Khám định kỳ để sớm bảo vệ sức khỏe

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tất cả mọi người nên khám sức khỏe định kỳ. Theo đó, mọi người có được những điều chỉnh tốt hơn về chế độ dinh dưỡng, lối sống, sinh hoạt sao cho khoa học để tăng cường sức đề kháng, cải thiện chất lượng sống, phòng ngừa bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
Khám sức khỏe định kỳ từ khi còn trẻ giúp sớm phát hiện bệnh tật.
Khám sức khỏe định kỳ từ khi còn trẻ giúp sớm phát hiện bệnh tật.

1/Cách đây hai năm, chị H. (Long Biên, Hà Nội) đi khám sức khỏe định kỳ ở cơ quan thì phát hiện có “cục hạch” nhỏ bên ngực trái. Chị được bác sĩ tư vấn nên đi khám chuyên khoa ung thư. Tại Bệnh viện K T.Ư, bác sĩ đã xác định chị bị ung thư vú giai đoạn 2. Thời gian đầu, chị H. rất buồn và chán nản vì vừa sợ phải cắt bỏ một bên ngực, phần vì lo lắng sức khỏe, nhưng các bác sĩ đã đưa ra lời khuyên: “Ung thư vú không thật sự đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn khi phát hiện ở giai đoạn sớm!”.

Chị H. đã tham gia liệu trình điều trị. Sau khi làm sinh thiết, các bác sĩ đã hóa trị cho khối u nhỏ lại, sau đó giải phẫu gắp khối u đã teo ra ngoài mà không ảnh hưởng nhiều đến các tế bào lành. Sau phẫu thuật, ngực trái của chị bầm tím và hơi lõm xuống, nhưng các bác sĩ đã tái tạo phục hồi lại như ban đầu. Hằng tháng chị vẫn tái khám và điều trị tác dụng phụ của thuốc. Cho đến nay bầu ngực và sức khỏe của chị đã phục hồi gần như bình thường.

Bác sĩ Vũ Hải, nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện K cho biết: Ung thư vú thường hay gặp ở những phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, từ 30-40 tuổi. Đặc biệt phụ nữ từ 40 tuổi trở lên dễ mắc phải căn bệnh này nhất. Ung thư vú không thật sự đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Đáng mừng là hiện nay người dân bắt đầu có ý thức tầm soát bệnh chủ động hơn. Nếu cách đây 10 năm, đa phần bệnh nhân ung thư vú tới bệnh viện đã ở giai đoạn muộn thì hiện nay có khoảng một nửa số ca được phát hiện sớm, điều trị tích cực, đồng thời bảo toàn được tuyến vú. Khám sức khỏe định kỳ là cách hiệu quả để chị em có thể phát hiện bệnh.

2/Thực tế, nhiều người dân vẫn thờ ơ với khám sức khỏe định kỳ. Thậm chí, với những triệu chứng bệnh thông thường, người dân cũng ngại tìm đến các cơ sở y tế để thăm khám vì các lý do như nhà xa cơ sở y tế, ngại mất thời gian vì phải đợi chờ tại các cơ sở y tế và tốn kém viện phí... Như trường hợp bà L. (Hưng Yên) gần một năm qua xuất hiện triệu chứng nuốt vướng, đau vùng bụng nhưng lại sử dụng “mẹo dân gian” tự chữa ở nhà vì ngại lên viện. Hai tháng nay bà thấy xuất hiện những cơn đau dữ dội ở vùng bụng lại nuốt khó mới chịu đi khám. Tại Bệnh viện K T.Ư, bác sĩ xác định bà bị ung thư thực quản. Đặc biệt, do phát hiện bệnh muộn nên việc điều trị theo phương pháp kết hợp hóa trị và xạ trị đều khó khăn hơn.

Với căn bệnh ung thư, bệnh để phát hiện quá muộn là rất nguy hiểm, khiến việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay, khoảng hơn 70% số người bệnh ung thư ở nước ta đi khám, phát hiện, điều trị muộn. Đây là lý do chính khiến tỷ lệ chữa khỏi ung thư tại nước ta thấp so các nước phát triển.

GS, TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, nguyên Viện trưởng Tim mạch Việt Nam cho biết, trong 30 năm qua, mô hình bệnh tật nói chung của người Việt đã thay đổi, các bệnh không lây nhiễm đang có khuynh hướng tăng lên như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, rối loạn tâm thần... “Để chủ động phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm, ngay từ lúc còn trẻ, chúng ta đã phải cố gắng thực hiện một lối sống lành mạnh, cụ thể là: Không hút thuốc lá, thuốc lào; hạn chế rượu bia; không nên ăn mặn; hạn chế các thức ăn có nhiều chất béo động vật, các thức ăn có chứa nhiều cholesterol... Bên cạnh đó, việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên có kèm với làm một số xét nghiệm cơ bản cũng rất quan trọng. Nếu có các bệnh lý hay yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp thì cần điều trị một cách tích cực để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra”, GS Nguyễn Lân Việt khuyến cáo.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, tất cả mọi người nên khám sức khỏe định kỳ hai lần/năm. Những người có sức khỏe tốt, nguy cơ bệnh lý thấp thì mỗi năm nên khám định kỳ một lần. Sau khi có kết quả khám, bác sĩ sẽ nắm được đặc thù sức khỏe của từng người, thông báo những yếu tố nguy cơ có thể gặp gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, phát hiện sớm các bất thường trước khi có biểu hiện bệnh. Nhờ việc bệnh lý được phát hiện sớm mà bác sĩ có thể giúp người bệnh đưa ra phương án điều trị hiệu quả. Mọi người còn có được những điều chỉnh tốt hơn về chế độ dinh dưỡng, lối sống, sinh hoạt sao cho khoa học để tăng cường sức đề kháng, cải thiện chất lượng sống, phòng ngừa bệnh.