Tiềm năng xuất khẩu bánh trung thu

Là đặc sản của nhiều quốc gia châu Á, bánh trung thu vẫn được ưa chuộng tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đây là cơ hội để khai thác thị trường xuất khẩu cho nhiều doanh nghiệp Việt.
Làng nghề chuyên sản xuất các loại bánh trung thu truyền thống. Ảnh: NGUYỆT ANH
Làng nghề chuyên sản xuất các loại bánh trung thu truyền thống. Ảnh: NGUYỆT ANH

Câu chuyện xuất khẩu luôn là một bài toán khó mà nhiều doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam nói chung, ngành hàng bánh kẹo nói riêng vẫn đang dè chừng bởi những tiêu chí nhập khẩu khắt khe của nhiều quốc gia. Với mặt hàng bánh trung thu thì tiêu chí nhập khẩu lại càng trở nên khắt khe hơn. Tuy vậy, nhiều thương hiệu bánh kẹo Việt đã và đang xuất khẩu sản phẩm này đến nhiều thị trường khó tính, trong đó có Mỹ.

Tìm tòi khẩu vị chinh phục thị trường khó tính

Trước mỗi dịp Trung thu, bên cạnh việc tìm kiếm và sáng tạo các loại bánh mới để phục vụ thị trường trong nước, Công ty CP Bánh kẹo Á châu ABC cũng rất bận rộn với những lô hàng bánh xuất khẩu.

Nhớ lại lô hàng hơn 60.000 bánh trung thu cao cấp đầu tiên được xuất khẩu thành công sang Mỹ vào năm 2018, ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc công ty cho biết, đây không chỉ đơn thuần là một cú huých của doanh nghiệp mà còn là mở đầu cho sự thay đổi về thị hiếu và suy nghĩ của người tiêu dùng "xứ cờ hoa".

Các năm trước, bánh trung thu “made in Vietnam” có mặt tại thị trường này chủ yếu là dòng bánh giá rẻ. Điều này khiến người tiêu dùng Mỹ suy nghĩ mặc định bánh Việt Nam là loại bình dân, chuyên bán ở quầy “buy 1 get 1 free”. Trong khi đó, bánh của Hồng Công (Trung Quốc), Malaysia, Singapore… luôn được đánh giá cao hơn.

“Khi tôi gửi những chiếc bánh trung thu nhân ngọt đầu tiên để họ dùng thử. Đây là dòng cao cấp mới. Họ bất ngờ về chất lượng nên thúc giục tôi làm thủ tục để xuất khẩu”, ông Lực nói.

Từ sự đón nhận tích cực của người tiêu dùng, đặc biệt là người gốc Á, mỗi năm doanh nghiêp đều liên tục tăng sản lượng. Để đáp ứng khẩu vị người tiêu dùng, đưa dòng bánh truyền thống Á Đông đến với "xứ cờ hoa", theo doanh nghiệp, yếu tố quan trọng nhất chính là việc biến tấu sản phẩm theo khẩu vị của người tiêu dùng bản địa.

Ông Kao Siêu Lực cho biết, người Mỹ không quen ăn trứng muối nên doanh nghiệp phải tìm thành phần khác, chẳng hạn như kem phô mai của Mỹ. Rồi rất nhiều thành phần khác như bột làm bánh, hạnh nhân… đều phải tìm kiếm những chủng loại mà người Mỹ ưa thích. Khi chiếc bánh hoàn thiện, họ chấp nhận mới có cơ hội mở rộng sản lượng dần.

Ngoài Mỹ, hiện nay bánh trung thu Việt đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang Thụy Điển, Singapore, Thailand… Trong đó nhiều tên tuổi lớn có lợi thế như Bibica, Mondelez Kinh Đô, Bảo Ngọc… Theo các doanh nghiệp, ngoài giá trị về ẩm thực, bánh trung thu còn là một sản phẩm về văn hóa. Chính vì vậy, bên cạnh yếu tố quan trọng nhất là khẩu vị thì việc thiết kế sao cho phù hợp với phong tục và văn hóa của quốc gia đó là rất quan trọng.

Tiềm năng vẫn rộng mở

Theo ông Joe Sowers, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lúa mì Mỹ đánh giá, nhiều người tiêu dùng rất thích thú với những sản phẩm bánh trung thu Việt Nam với nhiều hương vị đặc trưng. Nếu doanh nghiệp có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu từ chính quốc gia sở tại thì cơ hội có thể mở rộng hơn. Chẳng hạn như những sản phẩm lúa mì được trồng ở Bắc Dakota và Montana là các loại lúa mì phù hợp nhất để làm nguyên liệu cho bánh trung thu.

“Tôi nghĩ người tiêu dùng sẽ rất đón nhận những sản phẩm này. Cách họ thêm gia vị chế biến cũng rất phù hợp với người tiêu dùng Mỹ và nước Mỹ sẽ có thị trường cho sản phẩm này”, ông Sowers nói.

Theo các doanh nghiệp, mặc dù là sản phẩm tương đối đặc trưng, song bánh trung thu là một sản phẩm tiềm năng để xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp hiện đã khai thác khá tốt một số thị trường. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu cũng như mức độ tăng trưởng chưa được như kỳ vọng nếu so sánh với nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc… Điều này đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu bài hơn về khẩu vị, văn hóa, thị trường của người tiêu dùng.

Theo bà Alexis Taylor, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhiều mặt hàng bánh trung thu của Việt Nam đã có sự biến tấu rất phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng tại thị trường Mỹ. Đặc biệt, việc sử dụng các loại nông sản Mỹ như việt quất, hạnh nhân... tạo nên hương vị mới cho sản phẩm truyền thống.

“Người tiêu dùng tại Mỹ đã đón nhận khá tích cực những sản phẩm này. Nhưng các bạn biết đấy, để mở rộng thị trường cho bất kỳ sản phẩm nào, tôi nghĩ các doanh nghiệp nên đến tận nơi, tìm hiểu thị hiếu thị trường và văn hóa tiêu dùng, thì sẽ dễ dàng hơn”, bà Alexis Taylor góp ý.

Tiềm năng thị trường vẫn còn nhưng cũng không phải “dễ ăn” bởi ngoài khẩu vị, thì còn các tiêu chuẩn, rào cản khắt khe, chưa kể bánh trung thu thường có hạn sử dụng ngắn.

Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện đã ký kết và thực hiện nhiều FTA (hiệp định thương mại tự do) với các đối tác lớn như ASEAN, EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Điều này giúp giảm bớt rào cản thương mại, thuế quan và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất, nhập khẩu hàng hóa. Theo Bộ Công thương, FTA giúp giảm 85-90% thuế nhập khẩu cho các sản phẩm bánh kẹo Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam nói chung và bánh trung thu nói riêng mở rộng thị trường và tăng cường cạnh tranh.

Nếu đánh trúng kỳ vọng, nhu cầu người tiêu dùng, thì xuất khẩu bánh trung thu sẽ là một kênh hiệu quả song song với kênh nội địa, để hương vị truyền thống Việt Nam vươn ra thế giới.