Doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh

Cơn bão số 3 được cho rằng mạnh nhất trong vòng 30 năm qua đã đổ bộ trực tiếp vào miền bắc với cường độ mạnh giật lên cấp 17, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và tại các khu công nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV gia cố, chằng néo cầu trục tại khu vực cảng Cửa Ông. Ảnh: TƯ LIỆU VINACOMIN.VN
Công nhân Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV gia cố, chằng néo cầu trục tại khu vực cảng Cửa Ông. Ảnh: TƯ LIỆU VINACOMIN.VN

Chưa ước tính được thiệt hại

Theo thông tin từ Tập đoàn Masan, hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+/WiN tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lũ đang đối mặt với nhiều khó khăn về thiệt hại cơ sở vật chất và hàng hóa. Theo thống kê sơ bộ đến thời điểm này, gần 700 cửa hàng của hệ thống tại miền bắc bị thiệt hại, nặng nhất là hư hỏng hàng hóa do ngập nước/cúp điện kéo dài, các tài sản như tủ đông, tủ mát, máy tính... bị ngâm nước. Tất cả 4 nông trại WinEco tại miền bắc, bao gồm Hà Nam, Quảng Ninh, Tam Đảo và Hải Phòng đã bị tàn phá hoàn toàn, đồng ruộng bị ngập úng, các nhà vườn đều bị sập, tốc mái và gần như mất trắng sản lượng.

Tại khu công nghiệp, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cũng cho biết, dù chưa ước tính được thiệt hại, song phần lớn những doanh nghiệp đều có chung một tình trạng là hiện tượng tốc mái nhà xưởng, các khu văn phòng, mất điện, mất nước, gián đoạn hoạt động sản xuất. “Thậm chí, có doanh nghiệp phải sửa chữa lại toàn bộ cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, có thể mất 2-3 tháng khôi phục và có những nhà xưởng bị nặng nề hơn dự tính đến cuối năm mới khôi phục được sản xuất”, bà Hoàn quan ngại.

Còn theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, trước khi cơn bão diễn ra, các nhà máy của các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã có sự phòng chống kỹ lưỡng. Vì vậy, những thiệt hại trực tiếp là tương đối hạn chế, phần lớn là đổ tường và tốc mái. Tuy vậy, tại thành phố Hải Phòng, nhiều khu vực bị cắt điện để bảo đảm an toàn hoặc do sự cố đã gây thiệt hại lớn đến các nhà máy, đặc biệt là dây chuyền sản xuất chip. Còn tại tỉnh Phú Thọ và tỉnh Thái Nguyên, do lũ lụt diễn ra rộng khắp nên người lao động không thể đi làm khiến các nhà máy lâm vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng.

“Hiện chúng tôi đang nỗ lực phục hồi một cách nhanh chóng, nếu tình hình không mưa nữa thì tương đối ổn. Nhưng hiện tại, mưa vẫn đang nhiều, các nhà máy sẽ tiếp tục gặp khó khăn”, ông Hong Sun quan ngại.

95% số doanh nghiệp đã hoạt động trở lại

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, về thiệt hại chung, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đều có cây xanh bị gãy đổ, nơi thiệt hại cao nhất lên tới 90% và thiệt hại thấp nhất là 30%. Một số điểm bị ngập lụt cục bộ trong bão. Nhiều doanh nghiệp bị tốc mái, một số tường bị xé đổ, cổng hàng rào, biển báo, hệ thống camera, nhà xe, cửa tôn kéo bị lật, nước tràn vào nhà xưởng song không ghi nhận thiệt hại về người. Tuy vậy, ngay sau bão số 3, thành phố Hải Phòng đã huy động mọi nguồn lực với quyết tâm cao nhất để khắc phục hậu quả; đặc biệt là cố gắng khôi phục sớm nhất việc giải tỏa giao thông, cấp điện, nước sạch trở lại sớm, ổn định mạng viễn thông, vệ sinh môi trường… Trong đó, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp là một trong những đối tượng được thành phố quan tâm tập trung sớm cấp điện, nước và mạng viễn thông trở lại để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm các đơn hàng đã ký cũng như bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thị trường toàn cầu...

Tính đến ngày 9/9, hầu hết các khu công nghiệp và doanh nghiệp trong đó đã được cung ứng điện, nước sạch và mạng viễn thông cũng được khôi phục cơ bản. Tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục hậu quả của bão và khoảng 95% số doanh nghiệp đã hoạt động trở lại từ ngày 10/9. “Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, trong thẩm quyền được phép, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ sẵn sàng hỗ trợ tháo gỡ kịp thời. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền cao hơn, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ trực tiếp báo cáo để lãnh đạo thành phố chỉ đạo các ngành hỗ trợ doanh nghiệp nhanh, thuận lợi nhất”, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng nêu rõ.

Đánh giá cao nỗ lực này, ông Hong Sun cũng cho biết, tại Hải Phòng, ngay sau khi bão đi qua, chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai công tác khắc phục hậu quả, đặc biệt là phục hồi nguồn điện. Do đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Hàn Quốc như LG đang dần phục hồi quá trình sản xuất. Tuy vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cố gắng nhanh chóng hồi phục sớm về cơ sở hạ tầng để thuận tiện đi lại, từ đó giúp tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ổn định trở lại.

Mới đây, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 943 của Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3. Theo quyết định này, 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 sẽ được chi hỗ trợ cho 5 địa phương để thực hiện khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho người dân sau cơn bão số 3. Trong đó, Nam Định 20 tỷ đồng, Thái Bình 30 tỷ đồng, Hải Dương 20 tỷ đồng, Yên Bái 20 tỷ đồng và Hưng Yên 10 tỷ đồng. Thủ tướng yêu cầu chính quyền 5 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Yên Bái, Hưng Yên có trách nhiệm phân bổ cụ thể và sử dụng số kinh phí được bổ sung bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, nguồn tiền hỗ trợ phải được sử dụng đúng mục đích sử dụng, tiết kiệm, hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Thủ tướng chỉ đạo các địa phương sử dụng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cùng với nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng đã báo cáo về việc hiện nay tự cân đối nguồn lực của địa phương để khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Do đó, ngân sách Trung ương sẽ xem xét, hỗ trợ khi các địa phương có đề xuất.

Các doanh nghiệp phía bắc nhìn chung đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp cố gắng chủ động khắc phục hậu quả và phục hồi sản xuất. Những tín hiệu ban đầu cho thấy sự khả quan, duy trì niềm tin tiếp tục giữ được đà tăng trưởng, bất chấp khó khăn.