Hà Nội chiếm gần 8,4% dân số cả nước

Tính đến hết năm 2022, dự kiến dân số Hà Nội trung bình đạt khoảng 8,4 triệu người (chiếm khoảng 8,4% dân số cả nước). Toàn thành phố đã đạt mức sinh thay thế, số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,1 con. Đặc biệt, đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2022 ước đạt 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái.
0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội hiện là thành phố đông dân thứ hai của cả nước. Ảnh: NG.NAM
Hà Nội hiện là thành phố đông dân thứ hai của cả nước. Ảnh: NG.NAM

Đó là số liệu của Sở Y tế Hà Nội tại lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững”. Theo số liệu thống kê, từ năm 1961 đến nay, dân số Việt Nam tăng gấp hơn ba lần, từ 30,2 triệu lên 96,2 triệu người, thấp hơn nhiều so các dự báo trước đây. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 6,3 con giảm xuống còn 2,09 con. Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,5% xuống 1,04%.

Hà Nội hiện là thành phố đông dân thứ hai của cả nước (sau TP Hồ Chí Minh) với dân số trung bình năm 2021 là 8.330.834 người, tốc độ gia tăng dân số cơ học hằng năm ở mức 1,4%/năm. Mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so mật độ dân số cả nước. Cùng với cả nước, công tác dân số của Thủ đô đã đạt được những thành tựu đáng kể, chất lượng dân số cũng từng bước được nâng cao. Cụ thể, năm 2022, tỷ lệ sàng lọc trước sinh toàn thành phố ước đạt 82%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 86%. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, công tác dân số đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Nguyên nhân bởi do quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng nên dù tỷ lệ sinh con thứ ba có giảm nhưng chưa ổn định, chất lượng dân số còn chưa tương xứng tiềm năng Thủ đô. Thêm vào đó, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.

Để giữ sự ổn định trong công tác dân số, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ nâng cao chất lượng dân số. Chú trọng tuyên truyền các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhất là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng dân số cơ bản cho đội ngũ công chức, viên chức quản lý, công chức làm công tác dân số, bảo đảm tối thiểu 95% công chức được bồi dưỡng kiến thức dân số cơ bản.

Cùng với đó tổ chức các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho cộng tác viên dân số, bảo đảm ít nhất 90% lượng cộng tác viên này được cập nhật kiến thức về công tác dân số. Phấn đấu tối thiểu 70% công chức dân số tuyến thành phố và 50% viên chức dân số tại tuyến quận, huyện, thị xã được đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng nghiên cứu khoa học về dân số và phát triển. Đến năm 2030, sẽ có 100% công chức được bồi dưỡng kiến thức dân số cơ bản, 100% viên chức làm công tác dân số được bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp dân số, 100% lãnh đạo y tế đơn vị y tế huyện và xã được bồi dưỡng về quản lý dân số và phát triển để thực hiện quản lý công tác dân số được giao, đồng thời 100% cộng tác viên dân số được cập nhật kiến thức chuẩn về công tác dân số.