Quyết liệt chống xâm phạm sở hữu trí tuệ

Dù số vụ việc do lực lượng quản lý thị trường phát hiện giảm nhưng tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm… năm 2024 vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
0:00 / 0:00
0:00
Các loại hàng giả bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: ANH QUÂN
Các loại hàng giả bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: ANH QUÂN

Những sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu Nhật Bản đã không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Nhưng nhiều trong số đó đã bị làm giả.

Mới đây, lực lượng chức năng và đại diện thương hiệu “TRANSINO” đã phát hiện nhiều sản phẩm làm giả tại thị trường Việt Nam. Nhìn bằng mắt thường, những sản phẩm làm giả giống tới 90% từ kiểu dáng đến nhãn hiệu… khiến người tiêu dùng rất khó nhận biết.

Ma trận hàng giả

Đại diện Công ty Daiichi Sankyo Nhật Bản cho biết, doanh nghiệp đã liên tục đưa ra cảnh báo cho người tiêu dùng về các sản phẩm giả mạo để giúp họ tránh bị lừa đảo. Thậm chí nhãn hàng cũng hợp tác với các KOL (những người có sức ảnh hưởng lớn) liên tục thông tin về hàng giả. Nhưng thực tế, vẫn có một số lượng lớn người tiêu dùng rơi vào “tình cảnh tiền mất tật mang”.

“Khi người tiêu dùng nhầm lẫn giữa hàng thật và hàng giả, sử dụng hàng giả mà không đạt được hiệu quả, niềm tin vào thương hiệu sẽ giảm sút và khách hàng có thể rời bỏ. Hàng giả thường không được kiểm soát chất lượng, do đó có nguy cơ gây hại đến sức khỏe”, bà Miho Misawa, Công ty Daiichi Sankyo Nhật Bản phân tích.

Vượt qua những rào cản về kỹ thuật, hoạt động làm giả, làm nhái sản phẩm ngày càng tinh vi. Bất chấp những chế tài xử phạt, các đối tượng vẫn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp để làm lợi bất chính.

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được coi là thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, không chỉ đối với Việt Nam và trên quy mô toàn cầu. Việc xâm phạm này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ mà còn cản trở sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công thương, trong 10 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 61.079 vụ, phát hiện và xử lý 41.725 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý hơn 777 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 404 tỷ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 187 tỷ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy hơn 186 tỷ đồng (tăng 69%), thu nộp ngân sách nhà nước 479 tỷ đồng (tăng 11%).

Còn theo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, riêng tháng 11/2024, các cơ quan chức năng đã xử lý 1.801 vụ vi phạm buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, thu nộp ngân sách 415 tỷ đồng. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là quần áo thời trang, giày dép, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ tùng ô-tô...

Sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo dẫn đến thay đổi nhanh chóng về cách thức hoạt động thương mại. Điều này khiến doanh nghiệp đứng trước những cơ hội nhưng cũng làm cho tài sản sở hữu trí tuệ của họ dễ bị xâm hại hơn. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra ngày càng nhiều với phương thức tinh vi hơn, quy mô rộng lớn hơn, vượt qua ranh giới về địa lý, lãnh thổ quốc gia.

Thách thức trong thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), hiện Việt Nam cơ bản đã có đầy đủ về khung pháp lý; về tổ chức hệ thống, chẳng hạn: Chương trình phối hợp hành động phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Chương trình 168), trong đó có 9 bộ, ngành thành viên, Bộ KH&CN được giao là Cơ quan thường trực Chương trình; Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) với sự tham gia của liên bộ, liên ngành.

Tuy nhiên, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa thật sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

SECOIN là một thương hiệu có tiếng trong ngành vật liệu xây dựng. Với bề dày hơn 70 năm, doanh nghiệp đã sở hữu nhiều văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, giải pháp hữu ích, sáng chế. Trong hành trình đó, doanh nghiệp thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Mặc dù nhiều vụ việc vi phạm đã được doanh nghiệp gửi tới cơ quan chức năng để xem xét xử lý, nhưng các đối tượng vẫn ngang nhiên, thậm chí thách thức khi vẫn tiếp tục hành vi sau khi bị xử lý.

“Doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, công sức trong việc bảo vệ thành quả trí tuệ của mình. Nhiều vụ việc kéo dài tới cả năm trời, tốn kém. Song doanh nghiệp vẫn quyết tâm thực hiện đến cùng”, bà Đinh Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng SECOIN cho biết.

Theo ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Sở hữu trí tuệ, thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp có hiệu quả hơn trong việc phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các hành vi làm giả, làm nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh và thương mại. Tuy nhiên, do chế tài chưa đủ mạnh khiến nhiều đối tượng vẫn coi thường pháp luật, tiếp tục các hành vi sai phạm để trục lợi.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại thực trạng người tiêu dùng ý thức và nhận biết được sản phẩm hàng hóa mình mua là hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng vẫn chọn lựa mua vì giá thành rẻ, mẫu mã đẹp và mức độ tiện dụng khi mua sắm, mà không cần quan tâm đến chất lượng hay nguồn gốc thật sự của sản phẩm. Đây cũng là một nguyên nhân khiến nạn xâm phạm sở hữu trí tuệ, tình trạng hàng giả, hàng nhái khó được ngăn chặn triệt để.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường đánh giá, có rất nhiều người tiêu dùng mua hàng hóa trôi nổi chỉ vì nghe theo quảng cáo.

“Nhất là trong môi trường số, quảng cáo thường không xác thực được người bán nhưng hàng hóa lại dễ mua, nên nguy cơ bị lừa đảo, mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là rất cao. Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn hàng hóa từ nhãn hiệu, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm…”, ông Linh nhận định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, thời gian tới việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ thông qua các hội thảo, tập huấn nhằm giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về quyền lợi của mình và tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; khuyến khích việc đăng ký bảo hộ một cách kịp thời để phòng ngừa các hành vi xâm phạm và tăng cường hiểu biết trong cộng đồng về tác hại của việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, phối hợp cung cấp thông tin, ý kiến đánh giá về chuyên môn cho các cơ quan thực thi.

Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, phối hợp xử lý các hành vi xâm phạm có yếu tố nước ngoài; bảo đảm tuân thủ các cam kết quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ; phối hợp với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol)... trong việc chia sẻ thông tin, tổ chức đào tạo và đấu tranh với tội phạm sở hữu trí tuệ xuyên quốc gia.

Sở hữu trí tuệ được đánh giá là một loại tài sản quan trọng, có giá trị nhất đối với mỗi doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp... áp dụng cho sản phẩm và được bảo hộ, thì doanh nghiệp có rất nhiều lợi thế, cung cấp hình ảnh, danh tiếng và sự nhận diện khác biệt cho doanh nghiệp, nhờ đó khách hàng có thể nhận diện, phân biệt được.