Lợi thế cạnh tranh từ nguồn nhân lực công nghệ cao

Tại Phiên họp thứ nhất của Tiểu ban Phát triển nhân lực, chủ đề “Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao” diễn ra chiều 27/9, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh và bền vững”.
Chuẩn bị nguồn nhân lực công nghệ cao để phát triển các lĩnh vực công nghệ then chốt.
Chuẩn bị nguồn nhân lực công nghệ cao để phát triển các lĩnh vực công nghệ then chốt.

Phát triển bền vững đất nước

Đây cũng là chủ trương lớn đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; là nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra trong nhiều chiến lược, quy hoạch, chương trình và đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Báo cáo về dự thảo “Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045” (Đề án) ông Đặng Văn Huấn, Giám đốc Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP) nhấn mạnh, Đề án nhằm chuẩn bị dồi dào nguồn nhân lực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, Toán), có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là đội ngũ nhân lực tài năng có khả năng tham gia sâu vào công đoạn nghiên cứu và phát triển trong một số lĩnh vực công nghệ then chốt.

Nguồn nhân lực công nghệ cao, nhất là đội ngũ đông đảo chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và vi mạch bán dẫn trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2025 - 2030 tỷ lệ người theo học các ngành STEM đạt 35% ở mỗi trình độ đào tạo. Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông đạt 80 nghìn người/năm; số người tốt nghiệp các chương trình chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo đạt 20 nghìn người/năm. Ở giai đoạn 2030 - 2035, mục tiêu cụ thể lần lượt là 40%; 100 nghìn người/năm và 30 nghìn người/năm.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án đến năm 2030 khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 16 nghìn tỷ đồng và nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 4 nghìn tỷ đồng. 25 cơ sở giáo dục ĐH công lập và 3 cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập được ưu tiên đề án đầu tư và triển khai chương trình đào tạo tài năng.

Theo ông Huấn, dự thảo Đề án đưa ra một số giải pháp như tăng cường giáo dục và hướng nghiệp STEM đối với học sinh phổ thông; hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo STEM; triển khai các chương trình đào tạo tài năng STEM gắn với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực công nghệ then chốt; hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ người học, thu hút nhiều người giỏi theo học các ngành STEM; hoàn thiện và triển khai các chính sách đào tạo, thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên giỏi; tăng cường đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu; mở rộng hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế, tăng cường khai thác các nguồn lực xã hội trong đào tạo nhân lực công nghệ cao.

Vai trò của Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp

GS, TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Đề án có vai trò chiến lược quan trọng đối với quốc gia trong việc phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là các ngành công nghệ then chốt như công nghệ thông tin và truyền thông, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, hóa học, vật liệu tiên tiến và năng lượng xanh. Nó sẽ là định hướng cho các đơn vị giáo dục ĐH để bảo đảm các sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay, đáp ứng tốt và bền vững nhu cầu nhân lực của đất nước.

Theo GS Trình, các cơ sở giáo dục cần hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cấp toàn diện chương trình đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên. Các hoạt động đào tạo cần gắn kết học thuật với thực tiễn, phát triển kỹ năng thực tế ở sinh viên, từ đó tăng cường khả năng ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lao động sản xuất của thị trường. Bên cạnh đó, cải cách cơ chế hoạt động quản trị nhà trường là một yếu tố quan trọng để mở ra những bậc tự do mới trong khuôn khổ pháp luật cộng hưởng các điều kiện để thúc đẩy sự phát triển.

