Những tìm tòi cho một sáng kiến cứu người
Ngày 8/6/2024, nhóm tác giả sáng kiến “Hệ thống tự động chữa cháy mini” gồm ông Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phòng cháy, chữa cháy (PCCC); ông Nguyễn Tuấn Đức, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh; ông Cao Xuân Cường, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cùng với các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Hưng Yên gồm các đồng chí: Trung tá Nguyễn Tiến Đạt, Thiếu tá Phạm Hồng Đăng, Trung úy Triệu Tùng Lâm và một số cán bộ, chiến sĩ khác có nhiệm vụ trợ giúp nhóm tác giả đã tiến hành lắp đặt hệ thống thiết kế để bảo vệ ngôi nhà 3 tầng, sử dụng téc nước 2 m3 đặt trên sàn mái tầng 3, có chiều cao tương ứng là 8,5m cột nước. Vòi phun nước sử dụng Sprinkler D15, đường kính miệng vòi phun là 14mm, có nhiệt độ kích hoạt là 68oC. Khi ấy, nhóm đã sử dụng chất dẫn cháy để gây cháy nhằm xem xét tính hiệu quả của hệ thống và kết luận hiệu quả cụ thể.
Sau nhiều buổi thử nghiệm, mục đích phát hiện sớm nhất các đám cháy từ khi khởi phát, hạn chế thiệt hại về người và của cho các công trình nhà ở, xưởng sản xuất mà điều kiện thực tế không nằm trong quy định bắt buộc phải lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động; trọng tâm là nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cho thuê phòng trọ, nhất là các công trình nằm trong phố nhỏ, ngõ sâu cho thấy tính khả thi.
“Bản chất cháy khi xảy ra thì chúng ta phải có biện pháp can thiệp ngay, ngăn chặn và dập tắt đám cháy càng sớm càng tốt. Bằng những phương tiện chữa cháy phổ thông khác thì phải là con người phát hiện. Tức là con người phát hiện ra cháy sau đó sử dụng những phương tiện tại chỗ để xử lý”. Đối với “Hệ thống tự động chữa cháy mini” thì không cần con người phát hiện. Tự động phát hiện cháy, tự động phun nước xử lý, dập tắt đám cháy.
Về mặt nguyên lý thì không mới, nhưng nếu lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động và áp dụng theo tiêu chuẩn của hệ thống này thì rất phức tạp, rất tốn kém cho các hộ gia đình, các công trình quy mô nhỏ, chưa kể phần đông các hộ gia đình nếu có muốn lắp đặt hệ thống này theo tiêu chuẩn cũng không khả thi. Điển hình, một hệ thống chữa cháy tự động bằng nước thì được cấu thành bởi máy bơm, hệ thống đường ống chịu áp lực với giá thành cao hơn. Tiếp đó, phải sử dụng nguồn điện 3 pha, rồi có hạ tầng về nguồn nước (bể nước với trữ lượng lớn), vì máy bơm công suất lớn hút nước rất nhanh, nếu như bể nước không phù hợp thì sẽ không đủ nước để chữa cháy khi thiết bị chữa cháy kích hoạt, quy trình vận hành, bảo dưỡng rất nghiêm ngặt. Hầu như các hộ gia đình diện này thì không thể đáp ứng được. Đáng lưu ý là trong quy định về trang bị phương tiện PCCC cho nhà và công trình, không phải bất kỳ công trình hộ gia đình nào cũng bắt buộc phải lắp hệ thống chữa cháy tự động. Nhưng nhu cầu bảo đảm an toàn thì rõ ràng ai cũng như ai. Bởi thế, với giá thành và điều kiện của sáng kiến này, các hộ gia đình có thể tự trang bị hệ thống. Cách lắp đặt, tận dụng nguồn nước, tức là nguồn lực tại chỗ sẽ phát huy hiệu quả ngay từ khi con người chưa phát hiện ra đám cháy. Đấy là cái mới ở trong sáng kiến. Chỉ cần nhiệt độ trong phòng lên tới 68oC thì thiết bị sẽ tự động kích hoạt phun nước. Phun nước tức thời sẽ giúp giảm nhiệt độ, sự cố cháy nếu không ngừng ngay thì cũng giảm vận tốc lan truyền, giảm khả năng phản ứng cháy. Bởi vì cháy là phản ứng hóa học, có thể kìm hãm phản ứng khi phun nước để làm giảm nhiệt độ vùng cháy. Theo đó, nhiệt độ sẽ không tăng, khói sẽ giảm đi. Chỉ cần mỗi thứ tác nhân giảm đi một chút, thì mức độ nguy hiểm sẽ giảm đi, tạo điều kiện thoát nạn cũng như cứu người thuận lợi hơn. Và có thời gian để lực lượng chức năng vào cuộc.
