Khơi thông dòng vốn đầu tư công (★)

Kỳ 2: Rào cản nối rào cản

Sang năm 2023, tuy công tác giải ngân đầu tư công (ĐTC) đã có sự cải thiện, song vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn nhất định khi gặp phải những rào cản chưa thể dỡ bỏ ngay được. Đơn cử như công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), hay do thiếu những quy định cụ thể dẫn đến nảy sinh tâm lý "sợ trách nhiệm", sợ sai của một số cán bộ, người đứng đầu khiến tiến độ giải ngân chậm trễ và hiệu quả của ĐTC giảm đi.
0:00 / 0:00
0:00
Tính đến cuối tháng 2/2023, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 10.737 tỷ đồng, đạt 11,4% kế hoạch năm. Trong ảnh: Thi công Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 (Hà Nội).
Tính đến cuối tháng 2/2023, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 10.737 tỷ đồng, đạt 11,4% kế hoạch năm. Trong ảnh: Thi công Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 (Hà Nội).

Nan giải chuyện giải phóng mặt bằng

Khoát tay về bên kia sông Thương, phía tỉnh Hải Dương, ông Trần Lương Chiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính vui vẻ nói, đây là cây cầu hiện đại nhất ở Bắc Giang, với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Khi cầu Đồng Việt hoàn thành, sự cách trở giữa Bắc Giang và Hải Dương sẽ không còn, con đường kết nối với Quảng Ninh sẽ được rút ngắn, việc đi lại, thông thương sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Ông Chiến cho biết, là đơn vị đang trực tiếp tham gia thi công rất nhiều công trình ĐTC trọng điểm như: Dự án cầu Long Đại (Quảng Bình); Dự án cầu Thạch Hãn (Quảng Trị); Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 (Hà Nội); Dự án cầu Đồng Việt (Bắc Giang), song vẫn không tránh khỏi những vướng mắc khi thực hiện GPMB. Dự án nào cũng vướng, nhất là các dự án trọng điểm bởi chính sách pháp luật về đất đai, về áp giá đền bù GPMB còn những bất cập.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định, dù đã được cải thiện so trước đây, song năm 2023, công tác GPMB vẫn là khó khăn cơ bản trong ĐTC. Các dự án ĐTC trọng điểm như tuyến cao tốc bắc-nam phía đông, các tuyến cao tốc kết nối Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ... có đặc điểm chung là đi qua nhiều địa phương nên yêu cầu về GPMB tương đối phức tạp.

Bộ Giao thông vận tải là đơn vị được giao lượng vốn ĐTC cao kỷ lục trong năm 2023, hơn 94.000 tỷ đồng và triển khai dồn dập nhiều dự án quan trọng quốc gia. Theo kế hoạch, bình quân mỗi tháng, Bộ Giao thông vận tải phải giải ngân khoảng 8.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm nay, ngành Giao thông vận tải dự kiến khởi công 27 dự án, tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, vẫn gặp nhiều khó khăn khi việc bàn giao mặt bằng thi công khá chậm. Thí dụ, dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (đoạn qua tỉnh Đồng Nai), đây là một trong năm dự án quan trọng quốc gia dự kiến khởi công trước ngày 30/6, thế nhưng, việc bàn giao 70% diện tích mặt bằng tại địa phương khó hoàn thành trước thời điểm này.

Nhấn mạnh việc các dự án giao thông được hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, các địa phương sẽ được hưởng lợi trực tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tính đến cuối tháng 2/2023, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 10.737 tỷ đồng, đạt 11,4% kế hoạch năm, cao gấp gần 4,5 lần cùng kỳ năm 2022. Ngay trong tháng 3, Bộ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như: tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn vật liệu... và nhất là GPMB.

Hay tại Hà Nội, tính đến hết ngày 31/1/2023, còn 145 dự án với tổng kế hoạch chưa giải ngân hết là 3.704,6 tỷ đồng, chiếm 25,2% kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản dự án cấp thành phố. Nguyên nhân chính là do công tác bố trí vốn đối ứng của cấp huyện cho các dự án này còn chậm, dẫn đến việc triển khai các công tác chuẩn bị thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện như: phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán, khởi công dự án, GPMB… bị chậm theo.

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ rõ, vấn đề liên quan đến GPMB luôn là nút thắt lớn nhất trong triển khai các dự án ĐTC trên địa bàn thành phố. Vì vậy ngay từ đầu năm, tất cả các cơ chế, chính sách có liên quan đã được lãnh đạo thành phố rà soát, nhận diện và có sự chuẩn bị từ sớm. Từ đó, thành phố tiến hành phân cấp, ủy quyền để tập trung gỡ khó GPMB và triển khai các dự án trọng điểm.

Tương tự, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2022 được giao 54.000 tỷ đồng vốn ĐTC, nhưng đến ngày 31/1/2023 mới giải ngân được 71,3%. Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, nguyên nhân chính là bởi bất cập trong thủ tục thực hiện dự án, giá vật liệu xây dựng tăng, đặc biệt là GPMB chậm.

