Hồi sinh vùng đất phèn mặn

Dòng sông Trẹm đã không còn ngọt quanh năm mà biến đổi theo mùa-mặn vào mùa nắng (mùa khô hạn) và ngọt khi mùa mưa về. Con người cũng đã thay đổi tập quán canh tác, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhờ thích ứng mà phèn mặn vẫn mang đến những bội thu…
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) thu hoạch tôm càng xanh trên đồng lúa-tôm.
Nông dân xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) thu hoạch tôm càng xanh trên đồng lúa-tôm.

Mô hình canh tác "thuận thiên"

Những ngày cuối tháng 8 âm lịch, các cánh đồng ở ấp Sáu La Cua (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) trở nên rộn rã. Nhờ nguồn nước mưa quý báu, bà con trong vùng đã rửa mặn xong đồng ruộng để gieo sạ vụ lúa trên đất nuôi tôm. Đưa chúng tôi ra đồng lúa gần 10ha còn thơm mùi mạ non sau nhà, lão nông Phạm Văn Chiến (ấp Sáu La Cua) khoe: "Vụ lúa-tôm năm rồi, gia đình tôi thu hoạch được hơn 48 tấn lúa ST24 và hơn 1,5 tấn tôm càng xanh, thu lời hơn 250 triệu đồng".

Biển Bạch Đông là một trong nhiều xã có mô hình canh tác lúa-tôm hiệu quả của huyện Thới Bình-địa phương chiếm gần 50% trong tổng số hơn 40.000ha lúa-tôm của tỉnh Cà Mau. Vào mùa nắng, đồng lúa-tôm bị nhiễm mặn, nhà nông trong vùng nuôi tôm kết hợp nuôi cua, nuôi cá. Còn vào mùa mưa, nông dân rửa mặn đồng ruộng, sau đó tiến hành trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Đây cũng là vụ lúa-tôm duy nhất trong năm ở đồng đất Thới Bình nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung. "Nhờ tăng cường chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ chuyển đổi giống lúa mới chất lượng cao mà những năm gần đây, nhân dân trong vùng canh tác hiệu quả, thu nhập cải thiện nhiều so với trước. Đó cũng là một trong những điều kiện giúp xã "về đích" xây dựng nông thôn mới như hiện nay" - ông Nguyễn Phi Thoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đông, chia sẻ.

Sau chuyển đổi sản xuất vào năm 2000, Cà Mau định hình hai vùng sản xuất: vùng mặn chuyên nuôi trồng thủy sản; vùng ngọt chuyên nuôi trồng cây, con hệ ngọt. Tuy nhiên, do thủy lợi chưa khép kín, không bảo đảm ngăn mặn, giữ ngọt nên một phần vùng sinh thái ngọt ở Cà Mau trở thành "vùng hở". Trong một năm, "vùng hở" có sáu tháng nước mặn vào mùa nắng và sáu tháng nước ngọt vào mùa mưa. Để thích ứng với điều kiện nguồn nước mặn-ngọt theo mùa, nhân dân trong vùng đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại kết quả tích cực. Nổi bật trong số đó là mô hình canh tác một vụ lúa trên đất nuôi tôm, còn gọi là mô hình lúa-tôm, tập trung phần nhiều trên địa bàn huyện Thới Bình, một phần nhỏ của huyện U Minh, Cái Nước, Trần Văn Thời và TP Cà Mau.

Theo Thạc sĩ Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Cà Mau, mô hình lúa-tôm thực chất là cách thức dùng mặn đuổi phèn, sử dụng dưỡng chất từ cây lúa hỗ trợ cho tôm và ngược lại, giúp cả hai cùng sinh trưởng, phát triển. Đây cũng được xem là mô hình "thuận thiên" thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả bền vững ở Cà Mau, bởi suốt quá trình trồng lúa, nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu vì sợ ảnh hưởng đến con tôm. Ngược lại, bà con cũng không dám sử dụng kháng sinh để xử lý bệnh cho con tôm vì sợ ảnh hưởng đến cây lúa. "Nhờ canh tác theo cách tự nhiên như vậy mà sản phẩm từ cây lúa, con tôm ở vùng lúa-tôm rất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, sản phẩm nhiều nơi được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra" - ông Huy tiết lộ.