Thí dụ cụ thể, ở một tòa nhà có một téc nước với khối tích 3 m3, lượng nước tương đương với 1 xe chữa cháy. Như vậy thời gian phun sử dụng nước tại chỗ tùy theo số đầu phun được kích hoạt, ít nhất là 20 phút và có thể là 1 giờ đồng hồ. Trong thời gian này đội chữa cháy đến nơi hoàn toàn có thể tiếp cận được, giảm thiệt hại rất nhiều. Thông thường, khi xảy cháy đến phút thứ 10 kể từ khi xuất hiện ngọn lửa thì đám cháy sẽ bắt đầu đạt tốc độ cực đại, nhiệt độ tăng cao rất khó có thể cứu vãn. Sáng kiến này sẽ giúp xử lý đám cháy ở giai đoạn đầu. Thiết bị cảm biến sẽ tự động phát hiện và tự động phun nước để kìm hãm đám cháy, giúp cho việc triệt tiêu những yếu tố nguy hiểm của đám cháy, hỗ trợ lực lượng PCCC có thời gian nhiều hơn để tiếp cận hiện trường, kịp thời tổ chức công tác chữa cháy, cứu nạn. Sau khi quan sát, nghiên cứu, tiến hành cho cháy thử, tính toán thời gian cháy, dập lửa trong thời gian bao lâu, nhóm tác giả quyết định đăng ký sáng kiến “Hệ thống tự động chữa cháy mini”. Sáng kiến đã được Công an tỉnh Hưng Yên công nhận sáng kiến cấp cơ sở và UBND tỉnh Hưng Yên công nhận sáng kiến cấp tỉnh.
Đưa sáng kiến vào thực tiễn
Có mặt tại nhà anh Nguyễn Văn Thắng, số 144 và 158 đường Đoàn Thị Điểm, TP Hưng Yên, Hưng Yên mới thấy, căn nhà mới được xây dựng có diện tích 80 m2 đã được gia chủ rất quan tâm tới việc phòng cháy. Hệ thống ống dẫn nước đấu với các đầu vòi phun lắp đặt gọn gàng trên trần các căn phòng. “Giá thành ngang với lắp đặt một hệ thống cấp nước sinh hoạt, chỉ là dẫn thêm một đường ống từ bình chứa nước sinh hoạt ra các đầu phun. Với căn nhà 6 tầng có diện tích sàn 80 m2 lắp đặt đầy đủ cho cả 6 tầng thì giá thành chỉ 15 triệu đồng. Nhà em còn lắp riêng một téc nước dành cho hệ thống chữa cháy. Chẳng lo thiếu nước nếu có sự cố”, chị Vũ Thị Hường, nữ chủ nhà tin tưởng cho biết.
Tại Hà Nội đã có 3 hộ lắp đặt hệ thống này. Diện tích 80-100 m2, hai hộ chỉ lắp ở tầng 1 và một hộ lắp từ tầng 1 đến tầng 3, kéo nước từ sân thượng xuống và lắp toàn bộ đầu phun theo đúng tiêu chuẩn, cả vật tư cả nhân công chỉ hết có 4 triệu đồng đối với hộ lắp tầng 1 và 16 triệu đồng đối với hộ lắp cả 3 tầng.
Nhà ông Nguyễn Văn Nam, số 10A, ngách 59, ngõ 82, phố Nguyễn Phúc Lai, Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa; nhà ông Ngô Văn Xiêm, số 205 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân và nhà ông Lương Duy Thịnh, số 900 đường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội là những căn hộ đã được áp dụng biện pháp phòng cháy này.
Tại hộ ông Nguyễn Văn Điện (phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên), công trình đang đi vào hoàn thiện. Diện tích xây dựng là 200 m5r, xây 5 tầng, lắp toàn bộ 5 tầng, xây mới từ đầu. Hệ thống đường ống đã được lắp đặt tới từng phòng. “Nếu tính tất cả tiền vật tư, nhân công cho hệ thống tự động chữa cháy mini ở nhà này hết 22 triệu đồng”, ông Đào Văn Thiệu, người trông nom công trình này xem kỹ từng tờ hóa đơn rồi cho biết thế.
Trong thực tế, các đám cháy công trình xây dựng trong ngõ nhỏ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thường do không được phát hiện sớm, không có phương tiện, thiết bị phù hợp để cứu chữa, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp khó tiếp cận cũng như tổ chức các hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các yếu tố nguy hiểm của đám cháy không được ngăn chặn, đặc điểm xây dựng không có lối thoát nạn. Để giải quyết tất cả các vấn đề trên cùng một lúc, giải pháp tự động phun nước chữa cháy trong giai đoạn đầu khi đám cháy mới phát sinh, bằng chính nguồn lực và tài nguyên tại chỗ của các hộ gia đình là giải pháp hữu hiệu, có tính khả thi và phù hợp nhất với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. “Chúng em chỉ mong muốn sáng kiến này sớm được áp dụng ở diện rộng. Thật ra, càng hạn chế thiệt hại từ giặc hỏa thì chúng em càng yên tâm công tác, chứ chẳng hề mong được cấp bằng khen hay công nhận sáng kiến chỉ để lấy thành tích cá nhân”. Chia tay nhau, Trung tá Cao Xuân Cường đã chia sẻ vậy.
Đánh giá về ưu điểm của sáng kiến Hệ thống tự động chữa cháy mini
1- Đã được đưa vào lắp đặt trong thực tế;
2- Thử nghiệm cho thấy kịp thời phát hiện và phun nước dập tắt cháy ở giai đoạn đầu;
3- Lắp đặt kết nối vào hệ thống cấp nước sinh hoạt của gia đình (từ téc nước sinh hoạt);
4- Vật liệu thi công là loại vật liệu phổ thông (phục vụ lắp đặt cấp nước sinh hoạt: ống PVC hoặc PPR);
5- Chủ hộ có thể tự mua và thợ điện nước có thể lắp đặt một cách dễ dàng;
6- Chi phí lắp đặt rất rẻ (rẻ hơn lắp đặt hệ thống cấp nước sinh hoạt).