Đây là một số nội dung đáng chú ý trong những kết luận chỉ đạo đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ do Thủ tướng chủ trì, về tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi diễn ra hôm 5/9 vừa qua.
Ưu tiên sản xuất trong nước
Thường trực Chính phủ đề nghị ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng điện đạt từ 12-15%, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân, nhất là cam kết với nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần đã cam kết là nhất định thực hiện.
Liên quan đến Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công thương tập trung, phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện, khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Thường trực Chính phủ lưu ý, Bộ Công thương cần rà soát các vướng mắc của pháp luật liên quan trong phát triển các dự án điện để nghiên cứu, đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nội dung vào dự án một luật sửa nhiều luật (như Luật Đầu tư, Đấu thầu, Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo, Xây dựng…).
Thường trực Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ dự thảo quyết định thành lập Tổ công tác do Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên làm Tổ trưởng và các ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm Tổ phó để rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện.
Trên cơ sở đó, Tổ công tác có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất các sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) với chất lượng cao nhất, hoàn thành trước ngày 20/9/2024 để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình một kỳ họp.
Về Đề án thí điểm điện gió ngoài khơi, Bộ Chính trị đã có chủ trương cho thí điểm sản xuất, xuất khẩu điện gió ngoài khơi tại Kết luận số 76-KL/TW năm 2024 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới.
Do đó, Thường trực Chính phủ đề nghị Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn xem xét giao ngay cho các đơn vị để triển khai. Đối với các vướng mắc pháp lý như quy định về sản lượng, chuyển giá, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào các dự án luật.
Thí điểm điện gió ngoài khơi, lợi thế thuộc về EVN?
Khoảng 4 tháng trước, trong các phương án lựa chọn giao triển khai điện gió ngoài khơi thí điểm, EVN được xem là ứng cử viên “sáng giá” theo luận giải của Bộ Công thương. Thời điểm đó, Bộ Công thương vừa hoàn thành dự thảo Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK) với thông tin toàn cảnh về khó khăn, vướng mắc, cơ chế giải quyết để triển khai hiệu quả các dự án trong Quy hoạch điện VIII.
Một trong những nội dung đáng chú ý là phương án lựa chọn nhà đầu tư thí điểm. Theo Bộ Công thương, do tồn tại những vướng mắc hiện hữu về khung pháp lý cho ĐGNK nên lựa chọn nhà đầu tư quốc tế sẽ đối diện nhiều khó khăn, phức tạp chưa lường hết.
Về việc giao cho các tập đoàn kinh tế nhà nước như PVN, EVN hoặc Bộ Quốc phòng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hồi tháng 3/2024, Bộ Công thương cũng đưa phân tích rất chi tiết.
Trong đó, phương án chọn PVN cần được đánh giá phù hợp với chủ trương của Đảng về định hướng ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn này. Cụ thể, Nghị quyết của Đảng chưa cho phép PVN được đầu tư ngoài ngành và ĐGNK. Thậm chí, thời gian qua PVN đã kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép đầu tư ĐGNK nhưng chưa được chấp thuận.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), kinh nghiệm chuyên môn của ngành công nghiệp dầu khí có thể chi phối 40-50% chi phí một dự án ĐGNK.
Bằng chứng, các nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực ĐGNK hầu hết đều là các tập đoàn dầu khí lớn, như: Equinor, Shell, Repsol, Total, BP, Chevron hay Petronas. Trong đó, có trường hợp như Orsted của Đan Mạch đã chuyển hoàn toàn sang các dự án năng lượng tái tạo. Equinor (Na Uy) đã giảm dần tỷ trọng dầu khí và tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo với gần 12.000 MW ĐGNK đang phát triển.
Trong khi đó, theo Bộ Công thương, với nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện, EVN sở hữu những lợi thế nhất định khi tận dụng kinh nghiệm, năng lực đã có trong triển khai ĐGNK.
Đồng thời, việc giao EVN đầu tư thí điểm cũng được cho là có ưu điểm nhất định do không phải tiến hành đàm phán giá điện. Nguyên nhân, EVN vừa là đơn vị mua điện vừa là đơn vị bán điện.
Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và tăng lên 70.000-91.500 MW vào năm 2050. Song hiện chưa có dự án nào được duyệt quyết định chủ trương, giao chủ đầu tư.