng ta chưa có điều kiện, chưa có những chính sách đầu tư đúng đắn để phát triển âm nhạc hàn lâm, đặc biệt là opera. Thường, các vở opera của chúng ta chỉ chú trọng làm thế nào để cho người Việt Nam cảm thấy gần gũi bộ môn nghệ thuật này hơn. Còn với vở Công nương Anio, đây là sự kết hợp mới, rất thú vị, tôi tin sẽ góp phần quảng bá rộng rãi hơn âm nhạc Việt ra thế giới.

- Thực tế, ngay cả một nghệ sĩ opera ở nơi không có truyền thống nghệ thuật này như Việt Nam, việc gắn bó với sân khấu, với các bản aria yêu cầu vô cùng nghiêm cẩn về kỹ thuật thể hiện cũng là một thách thức rất lớn. Điều mà chị tâm niệm để tự động viên bản thân cố gắng vượt qua thách thức ấy?

- Với tôi, opera là một hành trình dài của đam mê, khổ luyện và nỗ lực không ngừng. Hằng ngày, tôi vẫn luyện thanh, lắng nghe, học hỏi. Từ sau giải thưởng ở Singapore (năm 2018), tôi thấy mình càng ngày càng thăng hoa, chín chắn và tự tin hơn mỗi khi đứng trên sân khấu. Nó là sự kết hợp của nội lực, của tình yêu và những trải nghiệm trong cuộc đời. Chất đời rất quan trọng trong tiếng hát của một nghệ sĩ.

Khi có chút thành tựu, nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, đôi lúc tôi tự hỏi, vì sao mình làm được như thế. Bởi tôi cứ đi thôi, không nghĩ đến những khó khăn hay vất vả, vì mình đam mê quá.

Khai phá những vỉa tầng cảm xúc mới

- Hoạt động không ngừng nghỉ với opera nhiều năm qua, chị nhận thấy có những thay đổi đáng kể nào từ phía khán giả của bộ môn này ở nước ta?

- Khán giả bắt đầu dành tình yêu cho opera, âm nhạc cổ điển nhiều hơn. Thế hệ con em của chúng ta đã có điều kiện được học nhiều hơn về âm nhạc. Phải được bồi đắp từ cái gốc là giáo dục thì thẩm mỹ âm nhạc của mỗi người sẽ được nâng cao. Vì vậy, tôi tin là trong tương lai gần, sự quan tâm của xã hội dành cho âm nhạc cổ điển nói riêng, giáo dục âm nhạc nói chung, sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực.

- Nhân đang nói về sự thay đổi, tôi lại thấy từ chị có một thay đổi đáng chú ý là không còn chỉ duy nhất với opera nữa, mà còn lựa chọn hát ca khúc trữ tình. Vì sao vậy?

- Trong một thời gian dài, tôi chọn sự tĩnh lặng để suy nghĩ kỹ về con đường vừa phù hợp với mình mà lại gần gũi khán giả hơn. Tôi quyết định sẽ hát những bản tình ca của Việt Nam theo một cách nhẹ nhàng, dễ nghe hơn. Những bản tình ca ấy rất đẹp, rất đặc trưng Việt Nam và có những giá trị nghệ thuật không thua kém thế giới. Ở trong nước, tôi cũng đã có một lượng nhất định khán giả quen thuộc với Tố Loan của opera. Thế nên, tôi muốn thử nghiệm một màu sắc khác trong âm nhạc. Đó cũng là cách tôi khám phá thế giới của mình thay vì đóng khung bản thân trong một khuôn khổ âm nhạc. Trước kia, tôi vẫn hát nhạc nhẹ, ca khúc mang âm hưởng dân gian mà ta hay gọi là "dân gian đương đại", rồi dân ca... Khán giả rất thích nghe tôi hát Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý), Bài ca hy vọng (Văn Ký), Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh)... Tôi muốn xây dựng hình ảnh một nghệ sĩ đa màu sắc.

- Chị đang muốn mở rộng biên độ khán giả của mình?

- ... Nhưng đó không phải là con đường thỏa hiệp, chiều theo thị hiếu của khán giả mà là con đường của những sáng tạo mới, không ngừng khám phá những vỉa tầng cảm xúc trong tâm hồn mình (cười). Dự án album mới của tôi gồm các ca khúc đa dạng thể loại, như nhạc nhẹ, bán cổ điển (semi-classic) hoặc "dân gian đương đại" nhưng tất cả cũng đều đi từ nền tảng của âm nhạc cổ điển. Chính vì vậy, không có gì khó khăn với tôi để cân bằng giữa con đường của opera và hướng thử thách lần này. Tôi đã và đang tự khám phá tiếng hát của chính mình và thấy mình thật sự có thể làm được nhiều thứ hơn với âm nhạc.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Nghệ sĩ Đào Tố Loan là giọng nữ cao (soprano) nổi bật của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Chị tốt nghiệp bộ môn opera tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam năm 2014. Chị đã được nhận nhiều học bổng ngắn hạn về opera tại CHLB Đức, Na Uy, CH Áo.

Tố Loan thành công với nhiều vai diễn chính trong các vở opera nổi tiếng của Nhà hát, như Cô Sao, Người tạc tượng, Lá đỏ... Chị giành được nhiều giải thưởng opera trong và ngoài nước, như: giải Nhất cuộc thi Lyric Opera tại Singapore năm 2018, giải Nhì cuộc thi Âm nhạc mùa Thu (Việt Nam) và giải Ba - bảng chuyên nghiệp cuộc thi âm nhạc quốc tế MAP (MAP-IMC) năm 2019, giải Quán quân - dòng Thính phòng trong cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Sao Mai điểm hẹn, năm 2011.