Hiệu quả kép
Ba năm qua, mô hình trồng cây ổi lê Đài Loan và phát triển các sản phẩm liên quan của chị Đỗ Thị Thanh Thúy (thôn Miếu Bông, xã Hòa Phước) phát huy được thế mạnh về điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Trong khu vườn có diện tích 4.000 m², chị Thúy trồng khoảng 800 gốc ổi bao gồm các loại như ổi lê Đài Loan, ổi găng Đông Dư, ổi Ruby ruột đỏ và ổi nữ hoàng không hạt. Theo kinh nghiệm nhà nông, lứa ổi đầu tiên khi vừa ra sẽ cắt bỏ. Chị Thúy lý giải, cây ổi khi mới bén rễ khoảng 6 tháng thì bộ rễ chưa đủ sâu và rộng, nên cần tập trung chất dinh dưỡng nuôi phần thân. Từ tháng thứ 9 trở đi, cây mới chính thức cho quả.
Với khí hậu miền trung, ổi lê Đài Loan dễ thích nghi và sinh trưởng khỏe, cho quả quanh năm. Trong đó, thời điểm cây cho quả nhiều nhất là đầu xuân, khoảng từ sau tháng 1. “Tôi trồng theo cách gối đầu, từng lứa ổi cách nhau khoảng 2 tháng. Khi đó, cả khu vườn cho quả liên tục. Công chăm sóc chủ yếu nằm ở khâu dọn dẹp cỏ để cây phát triển tốt. Hiện nay, giá bán các loại ổi dao động từ 30 đến 40 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, tôi thu hoạch khoảng 500 kg ổi”, chị Thúy cho hay.
Ổi là loại cây ra lá rất nhiều. Đến giai đoạn cành lá già, hoặc trước khi vào mùa mưa thì phải cắt bỏ. Chị Thúy tận dụng phần này để làm nguyên liệu sản xuất trà lá ổi. Khi kết hợp lá ổi với các thành phần khác như lá dứa, giảo cổ lam, táo đỏ và kỳ tử trong túi lọc, hương vị trà ngọt thơm, dễ uống. Quả ổi găng Đông Dư lại là nguyên liệu chính để ủ nên loại rượu ổi đặc biệt. Nhờ được chăm sóc bài bản, không sử dụng thuốc hóa học, lá ổi vẫn giữ được vị chát vốn có, phần quả có độ giòn tự nhiên. Hiện sản phẩm trà lá ổi có giá 75 nghìn đồng/hộp, rượu ổi có giá 99 nghìn đồng/chai 500 ml. Với cây ổi, chị Thúy thu được giá trị kinh tế kép từ lá và quả.
Chị Thúy nhìn nhận: Về lâu dài, để phát triển kinh tế gắn với cây ổi, cần sự đột phá. Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, điều cần chú trọng chính là chất lượng sản phẩm và phương thức canh tác theo hướng hữu cơ. “Mỗi ngày trôi qua, bản thân tôi tự tích lũy cho mình những kỹ năng từ trồng trọt, quy trình chế biến sản phẩm đến việc tiếp cận thị trường. Tất cả điều đó hướng đến việc tạo dựng thương hiệu cá nhân thật vững chắc. Các sản phẩm hiện có và dự kiến ra mắt trong tương lai, chẳng hạn như ổi sấy khô, đều xoay quanh việc bảo vệ sức khỏe con người”, chị chia sẻ.
Phát triển đa giá trị
Nằm bên dòng sông Cu Đê, vườn ổi của ông Nguyễn Văn Minh (thôn An Định, xã Hòa Bắc) được đánh giá là điểm sáng về phát triển kinh tế của thôn. Năm 2021, quyết định cải tạo khu vườn để trồng ổi đã giúp đời sống kinh tế gia đình ông Minh cải thiện rõ nét. So những cây trồng khác thì việc chăm sóc, theo dõi vườn ổi đơn giản hơn. Ông Minh cho biết: “Từ khi có vườn ổi này, hai vợ chồng tôi thay phiên nhau làm cỏ, cắt tỉa cành lá, bao bọc túi xốp cho quả non. Có những giai đoạn phải thuê thêm nhân công để việc chăm sóc cây được đồng loạt, hạn chế sự chênh lệch thời điểm ra quả”.
Một kỹ thuật quan trọng trước khi trồng cây con là xử lý hố trồng. Dù điều kiện thổ nhưỡng ven sông đã chứa lượng phù sa rất tốt cho cây, nhưng ông Minh cho rằng cần lót thêm lớp trấu và phân chuồng hoai mục dưới gốc nhằm tăng độ xốp, thông thoáng cho rễ. Nhờ sử dụng toàn bộ phân chuồng để bón gốc, quả ổi giữ được hương vị thơm giòn đặc trưng, mẫu mã đẹp. Kỹ thuật bọc túi xốp cho quả non giúp hạn chế tình trạng sâu bệnh đục phá và tránh ánh nắng chiếu vào làm rám vỏ.
Với khách du lịch đến xã Hòa Bắc, vườn ổi của gia đình ông Minh trở thành điểm dừng chân thú vị. Tại đây, du khách được trực tiếp thưởng thức ổi và nghe câu chuyện phát triển kinh tế vườn của vợ chồng ông Minh. Nhờ đó, giá trị vườn ổi ven sông Cu Đê dần lan tỏa đến nhiều nơi. Trung bình mỗi năm, vườn ổi cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Mới đây, ông Minh mở rộng diện tích trồng ổi thêm 0,5 ha để tăng năng suất quả.
Trước đây, mía là cây trồng chính ở thôn An Định. Tuy nhiên, giá mía thường bấp bênh, điệp khúc "được mùa, mất giá - được giá, mất mùa" lặp đi lặp lại khiến bà con không còn mặn mà trồng mía. Dự kiến trong năm 2025, thôn An Định tiếp tục vận động, đề xuất hỗ trợ thêm một hộ dân triển khai trồng ổi. Mục tiêu lâu dài là tạo nên chuỗi liên kết, nâng cao thu nhập cho các nhà vườn.
Ông Huỳnh Văn Mẫn, Trưởng thôn An Định cho biết: “Qua rà soát, địa phương đã vận động bà con phát triển mô hình vườn cây ăn trái gắn với du lịch. Trong đó, vườn ổi của hộ ông Nguyễn Văn Minh là mô hình thí điểm của thôn… Với công sức người nông dân bỏ ra, quả ổi khi thu hoạch rất đẹp, chất lượng đồng đều. Những tour du lịch đến xã thường kết nối, tiêu thụ ổi, mang lại giá trị kinh tế cao”.