Làng biển bán hoang mạc

Nắng quay quắt và gió biển thổi vào rát mang tai, về làng chài Sơn Hải, xã Phước Dinh (Thuận Nam, Ninh Thuận) tự thấy bản thân mình cũng có thể biến đổi thành than củi.
Hàng bánh bèo làng biển Sơn Hải.
Hàng bánh bèo làng biển Sơn Hải.

Nói vậy để dễ hình dung sự khô khát của vùng cát bán hoang mạc và cảm nhận được sự kiên cường của người dân sống trong miền cát khát khô của một xứ sở trước đây bị bủa vây bởi quy hoạch điện nguyên tử, nay là điện tái tạo.

Sinh kế làng biển là mặt biển

Đường dẫn xuống làng bằng một con dốc và thỉnh thoảng bắt gặp xe kéo bằng đôi bò đực mầu nâu đen khỏe khoắn như những chú ngựa đua nuôi ở Đức Hòa (Long An). Anh Nguyễn Văn Tùng, từng theo thuyền đánh cá ở Vũng Tàu sau bao năm lại về quê, cho biết: “Lý ra, nghề cá biển của làng tui sẽ khá hơn nếu được ở gần dân cư, gần phố”. “Nhưng cha ông đã chọn chỗ ni như trời đày trên cát, gió táp rát mặt nên người làng tui ốm (gầy) khô”, anh Tùng chân dung người làng.

Là một người khách, tôi nghĩ khác, làng biển Hải Sơn bao gồm hai thôn, luôn có sức hấp dẫn mà nhiều làng biển khác khó bì kịp. Làng hấp dẫn theo cách biệt lập, phía trong cát nhoài xuống, phía ngoài sóng nhô lên. Chòm dân cư gắn với nghề biển rồi thành làng như một minh chứng cho thấy biển thầm lặng, rộng lòng “nuôi” con người bám biển thế nào.

Làng chài Sơn Hải mang đầy đủ chân dung của làng chài ven biển là cát, cá, lưới, thuyền. Để sống ở đó, mọi bước chân đều phải giẫm lên cát. Sau những giờ cọc cạch với thuyền, lược lại những tay lưới, con cá là sản phẩm đánh giá kết quả lao động ngoài khơi. “Thuyền tôi tự chèo không mất tiền dầu, nhớt. Bữa ni, tôi lưới được nhiều cá, bán được hơn 500 nghìn đồng. Chỗ ni (vài con ghẹ, tôm...) mang về cho bà nhà làm canh”, ông Ngô Văn Dụng cho biết.

Trở lại với câu chuyện của anh Tùng, anh so sánh: “Ở Vũng Tàu, mỗi khi tàu thuyền về bờ, người đi tắm biển, người đi chơi theo cách hứng thú với thuyền câu, thuyền lưới. Họ mua với cái giá rất hời so với ở đây”. “Hồi ở Vũng Tàu, cái chi tôi cũng phải mua, cái chi tôi cũng phải trả tiền. Nó cao hơn so với ở đây, tính thu bù chi vẫn được nhiều tiền hơn chút đỉnh”, anh Tùng cho hay. Anh về lại làng này vì nhớ nhà, nhớ ông bà già, hơn nữa tụi nhỏ cần người trông nom.

Ông Dụng đứng gần đó, nói thêm: “Ở cái làng ni, ai rồi cũng đánh cá, phụ nữ thì mần cá, bán cá, chỉ có ít người lạc mất nghề biển nên mở tạp hóa, làm bánh bán chợ, làm thuê...”.

“Một chàng trai bước ra khỏi làng ni thì phải làm chi cho lớn lao, cho kinh khủng, chứ cũng đánh cá kiếm ăn thì về quê cho lành”, ông Dụng hất hàm sang phía anh Tùng, buông lời. Họ cùng cười. Người biển “ăn sóng, nói gió” có hề chi.

Nhìn ông Dụng hất hẩy mặt lưới một vài xác cá con chết khô rụng xuống cát, cứ tưởng rằng, ông sẽ mang lưới về treo cao trên cây sào trong nhà, nhưng không, ông ném tay lưới đã lược vào lòng thuyền. Xong việc, ông quắc cái vợt lên vai, bên trong lưới vợt, bữa canh của vợ. Ông Dụng kết luận: “Đời là mớ bòng bong thôi, sinh ra ở mô thì cứ cuốn vào nhau mà sống. Mà thiệt tình, ở chỗ ni không xa hoa, không xa biển. Quan niệm vậy, sống tích cực vậy cho êm đềm”.

Làng biển bán hoang mạc ảnh 1

Lược lại lưới cho chuyến khơi sau.