Với góc nhìn từ một Trường ĐH công nghệ kỹ thuật, GS Trình mong muốn, trong thời gian tới, hoàn thiện được các cơ chế, quy định để khẳng định vai trò của 3 nhà, bao gồm: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp Việt Nam. Theo đó, Nhà nước cần có cơ chế mạnh mẽ hơn trong thúc đẩy xây dựng và thực thi các chính sách kiến tạo, tăng cường hơn nữa cơ chế phân cấp, phân công và phân nhiệm, đi liền với đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Chính phủ cần có các chính sách đồng hành và hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa và đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ngành giáo dục cũng cần hoàn thiện các quy định về tự chủ ĐH, đặc biệt là về tự chủ học thuật, tự chủ và phân cấp mạnh hơn về tổ chức và tự chủ tài chính. Trong thực tiễn hoạt động hiện nay, các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ còn khá lúng túng trong nhiều mảng công tác khác nhau, từ tổ chức cán bộ, tài chính, cơ sở vật chất, cho đến đầu tư cho nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Được biết, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) với triết lý “Sáng tạo và vun đắp giá trị nhân văn của công nghệ” ngoài những chương trình đào tạo chất lượng cao đã và đang tiên phong trong việc thiết kế các chương trình đào tạo tài năng xuất sắc, hướng tới các ngành công nghệ mũi nhọn như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử viễn thông, cơ điện tử và vi mạch bán dẫn.

GS, TS Chử Đức Trình chia sẻ, những chương trình này không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu mà còn khuyến khích sinh viên phát triển toàn diện thông qua việc cá nhân hóa quá trình học tập, kết hợp lý thuyết với thực hành và thực tiễn, tạo ra môi trường học tập mở, sáng tạo để thúc đẩy tiềm năng cá nhân của sinh viên. Đây chính là những nền tảng để đào tạo ra những chuyên gia có khả năng đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Hiện thực hóa mục tiêu này, Trường ĐH Công nghệ đã đổi mới cơ chế hoạt động nhờ vào việc áp dụng mô hình tự chủ ĐH tạo nên sự chủ động cần thiết trong các công tác phát triển và quản trị toàn diện quá trình đào tạo, hợp tác quốc tế và thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Trong chiến lược phát triển, Trường ĐH Công nghệ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2035 trở thành trường tốp 300 và đến năm 2045 trở thành trường tốp 200 trên Thế giới. Bắt đầu từ năm 2025, Trường ĐH Công nghệ sẽ áp dụng mô hình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ toàn thời gian tại trường. Khi đó, các học viên, nghiên cứu sinh sẽ được miễn toàn bộ học phí và được hỗ trợ sinh hoạt phí đáp ứng được mức cơ bản để sinh sống tại Hà Nội. Các học viên và nghiên cứu sinh sẽ tham gia sâu vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy của nhà trường.

Chia sẻ về đổi mới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong những ngành công nghệ mũi nhọn, PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội nhắc đến 5 bài học kinh nghiệm, gồm: Định hướng chương trình rõ ràng để người học lựa chọn đúng; chương trình đào tạo cần xây dựng khoa học, có triết lý theo mục đích; cần có các đối tác phù hợp, tích cực để phối hợp thực hiện; các kỹ năng bổ trợ và ngoại ngữ là cần thiết; xây dựng danh tiếng và quảng bá phù hợp. Quan điểm ĐH Bách khoa Hà Nội là: Mô hình tinh, gọn, hiệu quả; người học thành công; người thầy được sáng tạo, cống hiến; chương trình đào tạo và nghiên cứu luôn cập nhật, đánh giá; các đối tác được chia sẻ, phối hợp chặt chẽ.

Đề cập đến 4 nhóm giải pháp, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội trao đổi: Thứ nhất, hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo; bảo đảm công tác quản lý chất lượng đào tạo và hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong vì sự thành công của người học. Thứ hai, nâng cao chất lượng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong nhóm lĩnh vực công nghệ then chốt. Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác mạng lưới đối tác và quốc tế hóa trong giáo dục đại học, thích nghi với xu hướng phát triển giáo dục toàn cầu. Thứ tư, chăm sóc, tư vấn, đồng hành cùng người học theo xu hướng cá thể hóa và bồi dưỡng/phát triển nhân tài, tài năng.