Mơ Nha Trang trở lại thời biển xanh

Thời gian qua, nhiều người yêu biển lo lắng nghe tin “Khu bảo tồn biển Hòn Mun” trong vịnh Nha Trang bị xâm hại. Tình trạng ảnh hưởng, mai một đáng lo đến mức chính quyền tỉnh Khánh Hòa phải cho điều tra và quyết định tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển ở đây từ cuối tháng 6.
0:00 / 0:00
0:00
Cá rạn san hô Hòn Mun. Ảnh: PHẠM HUY TRUNG
Cá rạn san hô Hòn Mun. Ảnh: PHẠM HUY TRUNG

Những phát hiện “lộng lẫy”

Theo ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng ban Quản lý vịnh cho biết, theo quyết định của tỉnh Khánh Hòa từ ngày 27/6, tạm dừng hoàn toàn việc du lịch lặn biển ở khu bảo tồn Hòn Mun. Như vậy, một lần nữa Nha Trang đang suy giảm dần đi quần thể di sản thiên nhiên biển vô cùng quý giá của mình. Với những người sống ở đây, nhất là các nhà khoa học về biển đều cảm thấy chạnh lòng. Bởi họ đã chứng kiến một thời chưa xa, đáy biển Nha Trang chỗ nào cũng đẹp, cũng lung linh như thủy cung, đó là những quần thể san hô đa dạng nhất Việt Nam.

PGS, TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Hải dương học Nha Trang kể lại, đầu thập niên 80 thế kỷ trước, các nhà khoa học Liên Xô (trước đây) mà cụ thể là Viện Sinh vật biển Viễn Đông đã giúp Viện Hải dương học Nha Trang khảo sát biển Việt Nam trong đó có Nha Trang. Các nhà khoa học hai bên đều đánh giá biển Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung thật sự có những quần thể động thực vật vô cùng phong phú. Trong đó, đặc biệt là hệ sinh thái san hô. Từ đó, họ thực hiện những bản đề án để bảo tồn, khai thác du lịch. Nhưng do hoàn cảnh sau chiến tranh còn khó khăn nên cơ bản chỉ làm công tác nghiên cứu. Chỉ tới năm đầu thập niên 90 khi có WWF - Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tham gia thì thật sự khởi sắc.

PGS, TS Võ Sỹ Tuấn, nguyên Viện trưởng Hải dương học Nha Trang, người được tham gia những dự án khởi đầu của WWF vào năm 1993, 1994 cho biết, khi khảo sát toàn bộ các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo của Việt Nam thì các nhà khoa học thấy rằng, có tới 16 nơi thuộc diện cần bảo tồn như: Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm, Ninh Thuận… Riêng với Khánh Hòa thì vô cùng đặc sắc. Ban đầu dự tính thí điểm làm “công viên biển” (tên gọi tạm ban đầu của Khu bảo tồn biển) ở Bãi Tiên - Hòn Rùa. Đây là vùng biển ven bờ ở phía bắc vịnh Nha Trang, cách trung tâm chừng 5km vô cùng hoang sơ. Bãi Tiên - Hòn Rùa và cả Bãi Cạn gần đó có quần thể san hô và thủy sinh rất phong phú. Tuy nhiên, theo TS Tuấn thì khảo sát thêm, các nhà khoa học nhận ra Hòn Mun còn tuyệt vời đa dạng hơn so Bãi Tiên - Hòn Rùa. Các nhà khoa học đánh giá biển Hòn Mun tuy diện tích rạn san hô nơi đây nhỏ hơn ở Côn Đảo nhưng tính đa dạng chủng loại san hô thì lớn hơn rất nhiều.

Sau này khi hoàn chỉnh khảo sát tổng thể, đã có kết luận san hô ở Hòn Mun chiếm tới 40% loài san hô của Việt Nam (khoảng 1.500 loài, trong đó có 450 loài được xếp vào quý hiếm). Từ đó, các chuyên gia đã lập dự án đề xuất Chính phủ quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Mun vào năm 2001. Tới năm 2004, đổi tên thành Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang với diện tích 160ha gồm 9 đảo và vùng nước chung quanh.

Theo PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam, một chuyên gia về biển, các nhà khoa học biển đánh giá Nha Trang là đỉnh của một “phụ tam giác san hô” Biển Đông với tâm là vùng biển quần đảo Trường Sa. Nên có thể nói Nha Trang - Hòn Mun là di sản có giá trị toàn cầu và khu vực.

Mơ Nha Trang trở lại thời biển xanh ảnh 1

Lặn biển Hòn Mun. Ảnh: PHẠM HUY TRUNG

Dừng ngay những vi phạm để có thể phục hồi!

