BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Học Bác “dựa vào dân” trong thực hiện chuyển đổi số (kỳ 1)

Bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay, việc ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực là tất yếu, chiếm vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội và đối với công tác công an cũng không là ngoại lệ. Học tập và làm theo lời Bác“dựa vào dân”trong thời công nghệ số, Công an huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng mạng lưới “thiên la địa võng” tai mắt nhân dân nhờ công nghệ.
Đại tá Bùi Đức Hải, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên trao thưởng cho Thượng tá Trần Minh Cường (thứ tư, trái sang) và tập thể Công an huyện Đại Từ về thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm năm 2022.
Đại tá Bùi Đức Hải, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên trao thưởng cho Thượng tá Trần Minh Cường (thứ tư, trái sang) và tập thể Công an huyện Đại Từ về thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm năm 2022.

Kỳ 1: “Thiên la địa võng” tai mắt camera an ninh

Nằm cách nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời“Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, xóm Nà Khọm, xã Phú Đình, An toàn khu Định Hóa 30 km về phía đông nam, cán bộ, chiến sĩ công an huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên luôn học tập, thấm nhuần lời dạy của Bác “dựa vào dân”, huy động tiềm lực các ban, ngành và sức mạnh đoàn kết của quần chúng nhân dân xây dựng mạng lưới camera giám sát an ninh như “thiên la địa võng” tai mắt công an và nhân dân, phát huy hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Trong Huấn thị với học viên khóa 2, Trường Công an Trung cấp năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao để có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

Nhớ lời Bác dạy “dựa vào dân”

Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải “dựa vào dân” ở Trường Công an Trung cấp đến nay đã 73 năm, lời Người mãi in sâu, lan tỏa trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân và chuyển biến thành việc làm cụ thể trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, vì bình yên cuộc sống.

Năm 2020, Thượng tá Trần Minh Cường được bổ nhiệm Trưởng Công an huyện Đại Từ - địa bàn phức tạp về an ninh trật tự của tỉnh Thái Nguyên. Thời điểm đó, đúng lúc Giám đốc Công an tỉnh triển khai Kế hoạch thực hiện “Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Tỉnh ủy Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 2612/QĐ-BCA của Bộ trưởng Công an phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong Công an nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chương trình hành động về chuyển đổi số trong Công an tỉnh với mục tiêu tổng quát là đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành các nhiệm vụ công tác công an, nhất là trong các lĩnh vực tham mưu, xây dựng lực lượng, hậu cần, quản lý hành chính nhà nước về an ninh trật tự, hồ sơ, kỹ thuật nghiệp vụ… theo các yêu cầu, tiêu chí của quá trình chuyển đổi số. Quán triệt thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm xây dựng chính quyền số, chính phủ điện tử, bảo vệ vững chắc an ninh trật tự, cải cách hành chính, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội địa phương là nhiệm vụ quan trọng của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh Thái Nguyên.

Chương trình hành động về Chuyển đổi số của Công an tỉnh cũng chỉ rõ 7 mục tiêu cơ bản đến năm 2025. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030 cần đáp ứng 5 tiêu chí, trong đó phát triển, hoàn thiện các hệ thống nền tảng phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, hoàn thành tích hợp, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Công an tỉnh kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các sở, ngành, địa phương.

Cùng với ban hành Chương trình hành động về chuyển đổi số, Công an tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai đến 100% cán bộ, chiến sĩ. Công an các đơn vị, địa phương đều cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, trọng tâm là Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Cơ yếu, Luật An ninh mạng, Chỉ thị số 02/CT-BCA ngày 27/4/2017 của Bộ trưởng Công an về tăng cường công tác phòng, chống tấn công mạng và bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng, đề phòng, tránh lộ, mất thông tin trong quá trình khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, chấp hành nghiêm quy định về quản lý, khai thác, sử dụng, vận hành hoạt động hệ thống mạng máy tính, thiết bị công nghệ thông tin.

