Không bỏ lại ai phía sau

Trong khi internet và các lĩnh vực liên quan nền kinh tế số đang ngày càng được mở rộng, vẫn có những nhóm đối tượng ở các quốc gia nghèo ít có cơ hội tiếp cận không gian mạng và những lợi ích từ quá tình chuyển đổi số. Đây là cảnh báo do Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đưa ra trong báo cáo mới đây.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: LIU QIANG
Biếm họa: LIU QIANG

Theo AP, trong báo cáo đánh giá việc sử dụng internet tại 54 quốc gia (hầu hết có thu nhập thấp) công bố ngày 26/4 vừa qua, UNICEF cảnh báo khoảng 90% nữ giới trong độ tuổi từ 15-24, sinh sống tại các nước nghèo nhất trên thế giới, không được tiếp cận internet. Việc này kéo theo những nguy cơ nghiêm trọng về khả năng nữ giới sẽ bị bỏ lại phía sau về mặt kinh tế trong một thế giới ngày càng kết nối số.

Báo cáo nêu rõ, nữ giới trong độ tuổi từ 15-24 đang bị ngăn cản trong việc tiếp cận các kỹ năng kỹ thuật số. Cụ thể, 65 triệu nữ giới trong độ tuổi từ 15-24 ở những nước nghèo nhất thế giới, tương đương khoảng 90%, không được tiếp cận internet, cao hơn nhiều so khoảng 57 triệu nam giới trong cùng độ tuổi không được tiếp cận internet (chiếm khoảng 78%). Nam Á là khu vực có chênh lệch kỹ thuật số lớn nhất.

Theo báo cáo, trẻ em gái ít có cơ hội nhất trong việc phát triển các kỹ năng cần thiết cho học tập và làm việc của thế kỷ 21. Tính trung bình trên 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, kỹ năng kỹ thuật số của trẻ em gái thấp hơn 35% so trẻ em trai, trong đó bao gồm cả các kỹ năng đơn giản như sao chép hoặc dán văn bản, gửi email hay chuyển tài liệu.

Không chỉ vậy, thực tế chênh lệch trong việc tiếp cận công nghệ tồn tại ngay trong phạm vi gia đình. Theo đó, tại 41 nước và vùng lãnh thổ, các hộ gia đình thường có xu hướng cung cấp điện thoại cho con trai hơn là con gái. Cụ thể, tỷ lệ nữ giới trẻ có điện thoại di động hiện chỉ chiếm 13%. Điều này làm hạn chế khả năng của họ khi tham gia vào thế giới kỹ thuật số.

Trong một tuyên bố, Giám đốc phụ trách giáo dục của UNICEF, ông Robert Jenkins nhấn mạnh, việc xóa bỏ khoảng cách kỹ thuật số giữa trẻ em gái và trẻ em trai không chỉ đơn thuần là việc tiếp cận internet và công nghệ, mà còn là trao quyền để trẻ em gái trở thành những nhà đổi mới, sáng tạo và lãnh đạo. Để có thể giải quyết khoảng cách giới trong thị trường lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, ngay từ bây giờ phải hỗ trợ người trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ em gái, có các kỹ năng kỹ thuật số.

Báo cáo của UNICEF cảnh báo ngay cả khi trẻ em gái được tiếp cận bình đẳng với các cơ hội giáo dục truyền thống như toán học và đọc hiểu, điều này cũng không có nghĩa các em sẽ được tiếp cận các kỹ năng kỹ thuật số.

Trong nỗ lực hỗ trợ các nước nghèo chuyển đổi số, hồi đầu tháng này, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua khoản tài trợ 390 triệu USD để hỗ trợ Kenya thúc đẩy nền kinh tế số. Theo WB, số tiền này sẽ được sử dụng trong giai đoạn đầu tiên của dự án Tăng tốc kinh tế số Kenya nhằm mở rộng khả năng tiếp cận internet tốc độ cao, cải thiện chất lượng và cung cấp các dịch vụ giáo dục cũng như các dịch vụ có chọn lọc của chính phủ, đồng thời xây dựng kỹ năng cho nền kinh tế số khu vực.

Số liệu của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cho biết, trong năm 2022 có khoảng 34% dân số thế giới không sử dụng internet, tương đương khoảng 2,7 tỷ người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo số liệu do Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 19/4, có gần 6% dân số Đức (tương đương 3,4 triệu người) cho biết họ chưa từng sử dụng internet. Số liệu này là khá bất ngờ khi mà trong thời đại công nghệ như hiện nay, nhiều dịch vụ thường chỉ cung cấp bằng hình thức trực tuyến. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong năm 2022, tỷ lệ trung bình người dân EU không sử dụng internet chiếm 7%.

Những số liệu trên cho thấy, ngay cả ở các nước giàu có tại châu Âu vẫn có một bộ phận đối tượng không tiếp cận internet. Vì thế, việc xóa bỏ khoảng cách kỹ thuật số ở các quốc gia đang phát triển là một nhiệm vụ khó khăn và để không bỏ ai lại phía sau trong thời đại số, chính phủ các nước cần có những chính sách và định hướng rõ ràng hơn.