Tết xưa có gì?
Cùng bạn bè tham gia ngày hội “Tết dân tộc - Mở rộng vòng tay” năm 2025, Huỳnh Thị Kim Chi (sinh viên Khoa Đào tạo đặc biệt, Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) vô cùng háo hức khi có cơ hội trải nghiệm các trò chơi dân gian như ô ăn quan, nhảy sạp, bầu cua tôm cá, hô lô tô, nhảy bao bố… Không gian đậm sắc xuân, rộn ràng tiếng cười nói, hò reo. Năm nay, Chi còn tham gia bán bánh đậu xanh và mứt dừa tại ngày hội cùng với Câu lạc bộ “OU help to be helped” với mong muốn giới thiệu đôi nét về ẩm thực Việt ngày xuân. “Không chỉ cập nhật thêm kiến thức về Tết Nguyên đán cho bản thân mà em còn có thể giúp các bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau hiểu hơn về văn hóa và truyền thống của Việt Nam. Trường có khá nhiều sinh viên nước ngoài đang theo học và các bạn tỏ ra rất hào hứng khi tham gia ngày hội”, Chi vui vẻ cho hay.
Năm nay, Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đầu tư cho các hoạt động giữ gìn văn hóa đón Tết cổ truyền với khá nhiều gian hàng giới thiệu chi tiết về trang phục truyền thống, nét ẩm thực và lễ nghi ngày Tết của người Việt. Bạn trẻ thích thú với gian hàng “Thư pháp ngày xuân”, “Tết xuân xưa”, “Phiên chợ xuân” hay “Thưởng thức tết Việt”. Tại khu vực “Ẩm thực xuân”, bên cạnh những món ngon đặc trưng trong dịp Tết, sinh viên còn thưởng thức nhiều loại bánh dân gian và nghe những câu chuyện về văn hóa, ẩm thực vùng miền.
Ngày hội khép lại bằng chương trình biểu diễn văn nghệ đầy mầu sắc, giới thiệu nét văn hóa độc đáo của ngày Tết Việt Nam. Trong đó, tiết mục tái hiện lễ cưới đầu xuân tại miền nam khiến nhiều người bất ngờ, thích thú. Khoác trên mình bộ áo dài Việt Nam đến tham gia ngày hội, May Sabai Hmu, nữ sinh viên người Myanmar đã có khoảng thời gian ý nghĩa bên bạn bè vào những ngày sát Tết. Trở về từ ngày hội, May Sabai Hmu hiểu thêm về ngày Tết, về văn hóa của Việt Nam, điều mà chỉ một năm trước còn quá xa lạ với cô.
Để xuân thêm trọn vẹn
Mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho việc đi lại, vui Tết của sinh viên, năm nay, không ít trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục linh hoạt lịch nghỉ theo tiêu chí thuận tiện nhưng vẫn bảo đảm không gián đoạn việc học tập, kiểm tra. Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho sinh viên nghỉ Tết ba tuần, từ ngày 20/1 đến ngày 9/2. Trường cũng liên tục nhắc sinh viên đặt vé về quê sớm để chủ động kế hoạch, tiết kiệm chi phí cho gia đình. Trong khi đó, Trường đại học Tài chính Marketing, Trường đại học Kiến trúc và Trường đại học Công thương cho sinh viên nghỉ Tết khoảng 1 tháng với điều kiện có bổ sung lịch học trực tuyến trước, sau Tết để ổn định chương trình.
Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh mới đây cũng đã phát đi thông báo về việc dạy học trực tuyến trong thời gian trước và sau Tết Ất Tỵ 2025. Cụ thể, sinh viên theo học ở cơ sở chính của trường trên đường Nguyễn Văn Bảo và cơ sở trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp sẽ học trực tuyến một tuần trước Tết (từ ngày 13 đến 19/1) và một tuần sau Tết (từ ngày 10 đến 16/2). Sinh viên được nghỉ chính thức từ ngày 20/1 đến ngày 9/2. “Khoảng 70% sinh viên đang theo học tại trường ở các tỉnh, thành phố cách xa Thành phố Hồ Chí Minh, lịch nghỉ Tết kéo dài sẽ giúp các em tiết kiệm được chi phí và thuận lợi hơn trong việc đi lại. Về việc dạy trực tuyến, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các nền tảng nhằm bảo đảm chất lượng giảng dạy, đánh giá, kiểm tra. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chỉ dạy trực tuyến tối đa 30% thời lượng cho cả chương trình theo đúng quy định”, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho hay.
Dịp Tết Ất Tỵ 2025, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu gần 4.000 đầu việc thời vụ cho sinh viên có nhu cầu. Các công việc và đơn vị tiếp nhận được sàng lọc kỹ nhằm bảo đảm an toàn cũng như mức thu nhập cho sinh viên. Theo đó, mức thu nhập trung bình từ 25 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng/giờ hoặc 140 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng/ngày, tùy thời gian, thời điểm làm việc, loại hình và khối lượng công việc. Trong các ngày Tết, doanh nghiệp cam kết trả lương cao gấp đôi, gấp ba hoặc tặng quà, lì xì cho sinh viên.