Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp ô-tô

Chỉ có số ít nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô-tô tại Việt Nam. Trong khi Thailand có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và 3 thì Việt Nam lần lượt tương ứng chỉ có chưa đến 100 và 150.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sản xuất ô-tô trong nước hầu như mới chỉ ở mức độ lắp ráp. Ảnh: NAM ANH
Hoạt động sản xuất ô-tô trong nước hầu như mới chỉ ở mức độ lắp ráp. Ảnh: NAM ANH

Ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước xuất khẩu sang các nước ASEAN gần như không có khả năng cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm sản xuất tại quốc gia đó. Một trong những nguyên nhân căn bản của vấn đề này nằm ở ngành công nghiệp hỗ trợ ô-tô vẫn chưa phát huy được vai trò một cách hiệu quả.

Mối lo tỷ lệ nội địa hóa

Nguyên nhân chính, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các quốc gia trong khối có tỷ lệ nội địa hóa hơn 40% sẽ được miễn thuế nhập khẩu khi cập bến Việt Nam. Ngược lại, nhiều mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước, do tỷ lệ nội địa hóa chỉ khoảng 10% - thấp hơn nhiều so với quy định, nên khi xuất khẩu sang các nước ASEAN vẫn chịu thuế nhập khẩu.

Bên cạnh đó, việc phải nhập khẩu phần lớn linh kiện đã dẫn đến giá thành một chiếc ô-tô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam cao hơn khoảng 20% so các nước trong khu vực.

Bao quát hơn của vấn đề, là sức đóng góp và phát triển của công nghiệp hỗ trợ đối với dòng chảy ngành công nghiệp ô-tô thời gian qua. Thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia cung ứng các chi tiết rất nhỏ, giá trị thấp của một chiếc xe, tập trung vào lĩnh vực gia công, sơn hàn, nhựa và cao-su.

Điển hình, trong tổng số 2.000 - 3.000 linh kiện cấu thành một chiếc ô-tô, các nhà máy tại Việt Nam mới sản xuất được 256 linh kiện, phụ tùng ô-tô dưới 9 chỗ ngồi, 13 linh kiện, phụ tùng xe trên 9 chỗ và 18 linh kiện, phụ tùng xe ô-tô tải. Đáng chú ý, trong danh mục sản phẩm cũng không có sản phẩm nào thuộc các bộ phận quan trọng như hệ thống truyền động, hộp số, động cơ.

Thay vào đó, các nhóm sản phẩm được nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sản xuất, cung ứng là ắc-quy, ba-đờ-sốc, lốp xe, giá đỡ, băng keo, miếng đệm, thảm lót. Hầu hết các sản phẩm liên quan đến công nghệ cơ khí, công nghệ phần mềm, hệ thống truyền động đều phải nhập ngoại.

Đây cũng là một trong số những hạn chế của ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam hiện tại. Bộ Công thương cho biết, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô chưa đáp ứng được yêu cầu của phía sản xuất và lắp ráp, cũng như chưa tham gia nhiều vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu trong ngành ô-tô.

Hoạt động sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước hầu như mới chỉ ở mức độ lắp ráp đơn giản, chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp sản xuất - lắp ráp và sản xuất phụ tùng, linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Để làm ra được một chiếc ô-tô phải cần từ 30.000 - 40.000 chi tiết, linh kiện khác nhau. Vì vậy, ngành công nghiệp ô-tô cần sự hợp tác của rất nhiều ngành công nghiệp khác như: Cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp hóa chất... Song việc liên kết giữa các ngành sản xuất còn lỏng lẻo, chưa có sự kết hợp chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao.

Đến nay, theo Bộ Công thương, chỉ có số ít nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô-tô tại Việt Nam. Trong khi Thailand có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và 3 thì Việt Nam lần lượt tương ứng chỉ có chưa đến 100 và 150.

Ngoài ra, hiện nay Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu để cung cấp các loại vật liệu này. Theo Bộ Công thương, khoảng 80-90% nguyên liệu chính như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao-su kỹ thuật phải nhập khẩu, hay thậm chí cả vật liệu làm khuôn mẫu cũng phải nhập khẩu.