Mở rộng vùng chuyên canh hữu cơ

Hơn 20 năm về trước, phương thức canh tác cây-con hệ ngọt bao phủ một vùng rộng lớn trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Nhà nông canh tác một vụ lúa kết hợp trồng màu và nuôi cá đồng, có nơi chuyên canh cây mía hoặc trồng khóm, trồng trúc, trồng gừng…

Tại huyện Thới Bình, cây mía có ở trước nhà, sau hè, ngoài ruộng, một thời trở thành loại cây chủ lực được xem như "cứu sinh" cho nông dân. Vậy nhưng, do giá cả bấp bênh và điều kiện sản xuất không phù hợp, những cánh đồng chuyên trồng mía dần nhường chỗ cho những cánh đồng lúa-tôm, nâng tổng diện tích lúa-tôm của huyện này hiện hơn 18.000ha. Chủ tịch UBND huyện Thới Bình-Lý Minh Vững cho biết: "Phần lớn diện tích lúa-tôm của địa phương hiện nay được chuyển đổi từ đất trồng một vụ lúa kém hiệu quả, từ đất trồng trúc, trồng mía, trồng rau màu… Ban đầu bà con tự phát nhưng về sau chúng tôi xin chủ trương cấp trên để quy hoạch lại cho phù hợp với điều kiện sản xuất nhằm phát huy hiệu quả đất canh tác nông nghiệp. Đến giờ, địa phương không còn quy hoạch diện tích đất trồng cây mía nữa".

Trước nhu cầu bức bách của cuộc sống và để thích nghi tốt với điều kiện thủy lợi chưa khép kín, nông dân cùng chính quyền một số nơi ở vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau đã quy hoạch, cơ cấu lại sản xuất. Báo cáo của Tổ liên ngành (Tổ 249) UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ rõ, từ năm 2000 đến nay, vùng chuyển dịch của tỉnh lên đến hơn 49.700ha, trong đó có hơn 43.490ha đã chuyển từ đất trồng lúa sang sản xuất chuyên tôm và luân canh lúa-tôm. Trong số đó, có hơn 12.141ha đất trồng hai vụ lúa và hơn 5.220ha đất trồng mía đã được chuyển đổi sang canh tác cây trồng, vật nuôi khác.

Theo khảo sát, đánh giá của Tổ liên ngành 249, sau khi chuyển đổi sản xuất, hiệu quả trên cùng diện tích đất canh tác tăng lên rõ rệt. Cụ thể hơn, vùng quy hoạch ngọt hóa của tỉnh trước đây bình quân mỗi ha đất canh tác chỉ cho lợi nhuận từ 11 đến hơn 22,4 triệu đồng/năm, sau khi chuyển đổi sang luân canh lúa-tôm hoặc chuyên nuôi tôm, lợi nhuận mỗi ha đất nâng lên từ 61 đến hơn 65,4 triệu đồng/năm, tức cao hơn ba lần so với trước khi chuyển đổi.

Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có hơn 220.000ha luân canh lúa-tôm, khoảng một phần tư diện tích lúa-tôm trong số ấy nằm ở Cà Mau. Tám địa phương là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Long An và Tiền Giang áp dụng hệ thống canh tác lúa-tôm trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp hằng năm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mô hình canh tác trên thích hợp tại các vùng đất nhiễm phèn và dễ bị xâm nhập mặn. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả canh tác lúa-tôm, chính quyền và ngành chức năng đang xúc tiến đồng bộ nhiều giải pháp giúp nhà nông, như: Hỗ trợ chuyển đổi giống; liên kết bốn nhà; xây dựng và mở rộng vùng chuyên canh lúa-tôm chất lượng cao theo lối canh tác hữu cơ… nhằm tạo ra sản phẩm đặc thù, chất lượng tốt.

Tại Thới Bình-thủ phủ vùng lúa-tôm của Cà Mau, cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nghị quyết và chương trình hành động chuyên về sản xuất lúa-tôm sạch, lúa-tôm hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Mục tiêu phấn đấu của địa phương này là đến năm 2025 có từ 95%-100% tổng diện tích nuôi tôm, trồng lúa của huyện sản xuất lúa theo quy trình lúa sạch và quy trình nuôi tôm sinh thái. Trong đó, có hơn 10.000ha canh tác theo quy trình lúa-tôm hữu cơ.

Ông Lý Minh Vững chia sẻ, mục tiêu dài hơi hơn của chúng tôi là nhằm tạo nên chuyển biến giúp nông dân địa phương thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, tạo ra sản phẩm giá trị mang thương hiệu đặc thù. Khi đó, địa phương sẽ hình thành những vùng chuyên canh sản xuất hữu cơ, thu hút khách thập phương đến tham quan, lưu trú, trải nghiệm du lịch nông nghiệp hữu cơ.