Khả năng đặc biệt của phụ nữ khiếm thị

Với xúc giác nhạy bén hơn bình thường, nhiều phụ nữ khiếm thị đã tham gia một chương trình đào tạo tại Ấn Độ nhằm sử dụng khả năng đặc biệt của họ để phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư vú cho bệnh nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Ritika Maurya đang thực hành kiểm tra trên hình nộm. Ảnh: THE GUARDIAN
Ritika Maurya đang thực hành kiểm tra trên hình nộm. Ảnh: THE GUARDIAN

Ritika Maurya năm nay 23 tuổi, là thực tập sinh của dự án ở thành phố phía nam Bengaluru (Ấn Độ) nhằm đào tạo phụ nữ khiếm thị sử dụng xúc giác để phát hiện các khối u ở vú hoặc những thay đổi có thể là dấu hiệu sớm của bệnh ung thư. Được phát minh bởi bác sĩ người Đức, TS Frank Hoffmann, chương trình đào tạo này đã được triển khai ở Ấn Độ vào năm 2017 và đã mở rộng sang Colombia, Mexico, Áo và Thụy Sĩ.

Theo chương trình đào tạo này, phụ nữ khiếm thị sẽ được hướng dẫn sử dụng băng tài liệu có đánh dấu chữ nổi để đo từng cm vòng ngực của bệnh nhân. Mỗi lần kiểm tra kéo dài 30-40 phút và kết quả được chuyển cho bác sĩ chẩn đoán để đưa ra kết luận cuối cùng. Một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu về phụ nữ mù và người khuyết tật Ấn Độ (NABCBW) ở Thủ đô New Delhi cho thấy, cách kiểm tra bằng xúc giác của phụ nữ khiếm thị được đào tạo bài bản có độ chính xác tương đương các bác sĩ chuyên khoa.

Chia sẻ với The Guardian, Ritika Maurya cho biết, cô cảm thấy rất tích cực trong cuộc sống kể từ khi tham gia vào khóa đào tạo này. “Khi còn nhỏ, tôi được nuôi dạy trong sự che chở của cha mẹ, những người hiếm khi để tôi ra khỏi nhà vì bị khiếm thị. Tôi luôn cảm thấy bản thân vô dụng cho đến khi đăng ký khóa đào tạo này. Tôi đã giúp đỡ được nhiều người”, Maurya hào hứng.

Ung thư vú là loại ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất trên toàn thế giới. Ở Ấn Độ, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ, nhưng 60% số trường hợp được chẩn đoán muộn, khi đã ở giai đoạn ba hoặc bốn của bệnh, dẫn đến tỷ lệ sống sót giảm đáng kể. Theo TS Poovamma CU, bác sĩ phẫu thuật ung thư tại Cytecare, một bệnh viện ở Bengaluru, việc khám sàng lọc ung thư vú định kỳ bằng cách thức thủ công nói trên ở các khu vực nông thôn hẻo lánh, nơi chưa thể tiếp cận các máy móc hiện đại như máy chụp X-quang và máy siêu âm, có thể tạo ra tác động đáng kể ở Ấn Độ, quốc gia không có các chương trình sàng lọc mạnh mẽ.