Không thể đứng ngoài đòi hỏi đổi mới

Ngày Doanh nhân Việt Nam mới đây có một sự kiện thu hút sự chú ý của cộng đồng. Đó là sự ra mắt của Công ty cổ phần Nghị lực sống, một doanh nghiệp xã hội thu hút được 23 nhà đầu tư, trong đó có không ít tên tuổi lớn. Trong một xã hội vận động không ngừng, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, doanh nghiệp xã hội không thể không đổi mới để nhập cuộc tốt hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Học viên tốt nghiệp khóa đào tạo nghề tại Nghị lực sống vào cuối tháng 12/2022.
Học viên tốt nghiệp khóa đào tạo nghề tại Nghị lực sống vào cuối tháng 12/2022.

"Lọt mắt xanh" của nhà đầu tư

Trên thực tế, cái tên Nghị lực sống không quá xa lạ trong cộng đồng các doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Chỉ là đến giờ, họ mới chính thức đăng ký và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội. Tham vọng của công ty khá lớn khi đặt ra mục tiêu 5 năm đầu sẽ đưa vào hoạt động 10-20 cơ sở Nghị lực sống trên cả nước, nhằm đào tạo, nâng cao năng lực, hướng nghiệp và tạo việc làm cho người khuyết tật. Để Nghị lực sống có thể sống được, bà Ngô Thị Huyền Minh - Tổng Giám đốc công ty khẳng định: "Chỉ có một con đường là buộc phải thay đổi, không thể chỉ trông chờ 100% vào nguồn tài trợ được nữa, nhất là khi nền kinh tế hiện đang hết sức khó khăn sau hai năm đại dịch. Lựa chọn của Nghị lực sống là xây dựng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp nhằm mở rộng quy mô hoạt động và tiếp cận đến người khuyết tật trên khắp cả nước".

Là cổ đông ủng hộ Nghị lực sống từ những ngày đầu, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC chia sẻ: "Khi Nghị lực sống tiếp cận, tôi đã biết chắc chắn sẽ đồng hành cùng họ lâu dài. Thứ nhất, là bởi mục tiêu của công ty được đội ngũ quản lý hoạch định rất rõ ràng, phương pháp, cách họ làm để hỗ trợ cho người khuyết tật cũng rất thiết thực. Và đặc biệt hơn, tôi chắc chắn họ đã phải tìm hiểu kỹ trước khi tìm đến tôi, bởi CMC là tập đoàn công nghệ, còn thế mạnh của họ là đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ thông tin. Rõ ràng, điều CMC có thể hỗ trợ cho họ không chỉ là tiền!".

Thật thú vị, trong khi nhiều doanh nghiệp buộc phải "ngủ đông" do ảnh hưởng đại dịch, Nghị lực sống lại có khoảng thời gian vàng để tìm được con đường đi cho mình. Sau nhiều năm hoạt động với mô hình trung tâm, đội ngũ lãnh đạo đã nhìn nhận được phần nào thị trường họ có thể tham gia và hoạch định từng bước để hiện thực hóa mục tiêu.

"Ngay khi tìm đến các nhà đầu tư, Nghị lực sống đã phải tìm hiểu rất rõ, họ không chỉ đi kêu gọi góp vốn, mà còn đang tìm nguồn đầu ra cho các học viên người khuyết tật", bà Phạm Kiều Oanh, nhà sáng lập và Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cho biết thêm.

Không có nền tảng hoạt động lâu năm như Nghị lực sống, đội ngũ nhân viên chỉ toàn người trẻ, song Công ty cổ phần Green Connect vẫn thành công khi ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình "Xử lý rác hữu cơ thành gà và trứng gà" với Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam nhờ theo đuổi một mô hình kinh tế tuần hoàn tiềm năng, với các khâu khép kín.

