Giao hòa cảnh quan và biển
Trong góc nhỏ của quán cà-phê nằm ngay sát bờ vịnh, ông Võ Văn Chín, thường gọi Ba Chín, một lão ngư 65 tuổi với mái tóc bạc phơ và làn da rám nắng, nở nụ cười khi nhắc đến tin thị xã Sông Cầu chuẩn bị trở thành thành phố: “Cái tin đó vui, mấy đứa ơi. Dân mình cần cù làm lụng nhưng giờ thì khác rồi. Lên thành phố, mình có thêm cơ hội làm ăn, du lịch vịnh Xuân Đài sẽ phát triển mạnh hơn. Biển đẹp vầy mà không phát huy thì uổng quá!”.
Bên cạnh ông Ba Chín, chị Phạm Thị Lành, chủ một cơ sở homestay nhỏ, vừa dọn dẹp bàn ghế, vừa hồ hởi góp lời: “Tui nghe nói sắp tới sẽ đầu tư thêm mấy dự án hạ tầng. Đường sá, cầu cống làm mới, khách tới nhiều, buôn bán cũng khấm khá hơn. Đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài mà có thêm khu vui chơi thì ai mà không mê”.
Từ thành phố xa xôi, nơi nhịp sống hối hả không ngừng, lòng người con Sông Cầu luôn giữ trọn một góc nhỏ dành cho quê hương. Mỗi khi nhớ về những hàng dừa xanh tỏa bóng, về vị mặn mòi của biển quyện theo làn gió khơi xa. Trong các buổi gọi video giữa gia đình, bạn bè, những người con xa quê không giấu nổi niềm phấn khởi, Huỳnh Văn Quyền là người như vậy. Quyền ngụ khu Bình Quới
(Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết: “Ở thành phố em có nhiều bạn cùng quê. Dạo ni, ngồi bên nhau là nhắc nhớ hoài. Nhớ những buổi sáng tinh mơ ra vịnh Xuân Đài xem cha gỡ lưới hay những buổi chiều rong ruổi qua đầm Cù Mông hít thở không khí trong lành. Cảnh sắc ấy, dù đi đâu cũng khó tìm thấy được”.
Không ai có thể quên được mâm cơm gia đình đầy những món ăn mang hương vị biển: Chén mắm ghẹ đậm đà, những con cá nục hấp cuốn bánh tráng hay tô canh rong biển thơm ngọt. Những đặc sản ấy không chỉ nuôi lớn họ, mà còn là mạch nguồn ký ức bất tận.
Khám phá Sông Cầu
Thị xã Sông Cầu, nằm phía bắc tỉnh Phú Yên được biết đến với chiều dài bờ biển lớn nhất tỉnh và cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Thị xã thành lập năm 2009, nổi bật với vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông cùng nhiều bãi biển đẹp như Vịnh Hòa, Bãi Tràm và đảo Nhất Tự Sơn. Nơi đây không chỉ sở hữu những danh thắng nổi tiếng mà còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc, hòa quyện trong nếp sống của người dân bản địa.
Làng nghề truyền thống tại Sông Cầu cũng là điểm đến thú vị. Tại thôn Hòa Thạnh, xã Xuân Cảnh, làng nghề đan bóng mò o (miền bắc gọi là lờ) tồn tại hơn 100 năm. Bóng mò o, sử dụng nguyên liệu từ cây mò o, dụng cụ bắt cá truyền thống không chỉ phục vụ địa phương mà còn bán sang các tỉnh khác. Nghề thủ công này chủ yếu do phụ nữ trung niên đảm nhiệm, thể hiện sự khéo léo, đậm đà nét văn hóa dân gian. Ghé qua đầm Cù Mông, đầm nước dài, hẹp, được bao quanh bởi núi Cù Mông là vùng nuôi tôm hùm lớn nhất Phú Yên. Ngoài tôm hùm, trong đầm còn nuôi một số loại thủy sản giá trị cao như cá ngựa, sò đá. Tại đây, bạn có thể trải nghiệm giăng lưới bắt cá cùng ngư dân hoặc thưởng thức ngay những món cá tươi ngon như cá mú, cá dìa, chế biến đơn giản trên bè. Tiếp đó, du khách có thể ghé thăm làng bánh tráng nước dừa Xuân Thọ. Loại bánh tráng này được làm từ gạo và nước cốt dừa, mang vị thơm bùi đặc trưng. Năm 2022, làng nghề này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thành phố mới Sông Cầu với sự giao hòa giữa thiên nhiên với con người, đã và đang khẳng định sức hút riêng, là điểm đến không thể bỏ lỡ trên hành trình khám phá Phú Yên. Và hôm nay, chính quyền và người dân đang viết tiếp câu chuyện của một thành phố trẻ, vươn mình mạnh mẽ, trở thành hình mẫu xanh, sạch, đẹp tại miền trung.
Chiều ngày 6/12/2024, HĐND tỉnh Phú Yên thông qua nghị quyết thành lập TP Sông Cầu dựa theo tờ trình của UBND tỉnh Phú Yên. Theo đó, cùng với 4 phường hiện có (Xuân Đài, Xuân Phú, Xuân Thành, Xuân Yên), TP Sông Cầu tương lai sẽ bao gồm 9 phường và 4 xã (Xuân Bình, Xuân Lâm, Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2), với diện tích tự nhiên là 493,83 km² và dân số khoảng 150.103 người. TP Sông Cầu sẽ là đô thị loại II, trung tâm tiểu vùng phía bắc của tỉnh, phát triển bền vững dựa trên lợi thế cảnh quan, văn hóa và tiềm năng du lịch biển.