“Mòng biển” tung cánh

Hiên ngang trên ngôi vị thứ 2 Premier League (chỉ sau Man City) với 6 điểm và 2 trận toàn thắng, CLB Brighton tiếp tục là làn gió mới làm giải Ngoại hạng Anh thêm hấp dẫn. Những gì họ thể hiện là thành quả của tư duy nhất quán về xây dựng lối chơi, phong cách, thứ mà tiền nhiều đôi khi cũng không mua được.
Niềm vui của các cầu thủ Brighton khi ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 trước Man United.
Niềm vui của các cầu thủ Brighton khi ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 trước Man United.

Brighton chẳng phải “khách quen” với những người xem bóng đá Anh lâu năm. Từng có thời gian rất dài ngụp lặn ở các giải hạng dưới, mãi đến năm 2017, Brighton mới giành suất lên chơi ở Premier League sau hơn 30 năm chờ đợi. Từ đó đến nay, họ không những bám trụ thành công tại đấu trường đỉnh cao này, mà còn có nhiều thời điểm gây ấn tượng mạnh với giới mộ điệu.

Mùa 2021-2022, dưới sự dẫn dắt của Graham Potter, Brighton “gây sốt” với lối pressing tầm cao, phối hợp nhỏ gắn bó. Vì vậy, Potter bị Chelsea “cuỗm” mất, để lại chiếc ghế cho Roberto De Zerbi. Chiến lược gia người Italia thậm chí còn làm tốt hơn người tiền nhiệm, đưa Brighton lên vị trí thứ 6, giành vé dự Europa League mùa 2022-2023. Hình ảnh đặc trưng thời De Zerbi là động tác “mời gọi” đối thủ áp sát của thủ môn và các hậu vệ.

Năm trước, Brighton khởi đầu mùa giải với phong độ cực cao, nhưng sau đó sa sút dần khi De Zerbi nảy sinh mâu thuẫn với ban lãnh đạo. Đến hè này, “Mòng biển” quyết định để De Zerbi đến Marseille và táo bạo bổ nhiệm HLV mới 31 tuổi, Fabian Hurzeler.

Qua 2 trận đầu mùa, mọi nghi ngại về sự “non trẻ” của Hurzeler đã tan biến. Không chỉ là các kết quả 3-0 trước Everton hay 2-1 trước Man United, điều khiến các CĐV Brighton vui hơn cả là đội bóng của họ vẫn giữ được “chất” riêng, với khả năng triển khai bóng từ sân nhà tự tin, mạch lạc.

Đặt trong bối cảnh những năm qua, “Mòng biển” liên tục phải thay HLV và bán đi hàng loạt trụ cột (Trossard, Caicedo, Mac Allister, Robert Sanchez…), những gì Brighton làm được thật sự khiến nhiều CLB khác phải ghen tị. Chẳng nói đâu xa, Man United là một thí dụ. Trong 3 năm, họ tiêu tốn hơn 700 triệu bảng cho Erik Ten Hag, “Hà Lan hóa” CLB từ băng ghế huấn luyện đến đội hình, nhưng nay vẫn loay hoay đi tìm cách đá.

Nếu so tiềm lực tài chính, Brighton chỉ là “tí hon” trước United. Để dễ hình dung, “Quỷ đỏ” hiện có 15 cầu thủ hưởng lương hơn 100.000 bảng/tuần, trong đó cao nhất là Casemiro (350.000 bảng/tuần), Bruno và Rasford (cùng 300.000 bảng/tuần). Còn Brighton, đỉnh quỹ lương của họ chỉ là 80.000 bảng/tuần dành cho Kaoru Mitoma, còn lại phổ biến ở mức 30.000-50.000 bảng/tuần.

Người ta nói nhiều đến pha bóng thiếu may mắn của Garnacho trước Brighton, mà quên mất việc “Mòng biển” đã chơi hay và giành chiến thắng xứng đáng thế nào. Đó là khoảng cách muôn thuở về độ “hút” truyền thông giữa các CLB lớn và nhỏ. Nhưng ngược lại, Brighton đang có một thứ “hơn đứt” United: Sự nhất quán về tư duy thượng tầng để định hình phong cách, lối chơi.

Brighton là minh chứng cho thấy một CLB tầm trung vẫn có thể chơi đẹp mắt, ấn tượng, bất chấp việc phải “liệu cơm, gắp mắm”. “Mòng biển” đã tung cánh và trở thành hiện tượng thú vị của Premier League mùa này.