Chọn đảo là nhà (Kỳ 1)

Vùng biển Tây Nam từ cửa sông Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu) đến TP Hà Tiên ( tỉnh Kiên Giang) kéo xuống phía nam, với hơn 130 đảo lớn, nhỏ thuộc 5 quần đảo: An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du và Thổ Chu. Nói thiên nhiên ưu ái biển trời Tây Nam cũng không sai. Một dọc Thổ Chu, Hòn Đốc, Hòn Chuối, tới Hòn Khoai, Nam Du, chúng tôi không khỏi nhớ tới mấy câu thơ của Mạc Thiên Tích: “Phẳng lặng thay bãi dài biển rộng/Mây phượng trì một giống quang tinh”.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình Đoàn Thị Huyền Trân - Nguyễn Hoàng Phương trên đảo Hòn Chuối.
Gia đình Đoàn Thị Huyền Trân - Nguyễn Hoàng Phương trên đảo Hòn Chuối.

Kỳ 1: Quê hương thứ hai

Năm 1995, cô giáo Hà Thị Oanh theo chồng đặt chân tới xã đảo Thổ Chu (huyện Phú Quốc, Kiên Giang). Từng ấy năm, suýt chết đuối có, vất vả khó khăn đều có, nhưng chị vẫn ở lại đảo, vì thương lũ trẻ, vì đã trót coi hòn đảo xa nhất phía Tây Nam này là ngôi nhà thứ hai của mình.

Ở một dải đảo Tây Nam, từ Hòn Đốc, Thổ Chu, Hòn Chuối… nơi những hòn đảo xa xôi nhất, tàu bè hạn chế, điện từ máy phát không đủ cho nhu cầu cả ngày, “quê hương thứ 2” vẫn là cụm từ chúng tôi được nghe nhiều nhất. Cũng phải có những tình yêu như thế nào, mới đủ giữ người lại trên những mảnh đất này.

Ngã rẽ lựa chọn

Cô giáo Hà Thị Oanh, Quyền Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Thổ Chu, nhớ những ngày đầu tiên đến đảo. Lúc đó, chồng chị là quân nhân chuyên nghiệp tại trạm Radar 610, Trung đoàn 551, trên đỉnh cao nhất đảo, chị chân ướt chân ráo ra đảo theo chồng cùng đứa con mới 3 tuổi. Năm thứ 2 ở đảo, chị “nếm mùi” biển. Trong một chuyến đi về đất liền, chiếc ghe chở chị bị lật, những người đi cùng được kéo lên ngay, chỉ có chị cứ chìm dưới nước. Tới khi người ta thấy túi xách của chị nổi lềnh bềnh trên mặt biển mới hốt hoảng nhảy xuống vớt chị lên. Lần đó, chị sống một cách thần kỳ. Cảm giác khi ấy của hai vợ chồng, tới giờ vẫn không ai quên. Cả năm sau, chị vẫn chưa vượt qua nỗi ám ảnh để bước xuống ghe về bờ lần nữa, mà tới bây giờ, nghe tới tên chiếc ghe đó chị Oanh vẫn rùng mình.

Vậy nhưng chị không bỏ đảo! Chị nói chồng mình ở đâu mình theo đó. Chị vẫn ở lại đảo sau lần suýt chết, rồi qua cả cơn bão kinh hoàng năm 1997 khi càn quét cả một vùng biển Tây Nam với bao nhiêu tang thương, nhà chị cũng bay mất. Mấy năm trời, kể cả khi bầu đứa thứ 2, chị vẫn cần mẫn mỗi mùa hè theo ghe về bờ đi học. Năm 2000, chồng chị chuyển công tác về Phú Quốc. Phòng Giáo dục cũng có ý muốn tạo điều kiện cho chị về gần chồng. Nhưng chị nói mình ở lại: “Mình thương lũ trẻ ở đây, học trò ở đảo nhiều thiệt thòi, mình gắn bó với đảo rồi, nên mình ở lại”.

Năm 1994, những giáo viên tình nguyện đầu tiên bắt đầu ra đảo, đánh dấu năm học đầu tiên của Thổ Chu. Xét về thâm niên, chị Oanh gần như là những giáo viên đầu tiên của Thổ Chu. Tháng 11/2001, Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang ra quyết định thành lập Trường THCS Thổ Châu (gồm cả cấp tiểu học). Đến năm 2005, Thổ Châu có thêm điểm trường mầm non.