Còn ở Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2022, nơi được bố trí vốn là 1.172,4 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay việc giải ngân của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt 38,48%, trong đó còn có 789,8 tỷ đồng chưa được giải ngân. Lý do chính cũng là công tác GPMB đang gặp nhiều vướng mắc như: khó xác định nguồn gốc đất đai, việc kiểm đếm đền bù áp giá dự án tái định cư chậm và còn 200 hộ đang sinh sống trong dự án chưa thể di dời. Chính quyền huyện Thạch Thất đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng vẫn rất chậm.

Tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai

Bên cạnh một số vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách chưa điều chỉnh phù hợp yêu cầu thực tiễn; chuyển đổi số trong ĐTC còn hạn chế; một số dự án có giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh và nhiều nơi còn thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu; tăng chi phí doanh nghiệp; công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự án còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa có thứ tự ưu tiên dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm để tránh dàn trải; chậm trễ trong công tác bồi thường, GPMB, tái định cư...

Thực tế cho thấy, tại một số địa phương, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát, cụ thể, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án; năng lực của nhiều ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, nhà thầu còn yếu; ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong ĐTC chưa cao…

Đặc biệt, do thiếu những quy định cụ thể còn dẫn đến việc "sợ trách nhiệm", khiến cho tiến độ giải ngân bị chậm và giảm hiệu quả của ĐTC. Về vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, sợ trách nhiệm ở đây xuất phát từ những bất cập trong cách giao việc cho từng cá nhân, địa phương. Tiến độ giải ngân vốn nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào cách làm của lãnh đạo các địa phương, cũng như vai trò của chủ đầu tư, ban quản lý các dự án… Điều này cũng thể hiện phần nào năng lực lãnh đạo và trách nhiệm từ địa phương.

Bày tỏ quan điểm lo ngại về tình trạng giải ngân ĐTC chậm, gây nhiều bất cập trong đầu tư phát triển, trên diễn đàn kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV, GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân đã chỉ ra nguyên nhân, vướng mắc chính là việc "chạy xếp hạng". Thực tế có nhiều bộ, ngành, địa phương "chạy đua" đưa dự án vào kế hoạch ĐTC nhưng khi có tiền mới bắt đầu phân bổ cụ thể thì gặp vướng mắc. Thậm chí, đã có không ít địa phương thẳng thắn thừa nhận, một số cơ quan đơn vị, chủ đầu tư chưa thật sự tập trung, thiếu quyết tâm quyết liệt, vai trò của người đứng đầu còn hạn chế, có tình trạng một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu yếu kém về năng lực, chuyên môn. Và thế là xuất hiện tình trạng nhiều địa phương có tâm lý e ngại khi thực hiện, nhiều lãnh đạo chọn giải pháp an toàn, chờ đợi ý kiến cấp trên chứ không dám năng động, sáng tạo vì… sợ sai!

Có lẽ vì lý do này nên khi chỉ đạo về công tác giải ngân vốn ĐTC, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ quan điểm, ĐTC vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển nên cần đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chúng ta cần nhận diện rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác giải ngân vốn ĐTC, bao gồm cả mặt chủ quan, khách quan và các cơ quan, đơn vị liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương đều có trách nhiệm, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, tư vấn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn… Một bộ phận cán bộ công chức chưa quyết liệt với công việc, thậm chí sợ trách nhiệm.

Trên đường trở về Hà Nội, chúng tôi dừng lại trước Khu công nghiệp (KCN) Việt Hàn (Bắc Giang). Nơi vẫn còn bộn bề, nhưng hình hài một KCN tiềm năng đã hiện hữu trên phần diện tích thuộc giai đoạn một của dự án… Chợt nhớ đến lời tâm sự của Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Nguyễn Đại Lượng khi nói về chuyện giải ngân vốn ĐTC: "Dù có rót vốn đầu tư nhiều đến mấy mà không rõ trách nhiệm cụ thể của từng người, từng đơn vị thì cũng chẳng mang lại kết quả gì. Thế nên chúng tôi giao quyền và trách nhiệm cụ thể đến từng cá nhân, nhất là với những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Tôi vẫn nói với anh em, chỉ khi mình dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đối diện với áp lực công việc và dám tự tạo ra áp lực cho chính mình thì công việc mới trôi được! Quan trọng là chúng ta phải làm với một cái tâm sáng và nghiêm túc, kết quả công việc sẽ được như kỳ vọng".

Thực tế minh chứng, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, phải dám chịu trách nhiệm, dám quyết định mới thúc đẩy được giải ngân ĐTC.

(Còn nữa)

(★) Xem Báo Nhân Dân cuối tuần từ số 14, ngày 2/4//2023 - Kỳ 1: Chậm do những điểm nghẽn cố hữu

Ngày 14/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 235/QĐ-TTg thành lập năm Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Theo đó, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Tài chính làm tổ trưởng các tổ công tác. Thời gian kiểm tra, đôn đốc từ ngày 10 đến ngày 25 hằng tháng.