Sự hợp tác này là một trong bốn dự án của Green Connect, mang tên Larva Yum - tái sinh rác hữu cơ bằng ấu trùng ruồi lính đen. Đội ngũ tình nguyện viên của Larva Yum nhận thu gom rác hữu cơ tại các chợ đầu mối, chuỗi nhà hàng tại TP Hồ Chí Minh. Sau đó, ứng dụng mô hình ủ men vi sinh và cho ấu trùng ruồi lính đen "ăn" rác thải hữu cơ này. Sản phẩm đầu ra là thức ăn chăn nuôi gà từ ấu trùng, phân ấu trùng và các chiết xuất từ ấu trùng, từ đó, tạo ra dòng gà và trứng gà đáp ứng các tiêu chí cơ bản về môi trường sống bảo đảm các tập tính tự nhiên và chất lượng nguồn thức ăn, nước uống cho vật nuôi... Đầu ra, Kinh Đô sẽ thu mua toàn bộ số trứng gà sạch đó để sử dụng trong dây chuyền sản xuất.

Tuy mới chỉ ở giai đoạn đầu và quy mô còn nhỏ, nhưng dự án đã xuất sắc giành được gói tài trợ trị giá 10.000 USD từ Chương trình Thúc đẩy kinh doanh tạo tác động do doanh nghiệp Merry Year Social và CSIP thực hiện, với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Bà Phạm Kiều Oanh dành không ít lời khen ngợi cho Larva Yum: "Nhìn vào hoạt động của các bạn ấy, chúng ta có thể nhận thấy rất nhiều vấn đề xã hội sẽ được giải quyết nếu mô hình này thành công. Thứ nhất là vấn đề rác thải; thứ hai là hướng đến nông nghiệp sạch; đồng thời cũng giải quyết được vấn đề việc làm cho nhiều người nếu quy mô sản xuất của họ được nhân rộng".

Xu hướng mới

Có thể thấy hai câu chuyện gọi vốn đầy cảm hứng kể trên đều có chung một số đặc điểm nhất định để thành công. Đầu tiên, chương trình thiết thực, minh bạch, tạo tác động tốt đến xã hội. Thứ hai, đội ngũ lãnh đạo đầu tư thời gian và công sức vào việc nghiên cứu thị trường cũng như xác định được nhà đầu tư phù hợp.

Là người làm việc lâu năm với các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, bà Phạm Kiều Oanh phân tích: "Các doanh nghiệp xã hội của chúng ta hầu hết còn ở quy mô nhỏ nên khó đáp ứng những yêu cầu rất rõ ràng về quy mô cũng như bằng chứng tạo tác động của doanh nghiệp mà các nhà đầu tư nước ngoài đặt ra. Chính dòng vốn từ các doanh nghiệp trong nước đang mang đến cơ hội đầy tiềm năng dành cho doanh nghiệp xã hội. Vấn đề là các bạn phải biết vươn mình để nắm bắt cơ hội".

Thực hiện trách nhiệm xã hội đang được các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng đến. Không chỉ tham gia hay tổ chức các chương trình từ thiện theo cách truyền thống, các doanh nghiệp đã có sự thay đổi như bắt đầu tìm và đầu tư vào các doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Sự chuyển dịch này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, doanh nghiệp đang quan tâm rất nhiều các mô hình kinh tế tuần hoàn, cũng như cách thức để các đóng góp xã hội của họ có tính bền vững hơn. Sau cùng, nhờ vào các thương vụ đầu tư này, tính cạnh tranh của doanh nghiệp cũng được tăng lên.

Chỉ kinh doanh bằng cái "tâm" thôi là chưa đủ, để có thể mở rộng quy mô tạo tác động xã hội, các doanh nghiệp xã hội cần không ngừng đổi mới sáng tạo cũng như chú trọng đầu tư vào nghiên cứu thị trường, vươn lên tầm chuyên nghiệp hơn để có thể ở vị thế đối tác cùng có lợi với các nhà đầu tư. Xét đến cùng, để có thể tạo được tác động đến cộng đồng, trước hết doanh nghiệp xã hội đó cần phải "sống khỏe" và đi được đường dài!