Mỗi năm, các doanh nghiệp phải chi khoảng hơn 5 tỷ USD để nhập khẩu linh kiện và phụ tùng phục vụ sản xuất, lắp ráp và sửa chữa xe. Điều này làm giảm tính chủ động trong quá trình sản xuất, làm tăng chi phí sản xuất - qua đó giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô-tô.

Xuất khẩu khó đủ đường

Bộ Công thương đánh giá, năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp xuất khẩu ô-tô của Việt Nam còn hạn chế. Hiện tại, các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, phụ tùng về lắp ráp với giá tương tự như mua ở nước ngoài nhưng chi phí logistics, thuế nhập khẩu, lưu kho tại Việt Nam khiến giá thành sẽ cao hơn so với các nước.

Trong khi chi phí sản xuất ở nước ngoài rẻ hơn (nhờ dây chuyền sản xuất lớn sẵn có, chi phí khấu hao trên từng sản phẩm cao) tạo điều kiện để giảm giá thành sản phẩm. Do đó, vấn đề sản xuất trong nước, làm chủ công nghệ, chủ động nguồn cung để có giá thành cạnh tranh khi xuất khẩu ra thế giới là bài toán không hề dễ trong bối cảnh hiện tại.

Bên cạnh đó, là vấn đề vượt qua các rào cản về kỹ thuật khi Việt Nam thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại đã ký kết của sản phẩm và doanh nghiệp xuất khẩu ô-tô của Việt Nam còn hạn chế, chưa tận dụng được các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) với cam kết EU sẽ mở cửa thị trường ô-tô cho Việt Nam.

Theo đó, ô-tô con thuộc nhóm đang hưởng thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) 10% sẽ giảm về 0% sau 7 năm, còn linh kiện ô-tô có thuế nhập khẩu từ 3 - 4% sẽ được cắt bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Có thể nói, EVFTA vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn cho doanh nghiệp Việt khi không chỉ tạo cơ hội cho việc nhập khẩu ô-tô về Việt Nam mà còn mở đường cho xe lắp ráp xuất khẩu sang EU. Những chiếc ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng sẽ hưởng thuế xuất khẩu bằng 0% nếu đạt được tỷ lệ nội địa hóa theo quy định.

Đồng thời, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu ô-tô từ ASEAN về Việt Nam sẽ xuống mức 0% (với xe có tỷ lệ nội địa hóa trong khối từ 40% trở lên) từ ngày 1/1/2018. Theo đó, các mẫu ô-tô nhập khẩu từ Thailand, Indonesia hay Malaysia sẽ có thuế nhập khẩu giảm về 0% với những mẫu xe đạt tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong khối từ 40% trở lên.

Tuy nhiên, thực tế các hãng xe trong nước khó khăn trong xuất khẩu khi chưa đáp ứng được những yêu cầu trên.

Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào sản xuất lắp ráp ô-tô còn rất ít. Theo số liệu của Cục Công nghiệp, với dòng xe cá nhân, hiện mới có chưa tới 80 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, cung cấp cho 10 nhà sản xuất gốc, trong đó, có 18 nhà cung cấp cấp 1 và 58 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3.

Con số này quá nhỏ bé nếu so với gần 2.000 nhà sản xuất linh kiện tại Thailand và 1.000 tại Indonesia. Không những vậy, linh kiện của các nhà sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các cụm chi tiết đơn giản, cồng kềnh như: khung ghế, ắc-quy, chi tiết nhựa cỡ lớn.

Chuỗi giá trị ngành ô-tô nằm ở hai phần: Hạ nguồn gồm các khâu thiết kế, sản xuất linh kiện, phụ tùng cấp 1, cấp 2…, ước tính chiếm gần 60% giá trị thành phẩm xe, khâu này các doanh nghiệp ô-tô nội địa Việt Nam hoàn toàn bị động.

Thượng nguồn gồm lắp ráp, phân phối, bán hàng và chăm sóc khách hàng (vỏ xe, lắp ráp, sơn, hoàn thiện…), chỉ đóng góp khoảng 15% tổng giá trị xe, thì đây chính là khâu các doanh nghiệp Việt Nam đang làm.