Kỳ vọng phục hồi

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh tăng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023. Duy trì cảnh báo về tốc độ tăng trưởng yếu và nguy cơ suy thoái trong năm nay, song IMF tin rằng kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: DAVE GRANLUND
Biếm họa: DAVE GRANLUND

Báo cáo của IMF cho thấy, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 trước khi phục hồi trở lại vào năm 2024. Ước tính, tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay đạt 2,9%, giảm so mức 3,4% của năm 2022, nhưng vẫn cao hơn dự báo 2,7% được IMF đưa ra hồi tháng 10/2022. Năm 2024, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trở lại, lên mức 3,1%. Trong những yếu tố chính đóng góp vào triển vọng mà IMF đánh giá là “phục hồi đáng ngạc nhiên” có tăng trưởng của các nền kinh tế châu Âu và Mỹ, chi phí năng lượng giảm và nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi hạn chế phòng dịch Covid-19 được dỡ bỏ hoàn toàn.

Phát biểu ý kiến khi công bố báo cáo của IMF hôm 31/1, nhà kinh tế trưởng thuộc IMF Pierre-Olivier Gourinchas nêu rõ: Tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn yếu, phần lớn do tác động của xung đột ở Ukraine và cuộc chiến chống lạm phát trên phạm vi toàn cầu. Tăng trưởng giảm rõ nét nhất tại các nền kinh tế phát triển hơn, trong đó, chín trong 10 nền kinh tế tiên tiến nhất có khả năng giảm tốc trong năm nay.

Tuy nhiên, IMF nhận định rằng hiện các yếu tố rủi ro về suy thoái đã giảm bớt, các ngân hàng trung ương đã đạt tiến triển trong việc kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, kinh tế thế giới đã chứng tỏ khả năng phục hồi mạnh mẽ, từ quý III/2022. Các lĩnh vực phục hồi nổi bật là thị trường lao động, tiêu dùng gia đình và đầu tư kinh doanh, cũng như khả năng thích ứng tốt hơn mong đợi đối với khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Lạm phát hạ nhiệt phần nào, dù vẫn chưa đạt đỉnh tại nhiều nền kinh tế. Việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại cũng mở đường cho tiến trình phục hồi nhanh hơn, trong bối cảnh các điều kiện tài chính toàn cầu được cải thiện và áp lực lạm phát giảm bớt.

Trong báo cáo mới nhất, IMF dự báo, nhóm các nền kinh tế phát triển sẽ chứng kiến mức giảm từ 2,7% năm ngoái, xuống 1,2% trong năm nay. Trong đó, tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2023 có thể đạt 1,4%, tăng so dự báo 1% được đưa ra hồi tháng 10/2022. Tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng được điều chỉnh lên 0,7%, so mức 0,5% trước đó, nhờ việc các nền kinh tế châu Âu thích nghi với chi phí năng lượng cao nhanh hơn dự kiến. Tuy nhiên, kinh tế Anh được dự báo suy thoái trong năm 2023, do chi phí sinh hoạt tăng.

Kinh tế Trung Quốc năm 2023 được dự báo tăng trưởng 5,2%, cao hơn nhiều so mức 4,4% mà IMF dự báo hồi tháng 10/2022. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 giảm xuống 4,5%, trước khi ổn định ở mức dưới 4% trong trung hạn. Với kinh tế Ấn Độ, báo cáo mới nhất của IMF giữ nguyên dự báo với mức tăng trưởng 6,1% năm 2023 và 6,8% năm 2024. IMF nhận định, hai nền kinh tế lớn của châu Á sẽ đóng góp hơn một nửa tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023.

Trong khi đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á trong năm 2023, với lý do tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ lấn át tác động tích cực từ việc kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại. Trong đó, tăng trưởng kinh tế Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thailand trong năm 2023 chỉ đạt 4,3%, thấp hơn dự báo 4,5% đưa ra hồi tháng 10/2022. Tăng trưởng kinh tế của nhóm các nước này năm 2024 dự kiến ở mức 4,7%, giảm 0,2% so dự báo trước đó.

Giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF Daniel Leigh cho rằng, các nền kinh tế khu vực ASEAN khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng như năm 2022, với mức 5,2%. Tuy nhiên, việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại vẫn tác động tích cực tốc độ phục hồi của các nền kinh tế khu vực, nhiều nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng khu vực phục hồi và dịch chuyển.