Mô hình phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo

Phản ánh hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trên cả nước dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương do Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai từ năm 2023 cho thấy rõ những điểm mạnh, điểm yếu để các địa phương nỗ lực phấn đấu.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp khuyến khích những ý tưởng đổi mới sáng tạo. Ảnh: NGUYỄN NAM
Nhiều doanh nghiệp khuyến khích những ý tưởng đổi mới sáng tạo. Ảnh: NGUYỄN NAM

Tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội, kỹ sư Trần Quang Ân không lựa chọn trở về quê lập nghiệp. Anh quyết định đầu quân cho một doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại Thủ đô. Với anh, Hà Nội là nơi tốt nhất để có thể trau dồi và phát huy được năng lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã được đào tạo bài bản của mình. Kỹ sư Ân là một trong số 150 nhân lực một đơn vị tiên phong về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam. Nhanh chóng nắm bắt nhiều xu hướng mới của thế giới, mỗi năm đơn vị của anh cung cấp khoảng 3.000 giải pháp tự động hóa ứng dụng AI, 3.200 trợ lý ảo (Chatbot), phục vụ hơn 200 triệu tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng mỗi tháng.

“Soi” mức độ đổi mới sáng tạo của địa phương

Không phải ngẫu nhiên, Hà Nội đã lọt tốp 200 thành phố đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đặc biệt, trong công bố mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 với 62,86 điểm, đứng đầu ở cả xếp hạng đầu vào và đầu ra đổi mới sáng tạo nhờ dẫn đầu 14/52 chỉ số thành phần.

Ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, trong số các chỉ số thành phần, Hà Nội có lợi thế về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo như: Nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học - công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp hay các tác động đến kinh tế - xã hội như chỉ số phát triển con người. Hà Nội có những số liệu vượt trội so với các tỉnh, thành phố khác.

Cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng cũng là những ngôi sao về đổi mới sáng tạo với nét nổi bật về nhân lực, mức chi đầu tư cùng thể chế, chính sách ưu đãi. Điểm chung của các địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương là có quy mô lớn, có kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người cao, hạ tầng hoàn thiện, vốn con người cùng số lượng doanh nghiệp dồi dào.

Thực tế, một nửa trong số này là thành phố trực thuộc T.Ư (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) - khu vực quan trọng về quân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế. Số còn lại là địa phương có công nghiệp phát triển - nơi thu hút, tập trung các khu công nghiệp lớn của cả nước. Vì thế, các chính sách hỗ trợ thông thoáng, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi sự, đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, xét theo đặc thù, mỗi địa phương có điểm nhấn riêng khi được đo đếm bằng PII. Đơn cử, Thủ đô xác định phát triển khoa học - công nghệ, gồm hệ sinh thái khởi nghiệp, là một trong những đột phá để đưa nơi đây thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu vào năm 2025 và đón dòng vốn từ lĩnh vực bán dẫn. Vì vậy, Hà Nội đạt điểm tuyệt đối ở các cấu phần về nhân lực nghiên cứu phát triển, cũng như mức chi cho hoạt động này. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo tại đây cũng đạt 100 điểm. Ở đầu ra, số lượng tài sản trí tuệ (bằng sáng chế, giải pháp hữu ích) thuộc nhóm dẫn đầu cả nước...

Còn TP Hồ Chí Minh ghi nhận điểm số tuyệt đối ở chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạ tầng số và tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu, phát triển. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gần 2.000 startup, được đánh giá là năng động nhất cả nước. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, 95% số doanh nghiệp thuộc nhóm nhỏ, siêu nhỏ, cần các chính sách thúc đẩy tái khởi nghiệp. Vì vậy, ngoài cơ chế "ươm mầm" cho startup, thu hút đầu tư dự án lớn, một phần không nhỏ không gian chính sách, nguồn lực được thành phố này dồn cho doanh nghiệp, để họ tạo ra mô hình, cách tiếp cận phát triển mới.

Hay tại Hải Phòng, điểm nhấn của địa phương nằm ở chính sách thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo cho phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố cũng được đánh giá cao về cải cách hành chính, vốn lao động. Giáo dục, khoa học - công nghệ là những lĩnh vực được chú trọng đầu tư, phát triển. Ông Cường nói, việc chi cho các đề tài nghiên cứu được đẩy "đến ngưỡng", không còn tình trạng "đầu tư cầm chừng, nhỏ giọt như trước".

Để đáp ứng nguồn nhân lực, với 1,2 triệu lao động, lãnh đạo Hải Phòng cho hay kinh nghiệm của họ là đào tạo theo nhu cầu của nhà đầu tư và sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được sắp xếp và gắn kết với doanh nghiệp; mở rộng danh mục đào tạo các ngành trọng điểm (điện - điện tử, cơ khí, đóng tàu, hàng hải, logistics)...

Nhờ chuyển biến này, năm ngoái, tỷ trọng đóng góp năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt hơn 43%, tăng 10% so với hồi 2015. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị cũng cao hơn gần 5% so với 10 năm trước. GRDP của Hải Phòng hiện gần 17 tỷ USD, gấp 4 lần thời điểm 2015 và đứng thứ 5 trên 53 địa phương.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) nhìn nhận, đặt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với đòi hỏi cấp bách về đổi mới sáng tạo, còn quỹ thời gian tận dụng những lợi thế sẵn có, thí dụ dân số vàng, ngày càng ngắn, Chỉ số PII là công cụ rất hữu ích. "Một bộ đo đếm mới sẽ giúp các địa phương có động lực lớn hơn cho hành động".

Mô hình phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo ảnh 1

Người dân làm thủ tục hành chính tại địa phương qua cổng dịch vụ công. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Thứ hạng không phải là đích đến

Chỉ số PII đã trở thành mối quan tâm của nhiều địa phương. Ông Nguyễn Võ Hưng, Trưởng ban Chính sách đổi mới sáng tạo, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho biết, ngay cả những địa phương đứng đầu cũng cần phải thẳng thắn nhìn ra những điểm yếu của mình.

Ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đánh giá, Thủ đô có 11 chỉ số thuộc nhóm 20 địa phương đứng cuối cả nước, bao gồm: thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; chi phí gia nhập thị trường; tỷ lệ % chi cho khoa học và công nghệ/GRDP; tính năng động của chính quyền địa phương; quản trị môi trường; chỉ dẫn địa lý đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ/tổng số xã... Chính vì vậy, thành phố còn rất nhiều việc phải làm.

Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho rằng, quan trọng không phải là điểm số hay thứ hạng mà chính là việc nhìn nhận được những điểm yếu của địa phương mình. Kết quả công bố PII 2023 cho thấy điểm yếu của Hải Phòng là số bằng sáng chế ít, trích dẫn quốc tế thấp…

Để khắc phục những vấn đề này, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng thông tin cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ nâng cao chất lượng nhân lực nghiên cứu và phát triển, xây dựng thương hiệu, cụm công nghiệp công nghệ cao và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp.

Theo TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện Việt Nam có rất nhiều bộ chỉ số đánh giá về cải cách hành chính, chuyển đổi số… Tuy nhiên Chỉ số PII mang tính chất bao trùm và khá toàn diện bám theo mô hình phát triển của mỗi địa phương. Đặc biệt cách tính toán đều dựa trên số liệu thống kê của từng địa phương và bám theo phương pháp của Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).