Chị Oanh dạy lũ học trò từ những ngày lớp chỉ vài đứa, phải đi vận động từng nhà để các em tới trường, tới bây giờ, trường đã có lớp học khang trang với 10 phòng học đủ các lớp học cho hai cấp. Như chị Oanh kể, lứa học trò chị lớn lên, dựng vợ gả chồng, rồi con của họ lại thành học trò chị, có những người học trò lại thành đồng nghiệp. Chồng chị cũng đã về công tác lại tại Thổ Chu. Thời đường lên trạm còn chưa làm xong, anh phải đi bộ từ nhà lên trạm, có lúc trực cũng ở lại mấy ngày không về. Gần chồng đấy mà chị Oanh vẫn làm mọi việc một mình. Bây giờ có đường đi thuận lợi, vợ chồng cùng nhà thế thôi, nhưng cả hai cũng tất bật.

Cô gái 9X Đoàn Thị Huyền Trân cũng đến với Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) để theo chồng - Nguyễn Phương Hoàng, là công nhân xây dựng công trình ở đảo. 4 năm trước, Trân đang sinh sống ở ấp Vàm Đình Phú, Thuận Phú Tân, Cà Mau. Rời đất liền ra Hòn Chuối, mới đầu cô cũng hoang mang. Cái Tết đầu tiên, cô nói “Nó buồn!”. Đảo không có điện, điện thoại gọi về cũng khó khăn, muốn về bờ cũng chịu vì ghe ra vô đều nghỉ ngày Tết. Đêm 30, cả nhà phải đốt lửa thay đèn điện để có ánh sáng, còn cô khóc ngon lành vì nhớ mẹ. Thế mà thấm thoắt thêm 4 năm nữa, vợ chồng cô đã có thêm một cậu con trai kháu khỉnh, hộ khẩu Hòn Chuối. Cô kể về bờ sinh con 20 ngày cô đã ôm con theo ghe ra đảo, cậu bé có dòng máu từ đảo, nên trộm vía khỏe mạnh dạn sóng, không khóc quấy gì. “Bây giờ thì vui rồi, Tết các gia đình gói bánh, bộ đội cũng gói bánh, đem lì xì nhau”, Trân kể. Đảo Hòn Chuối nằm không xa đất liền nhưng là nơi có địa hình rất phức tạp, độ dốc cao, điều kiện khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều với hai mùa gió rõ rệt. Cuối năm nay đang là mùa khô, cả tháng nay, người dân đảo nói không có giọt mưa nào. Mỗi khối nước từ đất liền chở ra có giá 300 nghìn đồng, mà cũng chỉ dùng được nửa tháng là hết số nước, điện cũng vẫn chờ máy nổ. Nhưng Trân bảo có tình cảm đùm bọc của mọi người, có bộ đội hỗ trợ bà con, công việc cũng đem lại thu nhập cho hai vợ chồng, nên cô hài lòng với cuộc sống. Cô không còn khóc nữa, mà trân quý mỗi ngày qua trên hòn đảo này: “Đảo nhỏ nhưng hoa quả nhiều lắm, ổi xoài có trong rừng, trên trạm Radar bộ đội hải quân trồng vú sữa, các anh cho ăn không hết”.

Chị Trần Thị Út chọn đảo Nam Du (quần đảo xa nhất huyện Kiên Hải, Kiên Giang) vì một lẽ khác. Năm 1998, chị theo chồng - một người lính hải quân - ra đảo. Năm 2013, anh không may qua đời. 35 tuổi thành góa phụ, một nách 2 con, chỉ có một quầy tạp hóa nhỏ ở vùng đảo heo hút, nhưng người phụ nữ ấy đã kiên định bám đảo. Lúc ấy Nam Du còn hoang sơ, chẳng có mấy khách du lịch, chị Út là người đầu tiên trên đảo mở mô hình cho thuê xe máy phục vụ khách du lịch. Từ hai chiếc xe đầu tiên, mỗi năm chị lại mua thêm một chiếc xe nữa, bây giờ đội xe của chị đã có 42 chiếc, có khách thuê quanh năm. Nguồn thu nhập đủ để chị nuôi hai đứa con ăn học nên người. Hỏi chị cái thời điểm khó khăn nhất, sao chị không về đất liền, chị cũng ngẩn người vì chưa từng nghĩ đến.