Có một thực tế, trong khi Hòn Mun ở xa đất liền đang được xúc tiến thành Khu bảo tồn biển thì số phận của Bãi Tiên - Hòn Rùa gần như bị bỏ qua. Nhiều người dân khu Đường Đệ - Đồng Đế Nha Trang vẫn còn nhớ thời điểm những năm 1990, trước đó Bãi Tiên chạy dọc về nam tới biển Hòn Chồng, Hòn Đỏ như chốn thủy cung với tầng tầng lớp san hô ven bờ cùng nhiều loại thủy sản quý như tôm hùm, hải sâm, cua, ghẹ, cá rạn san hô… giống hệt như bãi san hô Hòn Yến ở Phú Yên hiện nay. Người dân có thể ra bắt hải sản hay thăm ngắm san hô. Nhưng sau đó, nạn đánh bắt bằng mìn và chất độc xyanua diễn ra dữ dội suốt một thời gian dài đã phá hủy hoàn toàn quần thể sinh vật biển ở Bãi Tiên - Hòn Rùa. Tiếp theo đó là việc mở đường ra mũi Kê Gà, đào núi lấp biển làm du lịch đã xóa sổ hoàn toàn Bãi Tiên thơ mộng một thời. Rất đáng tiếc khi địa danh này đã không còn trên thực tế.

Cùng thời điểm đó, nhiều nơi có quần thể có sinh cảnh như Hòn Mun, Bãi Tiên - Hòn Rùa như Rạn Trào ở vịnh Vân Phong (cách Nha Trang 60km về phía bắc), Vịnh Nha Phu (cách Nha Trang 15km), Bãi Cạn ở gần Hòn Rùa hay biển Thủy Triều (Cam Lâm), Bình Ba (Cam Ranh) đều bị ảnh hưởng do nạn đánh bắt bằng lưới cào, thuốc nổ, chất độc…, gây ảnh hưởng nặng nề, dần dẫn đến suy kiệt.

Như vậy chỉ chưa đầy 30 năm, hầu hết các quần thể đáy biển ở Khánh Hòa nói chung và Nha Trang đều bị xâm hại, có chỗ bị hủy diệt. Từ chỗ được mệnh danh là “Nha Trang cẩm tú” đến thực trạng như hiện nay là điều đáng tiếc! Vậy nguyên nhân vì sao hệ sinh thái biển, trong đó có san hô cùng các sinh vật biển ở Hòn Mun bị suy giảm và có phần bị tàn phá?

Theo TS Võ Sỹ Tuấn, đây là quá trình dài nhiều năm chứ không phải tức thời. Từ năm 2000 đã bắt đầu ghi nhận có suy thoái san hô. Đó là: do khai thác đánh bắt thủy sản trái phép, du lịch nóng, nuôi trồng thủy sản ồ ạt cộng thêm các công trình xây dựng ven bờ, trên đảo. Cùng với đó, là gia tăng chất lơ lửng làm lắng đọng trầm tích đáy biển; nhiệt độ nước biển tăng. Từ đó, dẫn đến hiện tượng “tẩy trắng san hô” (thuật ngữ khoa học) làm mất tái tạo cộng sinh trong san hô. TS Tuấn nhấn mạnh, hiện tượng này kéo dài, khả năng chống chịu kém thì san hô sẽ chết. Cộng thêm những cơn bão các năm 2012, 2017, 2019 tàn phá. Mà san hô là sinh vật vô cùng nhạy cảm với môi trường và thiên nhiên cùng tác động do con người.

Vậy để có thể phục hồi được sinh cảnh của đáy biển Nha Trang, trong đó có khu bảo tồn biển Hòn Mun không? PGS, TSKH Nguyễn Tác An cho rằng, phải điều chỉnh dần. Trước hết phải ngăn chặn những nguyên nhân do con người tạo nên như xây dựng lấn biển, xả rác vì nó sẽ tạo những chất lắng đọng trầm tích đáy biển như đã nói. Tiếp đó phải bảo vệ nghiêm ngặt xâm hại do đánh bắt và du lịch thiếu ý thức làm gãy, vỡ san hô… Rồi tiến tới trồng lại san hô, cỏ biển. TS Tuấn cho rằng, bản thân thiên nhiên luôn có sự điều chỉnh trong các hoàn cảnh nhất định, nhưng cũng có giới hạn, phải tạo điều kiện cho nó tự chữa lành vết thương, tiến tới phát triển.

Như vậy, hành trình “trở lại biển xanh” với Hòn Mun và Nha Trang thật gian nan nhưng không có nghĩa là không làm được.

Còn theo TS Hoàng Thị Thùy Dương, Phó Viện trưởng Sinh thái nhiệt đới - Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga nhân cuộc giao lưu “Khát vọng đại dương xanh” cuối tháng 6 vừa qua, thì muốn hệ sinh thái biển được an bình, phát triển, cần bảo vệ hệ sinh rừng ven biển - thảm cỏ biển và rạn san hô bằng việc bồi đắp, tạo sinh cho chúng phát triển tự nhiên.