Loay hoay chuyển đổi số trong ngành y tế

Dù đã được khẳng định mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho cả người bệnh và nhân viên y tế, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đang diễn ra không đồng đều, tại nhiều bệnh viện vẫn còn tình trạng chậm, vướng mắc mà nguyên nhân cốt lõi là thiếu kinh phí và nhân lực chuyên trách để vận hành hệ thống.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân đang tìm đường tại ki-ốt chỉ đường trong Bệnh viện Bình Dân (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: TRẦN NGỌC
Người dân đang tìm đường tại ki-ốt chỉ đường trong Bệnh viện Bình Dân (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: TRẦN NGỌC

Khó khăn lớn về nguồn lực

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023 là năm khởi động hai hoạt động trọng tâm trong chuyển đổi số của ngành y tế, đó là: xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân và xây dựng kho dữ liệu dùng chung của ngành y tế. Tuy nhiên, khi triển khai đối với các cơ sở y tế, còn nhiều rào cản.

Đơn cử như Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022, lần đầu áp dụng giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) vào thực tiễn của ngành nhãn khoa Việt Nam, đó là đưa vào tầm soát bệnh Glocom (bệnh cườm nước) bằng chụp ảnh mầu gai thị với ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr. Thông thường để đọc kết quả chẩn đoán hình ảnh gai thị, bác sĩ chuyên khoa Glocom mất 45 giây và bác sĩ nhãn khoa mất sáu đến tám phút, thế nhưng với AI EyeDr, các bác sĩ ở Bệnh viện Mắt chỉ mất 8 đến 12 giây và độ chính xác đến hơn 90%. "Trợ lý" AI EyeDr cũng giúp cho các bác sĩ, chuyên gia có thể dễ dàng hội chẩn từ xa, giúp cho việc thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân nhanh chóng và dễ dàng, còn người bệnh tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Tuy nhiên, do còn có quá nhiều thủ tục, quy trình đầu tư công về lĩnh vực công nghệ thông tin, nên đã không thể đáp ứng kịp nhu cầu đầu tư chuyển đổi số của bệnh viện.

Tương tự, đại diện Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bệnh viện cũng đối mặt với vấn đề giữ an toàn, bảo mật thông tin của người bệnh khi thực hiện khám bệnh hay tư vấn trực tuyến, xem hồ sơ bệnh án trên điện thoại... Bên cạnh khó khăn lớn là sự thiếu hụt nhân viên công nghệ thông tin, lương và chế độ đãi ngộ còn giới hạn khiến bệnh viện khó tuyển nhân sự.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, dù Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế đã có sự chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, song hiện nay công tác chuyển đổi số tại các cơ sở y tế vẫn còn quá chậm. Khảo sát của Bộ Y tế trong năm 2022 cho thấy, chỉ có 42,9% số cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc sử dụng phần mềm quản lý ghi chép hồ sơ bệnh án, 3% số cơ sở y tế bỏ được hồ sơ bệnh án giấy và có đến 32,5% số cơ sở chưa triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện, ghi chép hồ sơ bệnh án. Chỉ có 2,4% số cơ sở khám, chữa bệnh có bệnh án điện tử áp dụng chuẩn danh mục quốc tế SNOMED. Trong khi nhiều bệnh viện tư nhân ứng dụng rất nhiều các kỹ thuật AI, robot... thì các bệnh viện công ứng dụng những kỹ thuật này vẫn còn hạn chế.

Về nguyên nhân, ông Lương Ngọc Khuê cho biết, chính quyền một số địa phương, sở y tế, bệnh viện vẫn chưa thật sự quan tâm đến công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh hiện chưa có hệ thống quản lý công nghệ thông tin đầy đủ, chưa chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn. Cơ chế tài chính hiện vẫn chưa đầy đủ khiến các bệnh viện gặp khó khăn trong việc đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ, nhất là trong bối cảnh viện phí vẫn chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành.

Nói thêm vấn đề này, PGS, TSTrần Quý Tường, Chủ tịch Hội Công nghệ thông tin y học nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất hiện nay của việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là cơ chế tài chính. Theo tính toán, kinh phí cho công nghệ thông tin sẽ chiếm khoảng 1,5% trong tổng giá thành dịch vụ y tế. Khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành thì mới thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số. Cùng đó, quyết tâm của các lãnh đạo bệnh viện cũng vô cùng quan trọng. Hầu hết các giám đốc bệnh viện đều quá bận cho công tác chuyên môn, chưa quan tâm sâu sát đến các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Ðồng bộ, tránh dàn trải

Theo đại diện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, về mặt kỹ thuật nghiệp vụ cơ bản các bệnh viện đã có thể sẵn sàng cho mục tiêu đến năm 2025 các bệnh viện có thể chuyển sang bệnh án điện tử mà không cần bệnh án giấy. Tuy vậy, việc này còn liên quan đến câu chuyện về nguồn lực đầu tư, trong khi, hầu hết các bệnh viện đều thuộc quản lý của các địa phương, nên phụ thuộc vào khả năng bố trí nguồn lực kinh phí của các địa phương đó.

Theo các chuyên gia, một yêu cầu quan trọng để có thể chuyển đổi số thành công là phải thay đổi lề lối, nền nếp làm việc. Điều này tác động lớn đến toàn bộ công chức, viên chức và người lao động. Do đó, để chuyển đổi số nhanh cần sự quyết tâm lớn của toàn ngành y tế.

Từ thực tế triển khai, bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Đức Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: "Chúng ta cần phải quy chuẩn hệ thống thông tin và số hóa dữ liệu y tế dùng chung trên các nền tảng số khác nhau của các nhà cung cấp. Cần tăng cường mức độ bảo mật thông tin y tế cá nhân. Cần phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin giúp người sử dụng có thể dễ dàng tiếp cận phổ cập tiện lợi nhanh chóng khi đến khám, chữa bệnh".

Cùng quan điểm, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần nhanh chóng cho phép tính chi phí đầu tư về công nghệ thông tin vào giá viện phí, để bệnh viện tự chủ về tài chính có nguồn lực đầu tư phục vụ chuyển đổi số. "Yếu tố đầu tiên là bắt đầu từ con người, muốn chuyển đổi số tốt thì phải có con người số. Yếu tố quan trọng thứ hai là chúng ta phải có chiến lược và kế hoạch thực hiện chuyển đổi số một cách bài bản, khoa học và dài hơi. Như vậy thì bệnh viện phải bắt đầu ngay từ khâu thiết kế hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ chuyển đổi số, tránh đầu tư dàn trải, manh mún và thiếu tính kết nối đồng bộ", ông Tuấn nêu quan điểm.