Và xế chiều

Trong những năm qua, vô số làng biển của nước ta, kể cả những làng biển ở bãi ngang, hải đảo đều rơi vào tình trạng đô thị hóa một cách nhanh chóng. Làng Sơn Hải đã chậm một nhịp vì dự án điện nguyên tử, tới khi dự án ngừng tháng 11/2016. Nhiều năm sống trong chờ đợi ngày di dân, cuối cùng họ lại nhận thông báo vẫn ở lại làng. Lúc đó cũng có nhiều phàn nàn. Đến nay, thời gian cũng đủ để gió đảo cát phủ một lớp mới lên bề mặt cũ và cũng đã xóa nhòa câu chuyện dự án giúp người nghèo chạy khỏi cái làng nghèo.

Nay, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời lại mọc lên trong địa bàn xã Phước Dinh. Và người đi du lịch cũng đổi thay “thực đơn”, khiến xóm xa, biển vắng thành điểm đến nhiều hứa hẹn.

Ở đây, bầu trời Ninh Thuận không gợn mây. “Nắng vậy, gió vậy nhưng người ta cũng nhanh đói”, bà Huỳnh Thị Liên, tay lau mặt bàn, miệng nói về kế hoạch mở hàng bánh bèo vào lúc ba giờ chiều mỗi ngày. “Bánh bèo của tôi bán ngon nhất ngon nhì ở đây. Khách cũng là người địa phương tới ăn, chứ khách du lịch tới đây chủ yếu ngó nghiêng chụp hình. Họ còn thắc mắc cái giá ba nghìn đồng một chén, bán đến lúc mô mới giàu được”, bà Liêm pha trò. “Giàu thì tôi cũng mơ ước nhưng hơi xa và khó. Tôi ước mình khỏe mạnh, ngồi đây mỗi ngày ngắm người làng đi ra, đi vô”, bà Liên bổ sung.

Khác với ngoài biển buổi sáng nhiều đàn ông. Buổi chiều, nhiều phụ nữ bồng con tới ăn món bánh bèo, cũng có thể họ mang theo đồ ăn dặm bữa xế cho bé con của họ. Hàng ăn buổi chiều như một điểm gặp gỡ của những người nuôi con nhỏ trong thôn. Ở đó là thông tin thôn làng người đi, người ở, người về. Ở đó là lớp học nuôi con, chuyện chồng đi lưới đêm qua nên vợ đưa con đi ăn quà dành không gian yên tĩnh cho chồng ngủ bù để đêm lại đi kiếm tiền ngoài khơi.

Điều lạ, phụ nữ ở đây không đội nón lá mà đội mũ vải tránh sự chòng chành. Phụ kiện che nắng này nhằm chống lại cái “gió như phang, nắng như rang”.

Nhìn trẻ con cuộn tròn trong vòng tay mẹ, bà Liên rôm rả kể chuyện: “Ở làng ni có cặp vợ chồng lạ đời. Chồng đi đánh cá từ 6 giờ tối trước đến 6 giờ sáng sau mới về. Vợ ra biển đón cá của chồng, mua thêm cá của người khác đưa đi chợ xa lắc xa lơ bán đến 6 giờ tối mới về nhà rồi dọn dẹp, giặt giũ quần áo. Vậy mà họ vẫn sinh được ba cô con gái mới hay ho”.

Tất cả khách hàng là phụ nữ đều cười

Chiều xuống dần, gió biển thổi lên. Gió đem theo hơi nước để bù vào lượng mưa thiếu hụt trên vùng cát. Sự “cắt tỉa” hoàn hảo của thời tiết tạo nên một Ninh Thuận khác biệt, bất ngờ. Nếu có dịp ngồi trên tàu hỏa và nhìn ra cửa sổ cũng dễ dàng nhận ra đây là Ninh Thuận.

Trở lại bờ biển, ông Dụng lại ra thuyền với một can nước để uống, một ổ bánh mì thịt heo. Chỉ vào ổ bánh mì, ông Dụng nói: “Bà nhà mua cho tui ăn đêm. Đêm nằm ngoài biển mát lắm. Hơi nước biển cũng làm cho mình nhanh đói”.

“Người đánh cá thì ăn cơm chiều sớm hơn những nhà khác. Cứ tầm

4 giờ 30 phút chiều là đã có cơm sẵn sàng rồi. Ăn chút, uống xíu, nghỉ ngơi xíu rồi ra biển khỏi cần tắm gội, tốn nước”, ông Dụng bộc bạch.

Nói rồi, ông Dụng kề vai vào đòn tre xoay chiếc thuyền từ bờ cát xuống mặt nước biển. Ông khoát tay tạm biệt và ngoài khơi kia là hoàng hôn trên biển của riêng ông, của những người đánh cá cùng làng.