Làm sao giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị?

Nắng nóng ở mức kỷ lục tại Hà Nội những ngày qua, được GS, TS Phan Văn Tân - Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, có sự đóng góp một phần của hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Muốn hạn chế tác động của hiện tượng này đòi hỏi quy hoạch đô thị phải tính tới việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ mặt đường tại khu vực Hà Nội lên tới gần 60 độ C trong những ngày nắng nóng kỷ lục đầu tháng 6. Ảnh: NAM TRẦN
Nhiệt độ mặt đường tại khu vực Hà Nội lên tới gần 60 độ C trong những ngày nắng nóng kỷ lục đầu tháng 6. Ảnh: NAM TRẦN

Đô thị “nóng” và hiệu ứng đảo nhiệt

Trong những năm gần đây thời tiết có những diễn biến bất thường, và có xu thế ngày càng cực đoan hơn thể hiện qua những kỷ lục mới của số liệu quan trắc. Ở quy mô hành tinh, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) thể hiện rõ ở xu thế tăng của nhiệt độ bề mặt trái đất, hiện tượng biến mất dần các lớp phủ băng ở hai cực trái đất, trên các đỉnh núi cao, dẫn đến hiện tượng nước biển dâng và “biển tiến”. Ở quy mô khu vực, BĐKH đã tác động mạnh mẽ đến các thiên tai hiện hữu, với tính chất biến động mạnh hơn, cực đoan hơn, dị thường hơn, cả về tần suất và cường độ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi bất thường của điều kiện thời tiết, khí hậu nhưng có nguyên nhân trực tiếp và sâu xa là do hoạt động sống của con người làm gia tăng hàm lượng khí nhà kính dẫn đến gia tăng hiệu ứng nhà kính của khí quyển. Con người đã tận thu trái đất và phải trả giá là điều tất yếu.

Đối với những khu vực thành phố, quá trình đô thị hóa tăng nhanh là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tính khắc nghiệt của thời tiết, đặc biệt trong những ngày hè oi ả. Về ban ngày hiệu ứng đảo nhiệt thành phố có thể làm cho nhiệt độ trong khu vực này cao hơn các vùng chung quanh tới 1 đến 3 độ C đối với những đô thị chỉ khoảng 1 triệu dân. Với những khu vực đông dân, nhiều nhà cao tầng, mật độ cây xanh và diện tích ao hồ ngày càng giảm, lưu lượng giao thông lớn, luôn xảy ra ùn tắc như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì mức chênh lệch này còn lớn hơn nhiều. Chúng ta đã được trực tiếp cảm nhận điều đó qua đợt nắng nóng kỷ lục vừa rồi ở Hà Nội.

Quy hoạch Xanh

Để làm giảm nhẹ hiệu ứng đảo nhiệt thành phố thiết nghĩ có nhiều giải pháp khác nhau. Nhưng giải pháp quan trọng nhất là phải có quy hoạch thành phố một cách hợp lý, để từ đó có phương án bố trí mật độ dân cư, hệ thống giao thông, diện tích mặt nước thoáng, diện tích cây xanh theo quy chuẩn. Đơn cử như với cây xanh, ngoài vai trò điều tiết thành phần khí quyển còn làm giảm sự đốt nóng trực tiếp của bức xạ mặt trời đối với nền bê-tông. Không chỉ trồng cây xanh trên bề mặt đất mà có thể cả trên mái nhà, dọc các bức tường, hành lang, sân thượng,... Hay như với diện tích ao hồ, nếu không thể tăng thêm thì chí ít cũng đừng thu hẹp nữa. Một giải pháp tăng diện tích mặt nước thoáng là xây dựng các bồn nước, đài phun nước giúp tăng lượng nước bốc hơi, giảm bớt sức nóng đô thị.

Mật độ giao thông lớn và nạn ùn tắc giao thông cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng hiệu ứng đảo nhiệt thành phố và ô nhiễm không khí. Bởi vậy, việc tính toán quy hoạch giao thông thiết nghĩ là hết sức cấp bách. Theo đó cần giảm lượng xe máy trong đô thị, tăng phương tiện giao thông công cộng. Vấn đề khai thác không gian ngầm trong lòng thành phố, như xây dựng tuyến tàu điện ngầm cũng sẽ góp phần giảm hiệu ứng đốt nóng của đô thị.

Tuy những vấn đề này không thể một sớm một chiều giải quyết được, nhưng chính quyền đô thị cần tính toán một cách căn cơ. Còn giải pháp trước mắt là giữ kỷ cương quy hoạch như không cho xây dựng tiếp những khu chung cư tại khu vực đã quá đông dân cư. Cần chấm dứt tình trạng quy hoạch đô thị, hệ thống giao thông không đặt trong tổng thể quy hoạch chung, có tính đến những quy hoạch thành phần về cây xanh, mật độ dân dẫn đến những trả giá như phải chặt cây xanh để mở đường, lấp ao hồ để xây dựng các khu đô thị hay công trình công cộng.

Để hạn chế tác động của hiệu ứng đảo nhiệt thành phố, sẽ cần đến sự ý thức và hành động của mỗi người dân và quan trọng không kém là quyết tâm hành động của các cấp lãnh đạo chính quyền.

Theo kịch bản phát thải cao (RCP8.5), nhiệt độ tăng lên vào cuối thế kỷ XXI dự kiến sẽ đạt 4 độ C (mức của năm 2012 chỉ là 3,7 độ C). Cùng với nhiệt độ gia tăng, BĐKH phá vỡ quy luật tự nhiên của các mùa, gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan như nắng nóng, hạn hán và lũ lụt.