Thượng tá Trần Minh Cường cho biết: “Chương trình hành động về chuyển đổi số trong Công an tỉnh thực sự là kim chỉ nam để công an đơn vị, địa phương đổi mới tư duy, mạnh dạn tiến hành chuyển đổi số trong các mặt công tác, tạo chuyển biến “đột phá” trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự”.

Cũng thời gian này, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên, Công an huyện Đại Từ đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BCA ngày 19/5/2018 của Bộ trưởng Công an về đổi mới, nâng cao chất lượng Phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” trong tình hình mới, cụ thể hóa các nhiệm vụ trong Chương trình hành động cụ thể.

Nói về tầng camera thứ ba đặc biệt này, Thượng tá Trần Minh Cường cho biết: “Trong suốt cuộc đời công tác của mình, tôi luôn nhớ và làm theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải “Dựa vào dân”. Với đặc thù địa bàn rộng, quanh co, khúc khuỷu, nếu lắp đặt, trang bị mắt camera phủ sóng toàn bộ địa bàn sẽ vô cùng tốn kém, trong khi địa phương vùng cao như Đại Từ còn nhiều khó khăn. Do vậy, tôi đã đến từng hộ gia đình vận động nhân dân tự nguyện tham gia mô hình camera giám sát an ninh của Công an huyện”.

Mở tai mắt camera an ninh

Qua thực tiễn khảo sát địa bàn với đặc trưng nhiều đồi núi, khúc cua, góc khuất, nhiều đoạn vắng, là nơi các đối tượng bất hảo có thể ẩn náu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, Thượng tá Trần Minh Cường đã nảy ra sáng kiến xây dựng hệ thống camera giám sát an ninh phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm. Được sự nhất trí, đồng thuận của cấp ủy các cấp, đã huy động tiềm lực các ban, ngành, cơ quan đơn vị địa phương, trực tiếp vận động quần chúng nhân dân xây dựng mạng lưới camera giám sát an ninh như “thiên la địa võng” tai mắt nhân dân nhờ công nghệ trên địa bàn cơ sở…

Được sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân, trong thời gian ngắn, Công an huyện Đại Từ đã xây dựng, hoàn thành hệ thống camera giám sát an ninh với cấu trúc lớp lang đến 3 tầng tai mắt. Trong đó, tầng thứ nhất là Trung tâm chỉ huy và lưu trữ dữ liệu đặt tại Công an huyện với tổng số 60 camera. Tầng thứ hai, là hệ thống 439 camera giám sát đặt tại các xã, thị trấn trên địa bàn và được kết nối đường truyền với Trung tâm chỉ huy tại Công an huyện. Tầng thứ ba, là 1.122 camera của các hộ gia đình người dân sinh sống trên địa bàn với tổng số kinh phí xây dựng cả 3 tầng tai mắt camera giám sát an ninh trật tự đến 1,5 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn B, người dân thị trấn Hùng Sơn, một địa bàn phức tạp về trật tự an toàn xã hội nói với chúng tôi: “Ban đầu tôi còn ngần ngại, lo những đối tượng phạm tội trả thù nếu biết công an tìm ra chúng là do camera của gia đình, hoặc lo sơ xuất mà lộ lọt thông tin hình ảnh riêng tư của gia đình lên hệ thống. Nhưng rồi được đồng chí Cường động viên, cơ quan công an đã có những biện pháp kỹ thuật đề phòng lộ lọt thông tin và người dân được bảo vệ nên gia đình tôi đã đồng ý kết nối, sẵn sàng chia sẻ hình ảnh, dữ liệu camera an ninh của gia đình mình hòa vào mạng lưới camera an ninh của Công an huyện”.

Ngày 15/10/2021, mô hình “Camera giám sát an ninh, trật tự” được ra mắt và đi vào hoạt động. Đến Đại Từ bây giờ, mạng lưới camera an ninh như “thiên la địa võng” tai mắt nhân dân giăng mắc, bủa vây, phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm, các hành vi vi phạm an ninh trật tự.

(Còn nữa)