Lênh đênh rồi ổn định

Bè cá của ông bà Nguyễn Thị Hồng-Nguyễn Đức Thắng đã yên ổn trên vùng biển Thổ Chu hơn chục năm nay. Thời trẻ ông bà buôn hải sản ở Vũng Tàu, đến khi gia đình khó khăn, cậu con trai cả quyết định khăn gói ra Thổ Chu làm bè cá lập nghiệp. Tới khi khá hơn, hai vợ chồng anh ra Phú Quốc mở rộng kinh doanh, bè cá để lại cho bố mẹ tiếp tục trông nom. Bà Hồng nói bè cá đó mười mấy năm đã nuôi lớn cả gia đình, gồm gia đình cậu cả và 3 đứa em tuổi ăn tuổi học. Nhắc tới mấy đứa con, bà Hồng mắt sáng bừng, lấp lánh niềm tự hào. Hai đứa con trai giữa vừa tốt nghiệp Học viện Hải quân, đứa út cũng đang học đại học. “Hồi trước nghèo, thấy người chung quanh không cho con đi học nên đứa lớn cũng không được đi học. Bây giờ nhận thức mình hơn rồi, mình cho con cái học đầy đủ, con mình tài hoa là không sợ thiệt với đời”, bà Hồng nói vậy. Âu cũng là nhờ biển ở đây thương người, mỗi năm dù cũng hai lần kéo bè tránh mùa gió chướng, nhưng từ dạo vào Thổ Chu, gia đình ông bà làm ăn khấm khá. Nên bà nói ở Thổ Chu khỏe, cứ lênh đênh vậy thôi, nhưng ổn định và yên bình. Ngoài hơn 1.000 con cá bớp, bà còn nuôi cả tôm sú, để chờ đàn cháu về chơi cho chúng nó ăn. “Ở bè vui, mình yêu cái nghề này, yêu chỗ này thì mình thấy nó vui”, người phụ nữ hồ hởi.

Ông Lê Văn Phương, mà người dân đảo vẫn gọi là chú Ba, cũng nghĩ vậy. Chú Ba quê gốc mãi An Giang, vào Rạch Tàu kiếm sống, rồi ra với Hòn Chuối. “Ngoài bờ sân si, kiếm chuyện, chứ ở đảo khỏe re”, ông Ba lý giải cho quyết định ở hòn đảo hoang sơ với những bậc thang dốc đứng lên đỉnh núi. Năm 1995 ông ra Hòn Chuối, năm 1997 lần đầu ông đối mặt với cơn bão Linda. Biển Tây Nam xưa giờ chưa bao giờ có cơn bão nào khủng khiếp thế, mọi người đều bàng hoàng. Tàu cá của ông bị bão quật tan tành cả. Nhưng ông lần hồi gây dựng lại, rồi lại tiếp tục bám trụ ở đảo. Bốn đứa con của ông giờ có hộ khẩu ở Hòn Chuối, với ông đó là cả một niềm tự hào. “Làm gì có chuyện ở bờ mà mở cửa thoải mái như ở đây, chẳng lo sợ gì”, ông Ba bảo. Đảo Hòn Chuối bây giờ đã có tổ nhân dân tự quản, có hợp tác xã nghề cá, người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy, hải sản.

Mấy đảo xa Tây Nam, có thừa cái hào sảng của đất biển, cũng thừa sự hồn hậu của người miền Tây, xe máy dựng vẫn để nguyên chìa khóa, cửa lúc nào cũng mở, chẳng mấy ai phải bận tâm mất mát. Cô giáo Oanh ở Thổ Chu, chú Ba và Huyền Trân ở Hòn Chuối hay chị Út ở Nam Du, đều từ nhiều nơi đến và chọn ở lại đảo xa. Họ có những cuộc đời khác nhau và có những lúc cũng đặt giữa lựa chọn về bờ hay ở lại. Nhưng cuối cùng, họ vẫn gắn bó quê hương thứ hai, cũng không băn khoăn suy nghĩ nhiều về lựa chọn đó.

Cũng nhờ những lựa chọn đó, mỗi vùng đảo mới dần đông đúc và trù phú hơn. Cuộc sống dù còn nhiều nhọc nhằn, nhưng họ có niềm tin và sự kiên định để dựng xây cho nơi mình sống. Họ không nói nhiều về lý tưởng sống, với họ, cuộc sống chỉ đơn giản là mỗi ngày làm việc và bình yên.

“Sáng đi làm, trưa ăn vội với nhau được bữa cơm, tối về mới gặp nhau”, anh Bùi Anh Dũng - chồng chị Oanh bảo. Hai đứa con anh chị giờ đã lớn, đi học, đi làm xa cả. Nhưng anh chị bảo quen rồi, mỗi người một công việc, lặng lẽ cống hiến cho xã đảo nhỏ. Cả mấy chục năm nay, đất Thổ Chu này mỗi nơi đều có kỷ niệm, đều thân thương với họ. Đó là nhà, là máu thịt với cả hai rồi.

(Còn nữa)